Cắt giảm, đơn giản hóa gần 650 quy định kinh doanh
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Sơn, thực hiện Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022, nhiều bộ đã quan tâm đến việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh ngay trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản có quy định kinh doanh. Tổng số quy định kinh doanh đã được cắt giảm, đơn giản hóa trong 6 tháng đầu năm 2022 là 641 quy định.
Công khai 9.440 quy định lên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh
Ngày 12/5/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025. Nghị quyết đặt ra mục tiêu: Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh (quy định kinh doanh) tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020.
Đồng thời, giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định kinh doanh thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh việc cắt giảm các quy định đang có hiệu lực thi hành, Nghị quyết cũng yêu cầu phải kiểm soát chặt chẽ việc ban hành quy định mới và thúc đẩy mạnh mẽ cải cách việc thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Văn phòng Chính phủ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan xây dựng và từng bước đưa vào vận hành Cổng tham vấn và tra cứu quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh (Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh). Đây là công cụ phục vụ hoạt động cải cách với những chức năng quản lý quy định kinh doanh hiện hành và dự kiến ban hành; cập nhật, công khai, rà soát, tính chi phí tuân thủ quy định kinh doanh; tạo kênh tương tác trực tuyến giữa các bộ, ngành với cộng đồng doanh nghiệp trong tham vấn chính sách, quy định; quản lý việc thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh; theo dõi, đánh giá nỗ lực cải cách của các bộ, ngành theo thời gian thực, dựa trên dữ liệu và tra cứu quy định kinh doanh.
Thực hiện yêu cầu này, các bộ, cơ quan đã thực hiện cập nhật, công khai quy định kinh doanh vào Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh. Tính đến ngày 15/6/2022, tổng số quy định hiện hành đã được cập nhật là 12.4514 quy định, trong đó, đã duyệt công khai 9.440 quy định; đồng thời, các bộ, ngành cũng đã cập nhật được 352 quy định dự kiến ban hành trong 9 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và 591 phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh để tham vấn các hiệp hội, doanh nghiệp.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Sơn nhận định, nhiều bộ đã quan tâm đến việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh ngay trong quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản có quy định kinh doanh. Trong đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Y tế; Kế hoạch và Đầu tư; Thông tin và Truyền thông; Tài chính và Ngân hàng nhà nước Việt Nam, thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Bên cạnh đó, tổng số VBQPPL được ban hành cũng đã giảm 54 văn bản so với kế hoạch ban hành VBQPPL của các Bộ trong năm 2022, gồm: 12 Nghị định; 3 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 39 Thông tư, Thông tư liên tịch.
Tổng số quy định kinh doanh đã được cắt giảm, đơn giản hóa trong 6 tháng đầu năm 2022 là 641 quy định gồm: 174 thủ tục hành chính; 26 yêu cầu, điều kiện; 15 chế độ báo cáo; 426 sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành tại 56 văn bản quy phạm pháp luật.
Tính đến nay, đã có 8 bộ, cơ quan được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa. Tổng số phương án được phê duyệt là 1.006 quy định, gồm: 681 thủ tục hành chính; 34 chế độ báo cáo; 103 yêu cầu, điều kiện; 137 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và 51 sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Văn Sơn cũng thẳng thắn chỉ rõ, đa số các bộ, cơ quan chưa cập nhật quy định dự kiến ban hành trong dự thảo VBQPPL, kết quả rà soát và phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh. Việc đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh cũng như thực thi phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt còn chậm, thậm chí một số bộ, ngành vẫn chưa có phương án cắt giảm, đơn giản hóa trình Thủ tướng Chính phủ.
“Việc tham vấn, lấy ý kiến của doanh nghiệp, người dân trong quá trình xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hoá quy định kinh doanh cũng như xây dựng quy định dự kiến ban hành trong các dự thảo VBQPPL chưa được quan tâm thực hiện rộng rãi” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Sơn nhận định.
Người dân vẫn có thói quen nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận một cửa
Để tạo điều kiện cho người dân thực hiện thủ tục hành chính, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Sơn cho biết, đến nay, cả nước có 60 Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn hệ thống một cửa, một cửa liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; chất lượng giải quyết hồ sơ đã có sự cải thiện rõ rệt.
Các bộ, ngành, địa phương đang đẩy mạnh triển khai Đề án đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng tăng cường giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Nhiều bộ, ngành, địa phương đều đã triển khai việc kiểm tra hạ tầng công nghệ thông tin để thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, phần mềm phục vụ giải quyết thủ tục hành chính với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin một cửa điện tử để phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính; đã thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tái cấu trúc quy trình để thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4 giúp cải thiện chất lượng dịch vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính.
Các bộ, ngành, địa phương đã tích hợp, cung cấp 3.675 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, chiếm 55% tổng số thủ tục hành chính, trong đó, có 1.947 dịch vụ công trực tuyến dành cho doanh nghiệp. Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bình Phước, Ninh Thuận, Lào Cai, Quảng Nam… là một trong các Bộ, địa phương thực hiện rất tốt công tác này.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Văn Sơn cũng chỉ rõ, việc cải cách thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công còn một số hạn chế: Một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm triển khai việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Việc triển khai số hóa tại các bộ, ngành, địa phương còn chậm, có nơi còn lúng túng và chưa triển khai tập huấn trong nội bộ của bộ, ngành, địa phương.
Ngoài ra, việc triển khai kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh còn chậm do chưa đáp ứng được yêu cầu về an toàn, an ninh thông tin dẫn đến nhiều thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng người dân vẫn phải cung cấp lại khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công. Ngoài ra, việc xác định giá trị pháp lý của hồ sơ điện tử khi người dân, doanh nghiệp nộp trực tuyến còn khó khăn, nhất là khi người dân chưa có chữ ký số cá nhân; tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến còn thấp, người dân vẫn có thói quen nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận một cửa.
Để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, thời gian tới, Văn phòng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai số hóa và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính có liên quan đến thông tin, giấy tờ cá nhân trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một của cấp bộ, cấp tỉnh từ ngày 1/6/2022, tại Bộ phận một cửa cấp huyện từ ngày 1/12/2022 và tại Bộ phận một cửa cấp xã từ ngày 1/6/2023.
Cùng với đó, tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa các quy định kinh doanh đang còn hiệu lực và dự kiến ban hành có nhiều phản ánh, kiến nghị, vướng mắc, khó khăn trong thực hiện hoặc tạo rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh năm 2022 trước ngày 30/9/2022.