Chất lượng thể chế, hội nhập kinh tế và tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam

Nguyễn Trần Xuân Linh, Nguyễn Bảo Duy, Quách Mỹ Hương, Trần Thị Nhật Linh, Nguyễn Thuận Gia Nghi, Nguyễn Ngọc Yến Nhi

Bài viết này nghiên cứu về thước đo chất lượng thể chế cấp tỉnh tại Việt Nam nhằm đánh giá sự tác động, phản ánh mối quan hệ giữa chất lượng thể chế, mức độ hội nhập kinh tế của 63 tỉnh, thành phố đến tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam. Thông qua phương pháp hồi quy bội theo cách tiếp cận Bayes và lấy mẫu Gibbs, nghiên cứu sử dụng các biến chính nghiên cứu bao gồm: Chất lượng thể chế, Độ mở nền kinh tế, Vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng sử dụng 2 biến kiểm soát gồm: Đầu tư tư nhân và Đầu tư công. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 3 biến chính tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đưa ra một số hàm ý chính sách cho Việt Nam trong thời gian tới.

Giới thiệu

Vai trò của chất lượng thể chế quốc gia đối với hội nhập quốc tế và tăng trưởng kinh tế đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách trên thế giới trong hơn hai thập kỷ qua.

Ở Việt Nam, cấp độ thể chế có quan hệ mật thiết với vai trò của Nhà nước và do đó càng đóng vai trò quan trọng hơn đối với tăng trưởng kinh tế và hội nhập quốc tế. Mối liên hệ giữa chất lượng thể chế, mức độ hội nhập và tăng trưởng kinh tế vẫn chưa được nghiên cứu rộng rãi ở Việt Nam.

Nghiên cứu này thực hiện nhằm tìm ra mối quan hệ giữa chất lượng thể chế, mức độ hội nhập và tăng trưởng kinh tế địa phương cấp tỉnh Việt Nam, từ đó đánh giá tác động của chất lượng thể chế đến tăng trưởng kinh tế.

Các nghiên cứu về mối quan hệ giữa chất lượng thể chế, hội nhập kinh tế đối với tăng trưởng kinh tế

Knack và Keefer (1995) là hai nhà nghiên cứu tiên phong trong việc kiểm tra tác động của chất lượng thể chế đối với tăng trưởng kinh tế thông qua các chỉ số trực tiếp. Nghiên cứu của họ dựa trên dữ liệu từ các tài liệu của Báo cáo Rủi ro môi trường kinh doanh (BERI) và Báo cáo rủi ro cấp nội địa và quốc tế (ICRG). Để giảm thiểu khả năng mối tương quan giữa chất lượng thể chế và phát triển kinh tế bị ảnh hưởng, kết quả thu được BERI và ICRG có tác động tích cực trong việc phát triển kinh tế.

Thời gian qua, nhiều nghiên cứu sử dụng các hàm hồi quy tăng trưởng như nghiên cứu của Barro (1998) và Aron (2000) để phân tích tăng trưởng kinh tế. Các nghiên cứu đều chỉ ra mối tương quan trực tiếp giữa chất lượng thể chế và tăng trưởng kinh tế. Khánh (2020) dựa trên lý thuyết về vai trò của hội nhập kinh tế đối với tăng trưởng kinh tế của các quốc gia và mô hình nghiên cứu thực nghiệm của Behname (2012) để làm nổi bật tác động của hội nhập đến phát triển kinh tế. Nghiên cứu sử dụng mô hình định lượng để hồi quy 16 quốc gia đang phát triển. Kết quả chỉ ra hội nhập kinh tế có tác động đáng kể đến tiềm năng phát triển kinh tế. Theo đó, một quốc gia càng hội nhập thì tốc độ tăng trưởng kinh tế càng cao và ngược lại.

Giả thuyết, mô hình, phương pháp nghiên cứu

Giả thuyết nghiên cứu

Dựa trên việc khảo sát kết quả các nghiên cứu trước đây, nhóm tác giả đề xuất một số giả thuyết như sau:

- Giả thuyết 1: Thể chế tác động tích cực đến GRDP

- Giả thuyết 2: Mức độ hội nhập tác động tích cực đến GRDP

- Giả thuyết 3: Đầu tư công tác động tích cực đến GRDP

- Giả thuyết 4: Đầu tư tư nhân tác động tích cực đến GRDP

Mô hình nghiên cứu

Mô hình nghiên cứu được hình thành và đề xuất dựa trên mô hình của Nakabashi và cộng sự (2013) kèm theo đó là các cơ sở lý thuyết đã được đề cập ở trên. Nhóm tác giả tiến hành nghiên cứu, phát triển mô hình, trong đó sử dụng mô hình hồi quy Bayes để đánh giá mối quan hệ giữa ba yếu tố hành chính công, mức độ hội nhập và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn 2010-2020, nhóm tác giả có mô hình đề xuất như sau:

lnGRDPit= β1PCIit+ β2FDIit

+β3PRIINVit+β4PUBINVit+β5OPENit

Trong đó:

i: Biểu diễn cho biến quốc gia, i = 1,2, …N với i là tỉnh;

t: Biểu diễn cho biến thời gian, t = 1,2, …N với t là thời gian;

In GRDP là biến phụ thuộc thể hiện các biến độc lập như: PCI (chỉ số đo lường năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), FDI (vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài), PRIINV (vốn đầu tư tư nhân), PUBINV (vốn đầu tư công) và OPEN (độ mở nền kinh tế).

Hiện nay, tại Việt Nam, để đo lường chất lượng thể chế, chỉ số được sử dụng rộng rãi là Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Chỉ số PCI bao gồm 10 tiêu chí cơ bản: Chi phí gia nhập thị trường thấp; tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; Chi phí không chính thức thấp; Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; Môi trường cạnh tranh bình đẳng; Chính quyền tính năng động, sáng tạo trong việc giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; Chính sách đào tạo lao động tốt; Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và duy trì an ninh trật tự.

Với mục đích nghiên cứu về sự tác động, mối quan hệ giữa chất lượng thể chế, mức độ hội nhập kinh tế của 63 tỉnh, thành phố đến tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam, chỉ số PCI đóng vai trò là thước đo chất lượng thể chế chính xác nhất.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (2007), làn sóng toàn cầu hóa bắt đầu lan rộng từ những năm 1980. Ở Việt Nam, từ năm 1986 đến nay, quá trình đổi mới nền kinh tế theo hướng kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế góp phần giúp cho tăng trưởng kinh tế và tự do hóa thương mại của Việt Nam mở rộng với tốc độ cao hơn. Vì vậy, việc đo lường mức độ hội nhập kinh tế được tiến hành bằng cách sử dụng các chỉ số về độ mở của nền kinh tế, dòng vốn đầu tư vào.

Phương pháp nghiên cứu

Sự phát triển của khoa học và công nghệ đã chứng kiến sự phổ biến của phương pháp Bayes trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Kruschke (2015) chỉ ra rằng, phương pháp Bayes tốt hơn ở các mô hình đơn giản và có thể tạo ra các kết quả đa dạng hơn. Các tham số Bayes là ngẫu nhiên, dẫn đến toàn bộ phân bố xác suất cho các hệ số, không giống như các phương pháp ước tính điểm truyền thống. Hơn nữa, bằng cách kết hợp các phân phối trước đó với dữ liệu được quan sát, suy luận Bayes sẽ cân bằng và chính xác hơn so với các phương pháp dựa trên số liệu truyền thống, thường gặp khó khăn với các mẫu nhỏ.

Kết quả từ Bảng 1 cho thấy, tất cả các biến trong mô hình đều có tác động cùng chiều đến lnGRDP. Bảng kết quả hồi quy cho thấy sai số chuẩn MCMC (MCSE) của tất cả các tham số đều nhỏ hơn 6,5% và giá trị MCSE nhỏ hơn 5% nên có thể thấy rằng độ chính xác của các tham số ước lượng đều rất cao. Tỷ lệ chấp nhận trung bình của mô hình đạt 1; hiệu quả nhỏ nhất trung bình đạt 98,05% vượt xa mức cho phép là 0,01. Gelman và Rubin (1992), Brooks và Gelman (1998) đề xuất quy tắc Rc < 1.1 nghiêm ngặt hơn thường được sử dụng để tuyên bố hội tụ. Vậy mô hình đáng tin cậy để tiến hành các phân tích sâu hơn.

Bảng 1: Kết quả nghiên cứu

lnGRDP

Độ lệch chuẩn

Sai số chuẩn MCMC (MCSE)

Xác suất tác động tích cực

PCI

0,1124

0,0006

0,9959

FDI

0,0022

0,0000

0,8963

PRIINV

0,0086

0,0000

0,9716

PUBINV

0,0078

0,0000

0,7238

OPEN

0,0035

0,0000

0,6749

Hằng số

0,0637

0,0003

0,9959

Tỷ lệ chấp nhận trung bình

1,0000

   

Hiệu quả nhỏ nhất trung bình

0,9805

   

Thống kê Rc lớn nhất

1,0000

   

Nguồn: Kết quả nghiên cứu

Bảng xác suất (Bảng 1) cho thấy, khả năng 99,59% rằng việc nâng cao chất lượng quản lý sẽ dẫn đến tăng hệ số GRDP, phù hợp với giả thuyết đề xuất. Theo nghiên cứu của Toàn và Trực (2022), chỉ số chất lượng thể chế được kỳ vọng sẽ cải thiện tốc độ tăng trưởng ở tất cả các tỉnh của Việt Nam bất kể sự chênh lệch về phát triển.

Phân tích chỉ ra rằng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có khả năng cao làm tăng GRDP ở các tỉnh của Việt Nam lên 89,64%. Với việc các nhà đầu tư nước ngoài thường thành lập các công ty mới, họ tạo cơ hội việc làm cho lao động trong nước, từ đó giảm tỷ lệ thất nghiệp và tăng mức thu nhập. Ngoài ra, FDI còn kích thích các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng suất và hiệu quả, dẫn đến tăng năng suất lao động và tăng GRDP từng địa phương.

Biến đầu tư tư nhân (PRIINV) có xu hướng làm chỉ số GRDP tăng cao với xác suất 97,17%. Khi các nhà đầu tư tư nhân đầu tư vào các dự án mới hoặc mở rộng các hoạt động kinh doanh có thể dẫn đến tăng trưởng kinh tế của quốc gia đó. Mở rộng hoạt động kinh doanh và tăng trưởng sẽ dẫn đến sản xuất thêm hàng hóa và dịch vụ, tăng thu nhập và tạo ra các việc làm mới, do đó có thể góp phần làm cho chỉ số GRDP của tỉnh đó tăng lên. Kết quả này đồng quan điểm với nghiên cứu của Cành, Liêm và Liên (2018). Mặc dù, đầu tư công có tiềm năng tăng nhưng xác suất đó chỉ là 72,38%, nghĩa là tương đối mờ nhạt, tương tự tác động tích cực của độ mở kinh tế cũng chỉ đạt 67,49%.

Kết luận và hàm ý

Kết quả cho thấy, ba biến chính đều có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, ưu tiên tính minh bạch, trách nhiệm giải trình xây dựng lòng tin của công chúng, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hoàn thiện hệ thống chính sách đầu tư là những việc mà các quốc gia cần làm nếu muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Từ kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đưa ra một số hàm ý chính sách. Cụ thể, để thúc đẩy tăng trưởng và tiến bộ kinh tế ở Việt Nam, cần tăng cường quản trị ở tất cả các cấp. Điều này đòi hỏi phải ưu tiên tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân để xây dựng lòng tin của công chúng.

Theo đó, cần nâng cao trách nhiệm giải trình, thường xuyên công bố các báo cáo kiểm toán và báo cáo tài chính của các bộ, ngành và chính quyền địa phương để công chúng xem xét. Bên cạnh đó, nâng cao Chỉ số PCI ở mỗi tỉnh nhằm tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp; Thường xuyên tổ chức các hội nghị kết nối, đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp, qua đó, nắm rõ các phản hồi từ cộng đồng doanh nghiệp đối với các hạn chế của cơ quan, ngành, lĩnh vực và địa bàn phụ trách để có giải pháp điều chỉnh.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tận dụng cơ hội tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiếp tục cải cách, hoàn thiện thể chế thị trường trong nước, phát triển theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế. Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế quản trị và pháp luật thu hút vốn nước ngoài, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng vốn nước ngoài, cải thiện môi trường kinh doanh...

Tài liệu tham khảo:

  1. Cành, N. T., Liêm, N. T., & Liên, N. T. T. (2018), Tác động của đầu tư công đến thu hút đầu tư tư nhân và tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam. Tạp chí khoa học Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh-kinh tế và quản trị kinh doanh, 13(2), 91-105;
  2. Duy Khánh, L. (2020), Tác động của độ mở thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài đến tăng trưởng kinh tế: Nghiên cứu ở các quốc gia đang phát triển;
  3. Toàn, T. P. K. và Trực, T. T. (2022), Thể chế và phát triển kinh tế: Minh chứng ở Việt Nam. Tạp chí Khoa học Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh-Kinh tế và Quản trị kinh doanh, 17(1), 31-44;
  4. Aron, J. (2000), Growth and institutions: a review of the evidence. The world Bank research observer, 15(1), 99-135;
  5. Barro, R. J. (1998), Determinants of Economic growth, Cambridge, Massachusetts and London: MIT Press;
  6. Behname, M. (2012), Foreign direct investment and economic growth: Evidence from Southern Asia. Atlantic Review of economics, 2;
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 7/2023