Nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý
(Taichinh) - Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình của các bộ, ngành, địa phương và Chính phủ tiếp tục là chủ đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của đại biểu và cử tri cả nước trong những ngày đầu tiên của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.
Thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 (bổ sung) và triển khai Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tình hình kinh tế - xã hội đất nước những tháng đầu năm 2015 tiếp tục đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận.
Cụ thể, tăng trưởng GDP đạt 5,98%, vượt mục tiêu đề ra và cao nhất kể từ năm 2011. Kinh tế vĩ mô ổn định hơn, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,84% - thấp nhất trong nhiều năm qua. Mặt bằng lãi suất, tỷ lệ nợ xấu giảm. Tỷ giá được duy trì ổn định; dự trữ ngoại hối tăng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Kim ngạch xuất khẩu tăng 13,7%; cán cân thương mại thặng dư năm thứ ba liên tiếp, xuất siêu 2,1 tỷ USD...
Mặc dù vậy, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, khó khăn mà kinh tế - xã hội đất nước tiếp tục phải đối mặt. Đó là, sản xuất nông nghiệp trong những tháng đầu năm 2015 gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ. Tiêu thụ một số mặt hàng nông sản khó khăn, nhất là gạo, cao su, trái cây. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giảm so cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước giảm.
Bên cạnh đó, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp còn khó khăn. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động trong những tháng đầu năm tăng 4,5% so với cùng kỳ 2014. Thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản phục hồi chậm. Một số công trình, dự án quan trọng còn chậm tiến độ…
TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng, so với báo cáo đánh giá của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 8, tình hình kinh tế diễn biến từ đầu năm 2015 tới giờ tích cực hơn nhiều.
Về những tồn tại của nền kinh tế như nợ công, nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại, đầu ra cho nông sản, tình trạng nhập siêu…, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, Việt Nam là nền kinh tế có tích lũy thấp, dựa vào nguồn thu thì không đủ, nếu muốn đầu tư thì không thể không vay nợ, trong khi yêu cầu phát triển không thể không đầu tư, đặc biệt là hạ tầng giao thông, bệnh viện, trường học... Chính phủ đã đặt ra lộ trình đến năm 2020, đưa tỷ lệ nợ công so với GDP về mức cho phép, sau đó sẽ giảm xuống.
Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 2014 (bổ sung) và những tháng đầu năm 2015 là tương đối toàn diện, nêu được những ưu, khuyết điểm, các giải pháp sửa chữa. Vấn đề còn lại là sự kiên trì trong thực thi chính sách của Chính phủ, bộ, ngành và các địa phương để nền kinh tế phát triển bền vững.
Về các giải pháp điều hành kinh tế mà Chính phủ đặt ra cho những tháng còn lại của năm 2015, TS. Trần Du Lịch cho rằng, mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về mức 3% vào cuối năm 2015 là khả thi. Khảo sát 12 ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn TP.HCM mới đây cho thấy, tỉ lệ nợ xấu chỉ có 2,45%. “Có 2 vấn đề trước mắt mà Chính phủ cần rốt ráo giải quyết là đầu ra cho hàng nông sản và nhập siêu để người dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất - kinh doanh”, TS. Trần Du Lịch nói.
Với tinh thần nhìn thẳng vào các hạn chế, yếu kém, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo Quốc hội các giải pháp điều hành kinh tế trong những tháng còn lại của năm 2015; trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình của các bộ, ngành, địa phương và Chính phủ.
Theo đó, các nhiệm vụ mà Chính phủ sẽ tập trung thực hiện trong những tháng còn lại của năm 2015 gồm: tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, phấn đấu hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa 289 doanh nghiệp; tiếp tục rà soát, bổ sung doanh nghiệp cần cổ phần hóa, bán phần vốn nhà nước, thoái vốn đầu tư ngoài ngành; triển khai hiệu quả Luật Quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại doanh nghiệp; khẩn trương cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém; phấn đấu đạt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu xuống còn dưới 3% vào cuối năm 2015.
“Trong quá trình triển khai các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm cơ chế người phát ngôn, các cơ quan báo chí làm tốt nhiệm vụ thông tin truyền thông về tình hình kinh tế - xã hội, chính sách, pháp luật, sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và về các vấn đề dư luận quan tâm; tăng cường đối thoại, trao đổi thông tin với người dân, doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.