Tăng trưởng tổng tiền gửi sẽ khó có yếu tố đột biến cuối năm
Trong giai đoạn 2 tháng cuối năm, tăng trưởng tổng tiền gửi sẽ không có nhiều yếu tố đột biến khi cân nhắc tới yếu tố mùa vụ. Khó có thể kỳ vọng mức độ tăng trưởng tiền gửi của khu vực dân cư có thể quay lại mức trước khi có đại dịch Covid-19 một cách nhanh chóng.
Tiền gửi từ khu vực dân cư sụt giảm
Theo số liệu mới cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng huy động giảm rõ rệt kể từ tháng 4/2021 trong bối cảnh tiền gửi khu vực dân cư có xu hướng giảm. Cụ thể, theo số liệu từ SSI Research, tổng lượng tiền gửi trong nền kinh tế đạt 10,5 triệu tỷ đồng tính đến hết tháng 9, tăng 11,2% so với cùng kỳ (thấp hơn so với mức 12,6% vào năm 2020), chủ yếu là do mức tăng trưởng sụt giảm mạnh từ tiền gửi khu vực dân cư. Tăng trưởng huy động khu vực này chỉ tăng trung bình khoảng 4% trong năm 2021, giảm từ mức 7,5% vào năm 2020, khi môi trường lãi suất tiền gửi ở mức thấp trong lịch sử.
Các chuyên gia của SSI Research cho rằng, trong giai đoạn 2 tháng cuối năm, tăng trưởng tổng tiền gửi sẽ không có nhiều yếu tố đột biến khi cân nhắc tới yếu tố mùa vụ. Một điểm cần lưu ý là tăng trưởng kinh tế năm 2020 - 2021 ở mức thấp, nhiều khả năng ảnh hưởng tới mức tích lũy của người dân nói chung; do đó, cũng khó có thể kỳ vọng mức độ tăng trưởng tiền gửi của khu vực dân cư có thể quay lại mức trước khi có đại dịch Covid-19 một cách nhanh chóng.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục khẳng định chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ được duy trì. SSI Research kỳ vọng rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm nới hạn mức tín dụng đối với các ngân hàng có chất lượng tài sản và các chỉ số an toàn tốt. Nhờ vậy, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay vẫn ở mức thấp như hiện tại.
Cụ thể, lãi suất huy động dao động từ 3 - 4% đối với kỳ hạn dưới 6 tháng; 3,7 - 5% đối với kỳ hạn 6 - 12 tháng; và 4,2 - 6,5% đối với kỳ hạn trên 12 tháng; trong khi lãi suất cho vay dao động từ 5 - 7% đối với khoản vay ngắn hạn và 9 - 11% đối với khoản vay trên 12 tháng.
Lãi suất liên ngân hàng giảm nhờ thanh khoản dồi dào
Báo cáo thị trường tiền tệ tuần của SSI Research cho biết, thanh khoản hệ thống trong tuần qua được hỗ trợ bởi khối lượng lớn VND cung ứng; đồng thời từ nguồn Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ kỳ hạn đáo hạn và mua giao ngay, trong khi kênh trung hòa truyền thống (nghiệp vụ thị trường mở) không có giao dịch.
Như vậy, chỉ riêng trong vòng 3 tuần đầu tháng 11, lượng VND bơm ra thị trường thông qua kênh mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước lên tới hơn 60 nghìn tỷ đồng và điều này giúp mặt bằng lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm, kết tuần ở mức 0,65% (-4 bps) cho kỳ hạn qua đêm và 0,75% (-3 bps) cho kỳ hạn 1 tuần.
Trên thị trường ngoại hối tại Việt Nam, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng ổn định quanh mức tỷ giá mua ở Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, tại 22.645 VND/USD. Tỷ giá niêm yết ở các ngân hàng thương mại cũng có diễn biến tương tự và kết tuần giao dịch ở mức 22.525/22.755 đồng (mua vào/bán ra), tăng 10 đồng so với tuần trước trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do, ngược lại tăng mạnh khi chênh lệch giá vàng trong nước – quốc tế ở mức cao, kết tuần ở 23.370/23.410 đồng, tăng 90 đồng cho chiều mua vào và 60 đồng cho chiều bán ra.
Mặc dù cán cân thương mại trong nửa đầu tháng 11 quay lại nhập siêu nhẹ (370 triệu USD), tuy nhiên, SS Research kỳ vọng xu hướng này sẽ được đảo ngược trong nửa sau của tháng và đà xuất siêu sẽ tiếp tục được duy trì trong 2 tháng còn lại của năm. Bên cạnh đó, kiều hối cũng thường tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm, giúp nguồn cung – cầu ngoại tệ trên thị trường cân bằng trong thời gian này. Tỷ giá USD/VND nhờ đó duy trì trạng thái ổn định hoặc có thể tiếp tục giảm nhẹ./.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục khẳng định chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ được duy trì. SSI Research kỳ vọng rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm nới hạn mức tín dụng đối với các ngân hàng có chất lượng tài sản và các chỉ số an toàn tốt. Nhờ vậy, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay vẫn ở mức thấp như hiện tại.