TP. Hồ Chí Minh
Chấp thuận sử dụng bảng giá đất cũ để tính thuế là kịp thời và đúng đắn
Chia sẻ với Tạp chí Tài chính, TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu ấm lên, nhưng chưa sôi động như kỳ vọng. Vì vậy, trong khi chờ triển khai, hướng dẫn bảng giá đất mới được rõ ràng hơn, thì quyết định chấp thuận sử dụng bảng giá đất cũ để tính thuế vừa qua của TP. Hồ Chí Minh được xem là kịp thời và đúng đắn.
Gỡ vướng cho hồ sơ đất bị "tắc"
Phóng viên: Mới đây, TP. Hồ Chí Minh chấp thuận sử dụng bảng giá đất cũ để tính thuế, giải quyết được nhiều hồ sơ nhà đất bị vướng thời gian qua. Theo ông, điều này sẽ có tác động như thế nào tới thị trường bất động sản phía Nam?
TS. Sử Ngọc Khương: Theo Tổng cục Thuế, có khoảng hơn 8.808 hồ sơ nhà đất của người dân trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đang bị "tắc" ở các chi cục thuế trong một tháng qua vì chưa có bảng giá đất mới. Đây được xem cũng là một con số không nhỏ, gây ra rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện các giao dịch mua bán nhà đất.
Trong khi chờ triển khai, hướng dẫn bảng giá đất mới được rõ ràng hơn, thì quyết định vừa qua của TP. Hồ Chí Minh được xem là kịp thời và đúng đắn.
Phóng viên: Cách làm của TP. Hồ Chí Minh có thể mở ra hướng đi mới, thưa ông?
TS. Sử Ngọc Khương: Đúng vậy! Theo tôi, không chỉ riêng TP. Hồ Chí Minh mà các thành phố khác cần nên cân nhắc về vấn đề này. Động thái này sẽ có tác động khá tốt tới thị trường bất động sản, bởi về cơ bản, thị trường có giao dịch, thì sẽ có khởi sắc.
Chưa kỳ vọng thị trường bừng sáng, sôi động
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về thị trường bất động sản những tháng cuối năm và năm 2025 tới đây?
TS. Sử Ngọc Khương: Theo tôi, thị trường bất động sản cuối năm vẫn chưa có nhiều khởi sắc khi nguồn cung mới vẫn còn hạn chế, sản phẩm mới hầu như không có. Thị trường ghi nhận một số tín hiệu tích cực ở phân khúc nhà ở với nguồn cung chung cư. Còn kỳ vọng thị trường bừng sáng, sôi động hẳn thì theo tôi nghĩ là chưa.
Bên cạnh những khó khăn liên quan đến pháp lý chưa được giải quyết triệt để, vấn đề tiền sử dụng đất cũng đang chờ hướng dẫn cụ thể từ luật mới.
Tuy nhiên, với kỳ vọng kinh tế vĩ mô ổn định vào năm 2025, các rào cản pháp lý được tháo gỡ, cùng với sự thúc đẩy đầu tư công và hạ tầng, thị trường bất động sản dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ. Đặc biệt, khi các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn về tài chính, động lực tăng trưởng của thị trường sẽ càng được củng cố.
Phóng viên: Thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh đang thiếu nguồn cung trong khi nhu cầu thì vẫn rất cao. Theo ông, các nhà đầu tư có để ý đến các khu vực lận cận Thành phố không, thưa ông?
TS. Sử Ngọc Khương: Nhu cầu về nhà ở tại các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội luôn rất cao, trong khi quỹ đất lại hạn chế. Điều này càng trở nên cấp bách khi lượng người nhập cư vào các đô thị lớn để sinh sống và làm việc ngày càng tăng.
Chính vì vậy, các tỉnh thành lân cận như Long An, Bình Dương, Đồng Nai đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư và người mua nhà. Việc di chuyển thuận tiện giữa các tỉnh thành đã giúp giải quyết phần nào nhu cầu nhà ở của người dân, đồng thời tạo ra động lực phát triển cho thị trường bất động sản khu vực.
Đối với các nhà đầu tư tổ chức, thị trường bất động sản Việt Nam, đặc biệt là tại các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, luôn là một điểm đến hấp dẫn.
Bất động sản nhà ở thường mang lại hiệu quả đầu tư cao hơn so với các loại hình bất động sản khác như trung tâm thương mại hay cao ốc văn phòng, nhờ khả năng quay vòng vốn nhanh và ổn định. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố như pháp lý, hạ tầng và tiềm năng phát triển của dự án trước khi đưa ra quyết định.
Doanh nghiệp bất động sản cần thận trọng với đòn bẩy tài chính
Phóng viên: Hiện doanh nghiệp bất động sản đang đối diện với những khó khăn gì, thưa ông?
TS. Sử Ngọc Khương: Hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể:
Thứ nhất, nguồn cung sản phẩm mới trên thị trường vô cùng hạn chế do quỹ đất tại TP. Hồ Chí Minh ngày càng khan hiếm.
Thứ hai, các vướng mắc pháp lý chưa được giải quyết triệt để đang kìm hãm sự phát triển của nhiều dự án.
Thứ ba, việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn. Các chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính nên khó vay được vốn mới, trong khi đó, thủ tục hành chính rườm rà cũng là một rào cản lớn.
Mặc dù các ngân hàng đã có nhiều chính sách giảm lãi suất, doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính rườm rà cũng là một rào cản lớn, khiến doanh nghiệp e ngại khi vay vốn.
Để khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, cần có những cơ chế hỗ trợ cụ thể như quỹ đất ổn định, hoàn thiện thủ tục pháp lý và điều chỉnh lãi suất cho vay hợp lý. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp đảm bảo được biên lợi nhuận mà còn góp phần thúc đẩy phát triển thị trường nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Phóng viên: Theo ông, doanh nghiệp cần có những biện pháp nào để có thể vượt qua được khó khăn?
TS. Sử Ngọc Khương: Trong bối cảnh hiện tại, các doanh nghiệp bất động sản nên thận trọng trong việc sử dụng đòn bẩy tài chính. Việc tăng chi phí do lãi vay có thể đẩy giá thành sản phẩm lên cao, làm giảm sức mua của khách hàng.
Tuy nhiên, với kỳ vọng rằng việc ban hành các luật mới về bất động sản và tín dụng sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, các doanh nghiệp có thể chủ động hơn trong việc tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác tài chính mạnh.
Trong ngắn hạn, việc điều chỉnh cơ cấu tài chính, thậm chí là bán hoặc chuyển nhượng một phần dự án có thể là giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.
Vậy nên, theo tôi trong bối cảnh hiện nay doanh nghiệp vẫn nên cơ cấu lại nguồn lực, tái cấu trúc lại bộ máy nhân sự, bởi “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” sẽ giúp phần nào giảm tải áp lực, vượt qua được giai đoạn khó khăn.
Đồng thời, việc tập trung vào phân khúc nhà ở giá vừa phải sẽ giúp doanh nghiệp đảm bảo tính thanh khoản và ổn định kinh doanh.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!