Cây xăng Nhật có làm thay đổi tư duy doanh nghiệp Việt?
Sau trạm xăng dầu ngoại đầu tiên được mở tại Việt Nam, sẽ có nhiều đại gia năng lượng khác “nhòm ngó” vào thị trường bán lẻ xăng dầu nước ta, phá vỡ thế độc quyền. Khi người tiêu dùng (NTD) có quyền lựa chọn, sẽ là điều đáng lo sợ cho những doanh nghiệp (DN) nội không chịu “chuyển mình”.
Sự chào đón nồng nhiệt NTD khi cây xăng Nhật Bản của đại gia Idemitsu Q8 xuất hiện tại Việt Nam cho thấy lâu nay người Việt khao khát minh bạch, sự sòng phẳng, chữ tín trên một thị trường có 29 thương nhân đầu mối nhập khẩu, hàng trăm DN kinh doanh xăng dầu nhưng không hề có sự cạnh tranh.
Người tiêu dùng thiệt thòi quá lâu
Hành động cúi người cảm ơn khách, có nhân viên lau kính ôtô và cam kết chất lượng bảo đảm, số lượng xăng bơm chính xác đến 0,01 lít nhận được nhiều lời tán dương từ cộng đồng mạng.
Chị Trần Thị Dung (Hà Nội) chia sẻ: Tôi không phải là người “sính ngoại”. Với tâm thức một người Việt Nam, tôi luôn ưu tiên lựa chọn hàng nội.
Tuy nhiên, không chỉ tôi mà rất nhiều người Việt Nam khác đang phải đối mặt với sự gian lận của các cây xăng trong nước, cùng với đó là thái độ trịch thượng, bề trên của nhân viên cây xăng. Điều này làm cho NTD mất niềm tin.
Vì thế, khi có một cây xăng ngoại đáp ứng được mong muốn bấy lâu của NTD, không có lý do gì chúng tôi không ủng hộ.
Chị Dung cho biết: “Dù nhà cách xa cây xăng Nhật đến 10km, nhưng tôi sẽ đổ xăng của DN Nhật. Ở đó tôi tìm thấy sự trung thực, bán đúng đủ, sự tôn trọng khách hàng…”. Không chỉ riêng chị Dung, rất nhiều người khi được hỏi đều cho biết, sẽ ủng hộ cây xăng Nhật dù phải đi xa hơn.
Anh Lưu Thanh Nhân - nhân viên lái xe của một tập đoàn tại Hà Nội, chia sẻ: “Trung bình mỗi tháng tôi sử dụng khoảng 25.000.000 đồng chi phí dầu DO cho xe của tôi. Tôi sẽ ủng hộ DN Nhật vì sự trung thực và thái độ tận tâm với khách hàng của họ, dù có phải đi xa hơn 15km so với trạm xăng gần nhà”.
Thậm chí, trên một diễn đàn xã hội, nhiều khách hàng ở Tp.HCM cũng bình luận, mong DN này sớm mở cây xăng trên khắp cả nước để người dân được hưởng lợi.
Anh Triệu Duy Thảo (Tp.HCM) cho biết: Không chỉ ăn bớt xăng, bán xăng kém chất lượng, hầu hết các cây xăng không trả lại tiền lẻ cho khách. Nếu khách hàng có hỏi thì nhân viên bảo không có tiền lẻ nên xin khách.
“Ví dụ, khi tôi đổ 60.000 đồng, song đến 59.000 đồng đã đầy, đáng lẽ, các cây xăng phải trả lại 1.000 đồng cho khách. Nhưng tuyệt nhiên, chả mấy khi tôi thấy các cây xăng trả lại. Thực ra, 1.000 đồng không phải là số tiền lớn, thậm chí, nó chẳng còn giá trị nhiều trên thị trường. Song, đây lại là tính trung thực của các cây xăng đối với khách”, anh Thảo bức xúc. Vì thế, anh Thảo chia sẻ: “Tôi sẽ rất vui và dùng dịch vụ này nếu cây xăng được mở ở TP. Hồ Chí Minh”.
Có thể nói, sự xuất hiện của cây xăng Nhật là cú sốc đối với DN xăng dầu Việt. Lâu nay, những DN này ỷ vào thế độc quyền, nên dù họ có đối xử như thế nào thì NTD cũng phải chấp nhận, bởi họ không có sự lựa chọn nào khác.
“Mất bò” có lo “làm chuồng”?
Nhưng “cuộc chơi” nay đã khác, khi có nhà đầu tư nước ngoài phá vỡ thế độc quyền. Họ mang đến cho NTD Việt Nam sự minh bạch, sòng phẳng, chữ tín và dạy cho DN xăng dầu Việt Nam bài học về sự khốc liệt của cạnh tranh trên thị trường.
Chắc hẳn các DN nội đã bắt đầu lo ngay ngáy. Bằng chứng là vài ngày trở lại đây, một số cây xăng đã treo khẩu hiệu “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
NTD sẽ luôn ủng hộ hàng Việt, nhưng họ cũng cần được tôn trọng, được sòng phẳng và được tin tưởng vào sản phẩm mà họ lựa chọn. Và, họ cũng sẽ sẵn sàng quay lại để lựa chọn hàng nội, nếu DN chịu thay đổi.
Ông Hiroaki Honjo - Tổng Giám đốc công ty Xăng dầu IQ8 cho biết, sau trạm xăng đầu tiên được mở tại KCN Thăng Long (Hà Nội), DN này sẽ lên kế hoạch mở rộng mạng lưới tại các tỉnh khu vực miền Bắc và miền Nam.
Kế hoạch này của đại gia Nhật được một số chuyên gia kinh tế cho rằng, khi xăng dầu được vận hành đúng theo nguyên tắc thị trường, thì có nhiều đại gia năng lượng ngoại “nhòm ngó” vào thị trường bán lẻ xăng dầu là hoàn toàn bình thường. Để tồn tại, DN phải cạnh tranh bằng giá cả và dịch vụ khách hàng.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận xét: “Thị trường càng có sự cạnh tranh bao nhiêu, thì NTD càng được lợi bấy nhiêu. Các DN nội địa buộc phải chuyển mình”.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại, lâu nay các DN nội địa như Petrolimex, PV Oil đã quen với cách làm cũ, bây giờ phải thay đổi từ A đến Z, nghĩa là phải thay đổi từ thái độ, dịch vụ, giá cả đến chất lượng… Còn nếu chỉ thay đổi nửa vời, hoặc vẫn giữ cách làm cũ, “không chịu” cải thiện chất lượng dịch vụ của mình, thì ngày các DN ngoại cướp mất thị phần sẽ chẳng còn xa.