Chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng
Ngày 15/5/2018 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có văn bản số 3436/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống tại các tổ chức tín dụng.
Nhằm ngăn ngừa hành vi gian lận, vi phạm các quy định pháp luật về cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của khách hàng, bảo đảm an toàn trong hoạt động cho vay, phát hành sử dụng thẻ tín dụng; Đảo đảm an toàn hoạt động hệ thống tài chính và quyền lợi của khách hàng, Thống đốc NHNN yêu cầu, các các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài nghiêm túc thực hiện các công việc sau:
Một là, các TCTD rà soát lại quy định nội bộ, đảm bảo ban hành đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt các quy định về cho vay phục vụ đời sống, cho vay tiêu dùng, quản lý tiền vay, phát hành và cung ứng dịch vụ thanh toán thẻ tín dụng.
Hai là, các TCTD phải chấp hành nghiêm chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật về cho vay phục vụ đời sống, cho vay tiêu dùng, phát hành thẻ tín dụng, đặc biệt là thực hiện nghiêm các quy định về lãi suất, phí liên quan đến hoạt động cho vay theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN; Nghiêm túc thực hiện các nguyên tắc, phương pháp tính lãi và phí, minh bạch lãi suất cấp tín dụng giữa TCTD với khách hàng.
Thực hiện nghiêm các quy định về minh bạch hóa hoạt động cho vay như phải niêm yết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, cung cấp thông tin về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cho khách hàng theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN; Cung cấp đầy đủ cho khách hàng trước khi xác lập thỏa thuận cho vay các thông tin về lãi suất cho vay, nguyên tắc và các yếu tố xác định lãi suất trong trường hợp áp dụng lãi suất có điều chỉnh, lãi suất quá hạn, loại phí và mức phí theo đúng quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN.
Riêng đối với các công ty tài chính tiêu dùng, phải ban hành đầy đủ quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống trong từng thời kỳ, trong đó bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng và báo cáo NHNN về khung lãi suất cho vay theo quy định tại Thông tư số 43/2016/TT-NHNN.
Bên cạnh đó, NHNN cũng yêu cầu, các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm các quy định về đôn đốc, thu hồi nợ theo đúng Thông tư số 43/2016/TT-NHNN và quy định của pháp luật có liên quan; Rà soát, quản lý chặt chẽ các điểm giới thiệu dịch vụ, nhân viên giới thiệu dịch vụ, đối tác của TCTD để bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật và quy định nội bộ của TCTD; Kiểm soát chặt chẽ hoạt động phát hành thẻ tín dụng, đảm bảo tuân thủ đúng quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.
Ba là, tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ các quy định của NHNN và pháp luật về hoạt động cấp tín dụng nói chung, cho vay phục vụ đời sống, cho vay tiêu dùng nói riêng ở tất cả các chi nhánh, đơn vị kinh doanh trong mạng lưới hoạt động TCTD; Đảm bảo cán bộ, nhân viên thực hiện đúng quy trình, quy định nội bộ và quy định của pháp luật, bao gồm công tác minh bạch thông tin hợp đồng, bảo mật thông tin khách hàng, sử dụng biện pháp thu hồi nợ phù hợp...; Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, quy định nội bộ trong hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng.
Bốn là, rà soát chất lượng cán bộ, nâng cao chất lượng quy trình tuyển dụng, đánh giá cán bộ, hạn chế rủi ro đạo đức có thể xảy ra; Thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ, đào tạo nâng cao kỹ năng, ý thức tuân thủ pháp luật, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, nhân viên của TCTD.
Năm là, phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc nắm bắt thông tin, kịp thời thông báo, cảnh báo trong hệ thống để có các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa rủi ro, vi phạm có thể xảy ra đối với TCTD.
Việc NHNN đưa ra các yêu cầu chấn chỉnh trên trong thời gian này là hết sức cần thiết trước bối cảnh Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đưa ra nhiều cảnh báo với người tiêu dùng về hiện tượng điện thoại, tin nhắn với nội dung đề nghị trả khoản nợ dù không vay, cá biệt có người bị gọi điện, quấy rối liên tục trong 6 tháng liền. Thêm vào đó, thời gian gần đây, các đơn vị cho vay kết hợp với các đơn vị bán hàng triển khai loại hình cho vay mới, tuy có nhiều ưu điểm cho người tiêu dùng nhưng đồng thời, cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu như người tiêu dùng không được cảnh báo, cung cấp đầy đủ thông tin.
Được biết, việc quấy rối người tiêu dùng cũng sẽ là một trong những nội dung rà soát của Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN khi thanh tra tới đây.