Cắt giảm đầu tư công: Loại bỏ những khoản chi phi lý

TBKTSG

Một trong những nguyên nhân gây ra bất ổn kinh tế vĩ mô ở Việt Nam hiện nay là do đầu tư công quá mức và kém hiệu quả. Vốn đã được bỏ rất nhiều vào các công trình từ nhỏ tới lớn và phân tán khắp nơi với mục tiêu tạo ra nền tảng cho sự tăng trưởng kinh tế dài hạn hay cải thiện phúc lợi xã hội.

Tuy nhiên, trên thực tế không ít những công trình dường như không phát huy hiệu quả hay tiêu tốn một lượng vốn đầu tư ở mức không thể chấp nhận được. Điều này đã góp phần gây ra tình trạng mất cân bằng kép hiện nay.

Thứ nhất, đầu tư công cao dẫn đến thâm hụt ngân sách trầm trọng. Hơn thế, do các khoản đầu tư này không tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế nên tạo ra mất cân đối giữa tiền - hàng dẫn đến tình trạng tăng mức giá chung của nền kinh tế. Mất cân đối bên trong, thể hiện ở lạm phát và thâm hụt ngân sách cao, bắt nguồn từ đây.

Thứ hai, phần lớn nguyên vật liệu và một số dịch vụ như tư vấn chẳng hạn của các dự án đầu tư công là hàng nhập khẩu. Do vậy, khi đầu tư cao dẫn đến nhập khẩu và thâm hụt thương mại cao. Hơn thế, tình trạng tham nhũng, lại quả sẽ đẩy giá thành lên cao và việc chung chi xảy ra ngoài lãnh thổ Việt Nam cũng làm cho nhập khẩu gia tăng dẫn đến thâm hụt ngoại thương hay mất cân đối bên ngoài trầm trọng hơn.

Cắt giảm các khoản đầu tư công kém hiệu quả là việc cần phải làm ngay. Để làm được việc này, cắt giảm hay không đầu tư những dự án kém hiệu quả, và loại bỏ những khoản chi phí bất hợp lý trong các dự án được đầu tư là hai công việc cần được tiến hành đồng thời.

Nói không với các dự án kém hiệu quả

Cần phải kiên quyết nói không với lối ngụy biện “tuy dự án này có NPV (giá trị hiện tại) âm, nhưng sẽ đem lại hiệu quả về mặt xã hội, an ninh, quốc phòng… rất lớn”. Trong mọi trường hợp, phải có phân tích (lượng hóa) chi tiết tất cả các lợi ích - chi phí của dự án, sau đó áp dụng nguyên tắc chỉ cho thực hiện các dự án có NPV dương. Nếu chủ đầu tư hay địa phương, ngành nào không đưa ra được phân tích lợi ích và chi phí thuyết phục thì chưa cho triển khai dự án.

Hơn thế, việc chỉ xét từng dự án là không đủ mà cần phải có giới hạn đầu tư cứng tối đa của cả nước hay của từng ngành cụ thể. Lúc này, các dự án các địa phương sẽ phải cạnh tranh với nhau về tính hiệu quả để được cấp vốn.

Xét về khía cạnh phân tích lợi ích - chi phí kinh tế thuần túy, việc loại đi những dự án kém hiệu quả là khá đơn giản. Tuy nhiên, về khía cạnh kinh tế chính trị học, vấn đề trở nên phức tạp hơn nhiều. Cắt ở đâu và cắt như thế nào là vấn đề không hề đơn giản vì mỗi dự án liên quan tới rất nhiều người có lợi ích đan xen. Ai cũng thừa nhận đây là việc cần phải làm, nhưng ai đó và ở đâu đó phải làm chứ không phải là tôi hay địa phương/ngành của tôi. Do vậy, bắt đầu từ những khoản chi tiêu phi lý theo cách giới hạn đầu tư cứng trong khi chờ tiêu chí hay thời gian để loại bỏ những dự án không nên đầu tư có lẽ sẽ khả thi hơn.

Những khoản chi phi lý phải được loại bỏ

Việc cắt giảm các khoản chi phí bất hợp lý hay bị thổi phồng tùy thuộc vào từng dự án, nhưng trước mắt nên tập trung vào những dự án mà Nhà nước đang phải trả nhiều hơn một lần chi phí đầu tư, những khoản chi phí tạo ra những con đường hay những dự án đắt nhất hành tinh.

Phân tích dự án xây dựng 547 mét đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu ở Hà Nội sẽ thấy sự phi lý của các khoản chi tiêu. Trong tổng mức đầu tư lên đến 642 tỉ đồng, phần chi cho đền bù giải tỏa lên đến 527 tỉ đồng. Tính ra gần 1 tỉ đồng cho một 1 mét đường.

Nếu con đường không được mở rộng thì giá đất ở những khu vực liên quan có thể không cao đến mức như vậy.

Hiện nay, việc đầu tư các dự án nêu trên đang bị rơi vào vòng luẩn quẩn. Nếu Nhà nước không quy hoạch, xây dựng hay cải tạo nâng cấp một tuyến phố hay một công trình nào đó thì sẽ ảnh hưởng đến phát triển chung của cả vùng. Nhưng nếu kế hoạch được vẽ ra thì giá đất liên quan lập tức tăng vọt ngay. Kết quả là khi tiến hành đầu tư, Nhà nước phải đền bù ở mức giá mà ở đó cơ sở hạ tầng mới xem như đã được xây dựng chứ không phải là mức giá trước đó.

Phi lý nằm ở đây. Giá đất tăng là do việc đầu tư dự án, nhưng Nhà nước phải đền bù rất cao cho những phần đất cần phải thu hồi, trong khi những người từ bên trong tiến ra mặt đường sau khi mở rộng lại chẳng phải đóng góp gì cả. Đây chính là lý do mà kinh phí đầu tư hạ tầng giao thông ở Việt Nam so với GDP cao nhất trong khu vực nhưng kết quả lại kém nhất.

Điều phi lý ở chỗ mức đền bù leo thang liên tục là do các cơ sở hạ tầng liên quan được xây dựng. Mức giá đền bù mới cho dự án là mức giá đã có cơ sở hạ tầng, hay nói cách khác, Nhà nước đã phải trả thêm cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng của mình.

Hơn thế, vấn đề có thể nghiêm trọng hơn nếu một dự án nào đó bị thao túng bởi một hay một vài nhóm lợi ích để đẩy mức giá đền bù lên rất cao để bòn rút của công.

Việc cần phải làm ngay là làm sao để những người hưởng lợi trực tiếp phải chia sẻ gánh nặng chi phí của việc xây dựng công trình và giá đền bù chỉ là giá trước khi công trình được xây dựng. Tham khảo những cách thức đã được áp dụng thành công ở các nước có lẽ là cách thức hữu hiệu hơn cả.

Nếu cắt giảm được những khoản chi vô lý, thì số lượng cơ sở hạ tầng được bàn giao sẽ gia tăng đáng kể so với mức vốn đầu tư hiện tại. Khi đó, hiệu quả đầu tư của Việt Nam sẽ được cải thiện đáng kể.