Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính:
Chấm dứt ngay tình trạng giải ngân cho vay tập trung vào một số doanh nghiệp
Phát biểu kết luận Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô diễn ra ngày 7/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, các tổ chức tín dụng (TCTD) phải chấm dứt ngay tình trạng giải ngân cho vay tập trung vào một số doanh nghiệp (DN), dự án thuộc hệ sinh thái, hoặc thuộc sân sau của tập đoàn, dễ làm mất an toàn và lành mạnh của ngân hàng.
Nhiều vướng mắc cản trở tăng trưởng tín dụng
Ghi nhận, đánh giá cao sự chuẩn bị, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và ý kiến phát biểu thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị NHNN, Văn phòng Chính phủ tiếp thu tối đa các ý kiến, kiến nghị để tổng hợp, hoàn thiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành rà soát các cơ chế, chính sách để giải quyết kịp thời các kiến nghị cụ thể của các đại biểu, báo cáo cấp có thẩm quyền những vấn đề vượt thẩm quyền.
Xét về tổng thể, Thủ tướng đánh giá, mặc dù nền kinh tế chịu tác động kép từ những yếu tố bên ngoài và bên trong, quy mô còn khiêm tốn, độ mở nền kinh tế lớn, sức chống chịu còn hạn chế, nhưng kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; an sinh xã hội, đời sống nhân dân được cải thiện.
Góp phần vào những kết quả đạt được rất cơ bản, đáng trân trọng, ghi nhận đó, có đóng góp quan trọng của hệ thống ngân hàng. Thủ tướng ghi nhận, biểu dương NHNN đã điều hành để vượt qua thời điểm khó khăn nhất trong tháng 9, tháng 10/2023.
Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng cũng cho rằng, tăng trưởng tín dụng còn thấp; mức tăng trưởng tín dụng không đồng đều; DN tiếp cận tín dụng còn nhiều khó khăn.
Làm rõ nguyên nhân của khó khăn, vướng mắc, Thủ tướng nêu rõ, từ phía cung (TCTD, ngân hàng thương mại - NHTM) thì hồ sơ, thủ tục cho vay vẫn còn phức tạp; lãi suất mặc dù đã giảm song vẫn còn cao so với khả năng chi trả của DN; còn hiện tượng tiêu cực mà các cơ quan có trách nhiệm sẽ làm sáng tỏ.
Từ phía cầu (DN, người dân), trong bối cảnh kinh tế, đầu tư, thương mại toàn cầu gặp khó khăn ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình đầu tư, sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu trong nước, làm giảm khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế (cả về tín dụng của DN và tín dụng tiêu dùng); một số DN có nhu cầu vay nhưng không đáp ứng được điều kiện cho vay (nhất là nhóm DN vừa và nhỏ); mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn khi khó chứng minh được tính hiệu quả...
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên, Thủ tướng đề nghị, các chủ thể phải cùng nhau vào cuộc, chung tay, chung sức, đồng lòng, hơn lúc nào hết trong lúc này phải phát huy tinh thần đại đoàn kết, trách nhiệm với Đất nước, Nhân dân, vì nền kinh tế...
Cùng với đó, đẩy mạnh phát hành trái phiếu DN để tham gia huy động vốn cho nền kinh tế; đẩy mạnh chính sách tài khóa liên quan vốn, thuế, lệ phí, đầu tư công…, để hỗ trợ chính sách tiền tệ.
Điều hành linh hoạt, hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá
Nhằm triển khai hiệu quả, quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, đẩy mạnh nguồn vốn ngân hàng phục vụ phát triển kinh tế, trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thực hiện các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; nâng cao chất lượng tín dụng và hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Cùng với đó, NHNN chỉ đạo các TCTD triển khai quyết liệt hơn nữa các biện pháp để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay (tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số…); đẩy mạnh triển khai các gói tín dụng ưu đãi phù hợp với đặc thù của từng TCTD trong các lĩnh vực quan trọng, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Thực hiện công bố công khai lãi suất bình quân của hệ thống TCTD và lãi suất bình quân cho vay của TCTD và chênh lệch lãi suất bình quân tiền gửi và cho vay; qua đó tạo điều kiện các DN, người dân lựa chọn ngân hàng có lãi suất thấp để vay.
Liên quan tới các gói tín dụng ưu đãi, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN triển khai hiệu quả Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ. Xử lý nghiêm các ngân hàng đưa thêm các điều kiện, yêu cầu không đúng quy định, gây khó khăn cho việc tiếp cận vốn tín dụng của DN đầu tư dự án bất động sản và người mua nhà. Tiếp tục triển khai gói tín dụng ưu đãi 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản...
Lưu ý đối với các TCTD, Thủ tướng yêu cầu, các tổ chức này công bố công khai lãi suất bình quân của ngân hàng; hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.
“Các TCTD chấm dứt ngay tình trạng giải ngân cho vay tập trung vào một số DN, dự án thuộc hệ sinh thái, hoặc thuộc sân sau của tập đoàn dễ làm mất an toàn và lành mạnh của ngân hàng. Nghiêm cấm việc mở rộng room tín dụng và dành lãi suất thấp cho thành viên ban lãnh đạo ngân hàng”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.