“Chấm điểm” cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội
Nhờ đẩy mạnh rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính và các chỉ tiêu, biểu mẫu thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thời gian qua, công tác cải cách thủ tục hành chính của ngành Bảo hiểm xã hội đã có nhiều bước chuyển quan trọng.
Số lượng thủ tục hành chính giảm mạnh
Xác định cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, trong những năm gần đây, toàn ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) đã tập trung rà soát, đơn giản hóa TTHC và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý hồ sơ, tài liệu và các hoạt động nghiệp vụ của Ngành.
Nhờ đó, 5 năm qua, số lượng TTHC trong lĩnh vực BHXH đã được cắt giảm, từ 115 thủ tục xuống còn 28 thủ tục. Không dừng lại ở đó, ngày 24/6/2019, BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định số 777/QĐ-BHXH về việc công bố TTHC thay thế, bị bãi bỏ thuộc lĩnh vực giải quyết hưởng các chế độ BHXH và chi trả các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam. Theo đó, BHXH công bố thay thế, bãi bỏ 19 TTHC thuộc lĩnh vực giải quyết hưởng các chế độ BHXH bắt buộc, BHTN.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng chủ động giảm thời gian thực hiện TTHC, rút ngắn thời gian cấp, đổi thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người tham gia. Cụ thể, theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014 thời gian cấp thẻ BHYT là 7 ngày, nhưng BHXH Việt Nam rút ngắn thời gian cấp thẻ giảm xuống còn 3 ngày và 1 ngày đối với trường hợp cấp cứu, chuyển công tác hoặc không thay đổi thông tin…
Những nỗ lực cải cách TTHC của ngành BHXH đã được cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá cao. Quan trọng hơn, việc cải cách TTHC đã tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN.
Tập trung triển khai 6 nhiệm vụ trọng tâm
Để phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, BHXH Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc và BHXH các tỉnh, thành phố tập trung triển khai các nội dung trọng tâm sau:
Thứ nhất, thường xuyên rà soát, đơn giản hoá cắt giảm TTHC trong các lĩnh vực của Ngành. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định công bố công khai các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết và cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam.
Thứ hai, tiếp tục duy trì việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC, thực hiện thông qua bộ phận “một cửa” của cơ quan BHXH; đẩy mạnh thực hiện giao dịch điện tử trong toàn Ngành và qua dịch vụ bưu chính công ích.
Thứ ba, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và kiện toàn cơ cấu tổ chức của các đơn vị trong hệ thống; tổ chức thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đổi mới, sắp xếp bộ máy ngành BHXH theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”…
Thứ tư, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và nhận thức của đội ngũ công chức, viên chức trong Ngành về hành chính phục vụ; đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc và BHXH các tỉnh, thành phố.
Thứ năm, thúc đẩy hiện đại hoá hành chính thông qua việc tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả công tác giao dịch điện tử, dịch vụ công trực tuyến; cập nhật mã số và đồng bộ thông tin định danh người tham gia; quản lý dữ liệu thu nộp BHXH, dữ liệu chi trả BHXH, quá trình hưởng và tham gia, thông tin đơn vị tham gia BHXH.
Thứ sáu, xác định rõ trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC tại cơ quan, đơn vị mình; tăng cường kiểm tra công tác cải cách TTHC, đặc biệt là kiểm tra việc thực thi nhiệm vụ của công chức, viên chức trong ngành BHXH để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; động viên, khen thưởng những đơn vị, cá nhân thực hiện tốt công tác cải các TTHC và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.