Điểm nhấn trong cải cách hành chính ngành Bảo hiểm Xã hội
Nhờ xác định cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, thời gian qua, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã triển khai quyết liệt công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh giao dịch BHXH điện tử, giải quyết kịp thời, đầy đủ quyền lợi BHXH, Bảo hiểm Y tế (BHYT) cho người dân và doanh nghiệp.
Đột phá trong cải cách hành chính
Với sự chủ động, tích cực, công tác cải cách hành chính (CCHC) ngành BHXH đã có nhiều tiến bộ quan trọng. Theo BHXH Việt Nam, trong 5 năm qua, số lượng thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực BHXH đã được cắt giảm mạnh, từ 115 bộ thủ tục xuống còn 28 bộ thủ tục (giảm trên 75%). Tính riêng năm 2017, giảm từ 32 thủ tục xuống còn 28 thủ tục; rút ngắn thời hạn cấp sổ BHXH từ 20 ngày xuống còn 5 ngày, thẻ BHYT từ 7 ngày xuống còn 5 ngày (riêng với người hưởng trợ cấp thất nghiệp không quá 2 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định), cấp lại thẻ BHYT không thay đổi thông tin được thực hiện trong ngày.
Số giờ thực hiện TTHC từ 335 giờ/năm 2017 phấn đấu giảm còn 49 giờ. Với việc thực hiện giao dịch điện tử trong tất cả các khâu (từ thu, nộp đến quản lý chi, trả) thì số lần thực hiện giao dịch điện tử giảm từ 12 lần/năm xuống còn 1 lần/năm. Đặc biệt, năm 2017, BHXH Việt Nam xếp thứ 2/20 trong số các bộ, ngành về chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin, tăng 18 bậc so với năm 2016 và là đơn vị đứng đầu trong các cơ quan thuộc Chính phủ về việc ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển Chính phủ điện tử trong năm 2018.
Đánh giá về kết quả CCHC của Ngành, ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh, công cuộc CCHC trong đó cải cách TTHC là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhằm tiết kiệm chi phí và thời gian cho các tổ chức, cá nhân khi thực hiện giao dịch về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính
Năm 2019, BHXH Việt Nam sẽ thúc đẩy triển khai công tác CCHC nhằm hướng tới mục tiêu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy từ Trung ương đến địa phương theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh giao dịch BHXH điện tử, giải quyết kịp thời, đầy đủ quyền lợi BHXH, BHYT cho người dân và doanh nghiệp.
Ngành BHXH sẽ tập trung chỉ đạo, thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm về công tác CCHC gồm: Tiến hành rà soát, đơn giản hoá và cắt giảm TTHC trong các lĩnh vực của Ngành; tăng cường đẩy mạnh việc cắt giảm thành phần, số lượng giấy tờ, hồ sơ, giảm số giờ giao dịch BHXH của các đơn vị, doanh nghiệp, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu Chính phủ giao; tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và nhận thức của đội ngũ công chức, viên chức trong Ngành về hành chính phục vụ; thực hiện CCHC mạnh mẽ trong các công tác chi trả BHXH, đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc và BHXH các tỉnh, thành phố; tiếp tục hiện đại hoá hành chính thông qua việc tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả công tác giao dịch điện tử, dịch vụ công trực tuyến; xác định rõ trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ CCHC tại cơ quan, đơn vị mình.
Cùng với việc triển khai 6 nhiệm vụ trên, BHXH Việt Nam sẽ niêm yết công khai các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết và cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC trên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam. BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện niêm yết công khai các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết, đảm bảo cho các tổ chức, cá nhân thuận tiện và dễ dàng tiếp cận.
Bên cạnh đó, cơ quan BHXH tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC thực hiện thông qua bộ phận “một cửa”; trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện; giao dịch điện tử và qua dịch vụ bưu chính công ích.
Để thực hiện có hiệu quà các nhiệm vụ trên, BHXH Việt Nam vừa ban hành Kế hoạch số 900/KH-BHXH về kiểm soát TTHC năm 2019. Theo đó, BHXH Việt Nam sẽ triển khai có hiệu quả nhiệm vụ kiểm soát TTHC theo hướng cắt giảm, đơn giản, tiết kiệm chi phí và thời gian cho tổ chức, cá nhân thực hiện TTHC về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.