Thuận lợi hoá thương mại trong hội nhập kinh tế quốc tế: Kinh nghiệm của châu Á và hàm ý cho Việt Nam

ThS. Phạm Thị Thanh Thanh - Viện Đào tạo Quốc tế (Trường Đại học Thương mại)

Thuận lợi hóa thương mại là những qui định cho phép các quốc gia đơn giản hóa và hài hòa hóa các thủ tục thương mại liên quan đến việc thu thập, trình bày và xử lý các thông tin cần thiết cho giao dịch thương mại quốc tế. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, thuận lợi hóa thương mại mang lại những lợi ích thiết thực cho mỗi quốc gia. Bài viết trao đổi về tổng quan thuận lợi hóa thương mại, kinh nghiệm của một số quốc gia châu Á, từ đó rút ra một số hàm ý cho Việt Nam.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Tổng quan về thuận lợi hoá thương mại

Khái niệm về thuận lợi hóa thương mại

Có nhiều quan điểm khác nhau về định nghĩa khái niệm “thuận lợi hoá thương mại”. Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thuận lợi hóa thương mại là các hoạt động làm đơn giản hóa các thủ tục thương mại quốc tế, bao gồm những hoạt động, thông lệ và các thủ tục liên quan đến việc thu thập, lưu chuyển và xử lý số liệu cũng như các thông tin khác liên quan đến việc lưu chuyển hàng hóa trong thương mại quốc tế. Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) cho rằng, thuận lợi hóa thương mại là tăng sự hiệu quả trong quá trình trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia.

Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) định nghĩa, thuận lợi hóa thương mại là việc dỡ bỏ những rào cản thương mại không cần thiết bằng cách áp dụng các công nghệ hiện đại, đồng thời cải thiện chất lượng quản lý theo hướng hài hòa với các chuẩn chung của quốc tế (ADB và ESCAP, 2013).

Vai trò của tạo thuận lợi thương mại đối với nền kinh tế

Trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay, không thể phủ nhận vai trò của thuận lợi hóa thương mại. Theo Lương Thanh Hải (2022), thuận lợi hóa thương mại có những vai trò cơ bản sau:

- Cho phép các quốc gia tăng cường lợi thế cạnh tranh khi doanh nghiệp (DN) sẽ không chỉ hướng vào sản xuất hàng nội địa và sẽ hướng ra thị trường nước ngoài, đồng thời, có cơ hội giảm chi phí, hạ giá thành hàng xuất khẩu, góp phần tăng năng lực cạnh tranh.

- Góp phần mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường mới và thu hút đầu tư nước ngoài cho các quốc gia.

- Cho phép người tiêu dùng mở rộng cơ hội tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ ưu việt từ các quốc gia khác một cách dễ dàng hơn, từ đó tác động tích cực đến mọi ngành nghề khác trong nền kinh tế của các quốc gia.

- Góp phần làm giảm chi phí, nâng cao lợi nhuận cho các nhà cung cấp. Xuất phát từ việc thúc đẩy gia tăng cạnh tranh và mức độ hiệu quả của các thị trường sản phẩm, dịch vụ, qua đó giúp cho các nhà cung cấp giảm chi phí sản xuất, kinh doanh.

- Giảm khả năng xuất hiện các nhà độc quyền mua, bán, nhờ đó, giảm khả năng nhà cung cấp bị thua thiệt vì bị chèn ép khi họ chỉ có thể cung cấp hàng hoá cho một đơn vị duy nhất.

- Góp phần thúc đẩy hiệu quả sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế. Thông qua sự cạnh tranh giữa các DN, các nguồn lực đầu vào như sức lao động, vốn, công nghệ sẽ được phân bổ một cách hiệu quả.

- Góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế. Nếu như quá trình thuận lợi hoá thương mại của một quốc gia tốt, thì cán cân thanh toán sẽ phát triển ổn định, tăng cường nền kinh tế vĩ mô và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN, nhà đầu tư.

Hợp tác trong tạo thuận lợi hoá thương mại

Hiệp định Thuận lợi hóa Thương mại (TFA) được WTO thông qua ngày 14/7/2014 tại Geneva (Thụy Sỹ) và chính thức có hiệu lực từ 22/02/2017. Mục tiêu của Hiệp định bao gồm: Tạo thuận lợi thương mại, đảm bảo cân bằng giữa thuận lợi và tuân thủ luật pháp; Thúc đẩy việc vận chuyển, thông quan hàng hóa; Đẩy mạnh sự phối hợp giữa Hải quan và các cơ quan khác; Nâng cao hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực.

Bên cạnh đó, mục đích của việc tạo thuận lợi thương mại cũng nhằm xoá bỏ các rào cản truyền thống, rào cản phí thuế quan đối với thương mại, cụ thể là giúp giải quyết các yêu cầu về giấy tờ, chứng từ quá mức, thủ tục qua biên giới không hiệu quả, những cản trở trong vận tải và quá cảnh, thiếu sự minh bạch và khả năng dự đoán, thiếu sự hợp tác và phối hợp... Đồng thời, quá trình này cũng góp phần giải quyết những tác động tiêu cực đối với: chi phí giao dịch thương mại, giá cả tiêu dùng, khả năng cạnh tranh, cơ hội kinh doanh, các luồng thương mại, đầu tư, thu ngân sách, tham gia vào dây chuyền cung ứng quốc tế...

Theo WTO (2015), việc thực thi TFA đã giúp gỡ “nút thắt cổ chai” trong vấn đề chi phí thương mại cao làm cô lập các nước đang phát triển, nới rộng khoảng cách kinh tế giữa các quốc gia và tác động tiêu cực một cách không đồng đều đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV); Đơn giản hóa, giảm nhẹ chi phí trong thủ tục Hải quan và thương mại dẫn tới giảm chi phí thương mại; Tăng sản lượng xuất khẩu trên thế giới lên tới 2,7%/năm và GDP thế giới tăng hơn 0,5%/năm; Các nước đang phát triển được hưởng lợi từ sự tăng trưởng gần 1,9 nghìn tỉ USD trong xuất khẩu, có thêm gần 0,9% tăng trưởng kinh tế mỗi năm; Giảm nhẹ gánh nặng từ các thủ tục hành chính đối với các DNNVV; Thu hút thêm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài...

Tại khu vực ASEAN, từ năm 2008, Chương trình đàm phán thuận lợi hóa thương mại đã kêu gọi các quốc gia thành viên đơn giản hóa quy tắc xuất xứ, thống nhất những tiêu chuẩn về sản phẩm và kỹ thuật. Trong chương trình này, các quốc gia thành viên đã nỗ lực thực hiện đàm phán để hướng tới thành lập Cơ chế một cửa ASEAN với mục đích: (i) Thống nhất việc khai báo thông tin, dữ liệu; (ii) Đồng bộ quá trình xử lý thông tin và dữ liệu; (iii) Thống nhất các thủ tục xuất nhập khẩu.

Thực tế cho thấy, các quốc gia ASEAN đã đạt được những thành tựu trong thực hiện thuận lợi hóa thương mại. Kế hoạch hành động chiến lược thuận lợi hóa thương mại Cộng đồng chung ASEAN 2025 cùng với áp dụng những hỗ trợ kỹ thuật của khung thuận lợi hóa WTO đã giúp giảm thời gian và chi phí làm thủ tục xuất nhập khẩu đáng kể ở hầu hết các quốc gia ASEAN...

Kinh nghiệm một số quốc gia châu Á

Trung Quốc

Từ khi gia nhập WTO, thay vì các biện pháp hỗ trợ trực tiếp từ Chính phủ cho các DN xuất khẩu, Trung Quốc chuyển sang chính sách xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các DN trong nước phát triển thông qua Quỹ phát triển, hỗ trợ cho các DN, mở rộng quyền hạn cho các tổng công ty xuất khẩu trong nước, cho phép các địa phương thành lập các DN ngoại thương để tự chủ trong hoạt động xuất khẩu của mình. Chính phủ Trung Quốc cũng tăng cường thâm nhập thị trường hiện có cũng như tìm kiếm thị trường tiềm năng mới bằng cách tung ra thị trường những sản phẩm có tính cạnh tranh cao. Trung Quốc ban hành Luật thuế đối kháng và chống bán phá giá để hàng nội địa và hàng hóa nước ngoài được cạnh tranh một cách tự do bình đẳng trên thị trường nước này.

Singapore

Singapore tích cực thực hiện tự do hóa thương mại thông qua các hoạt động cắt giảm thuế quan. Quốc gia này tham gia vào hoạt động của nhiều tổ chức thương mại đa phương và thực hiện các chính sách cắt giảm thuế theo đúng với quy định của từng tổ chức này. Đồng thời, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quản lý xuất khẩu nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại cho các DN.

Singapore tạo ra một thị trường hoàn toàn tự do với nhiều ưu đãi dành cho các DN nước ngoài bằng cách không sử dụng hàng rào phi thuế quan cũng như không trợ giá xuất nhập khẩu. Đặc biệt, thủ tục xuất nhập khẩu tại Đảo quốc này rất đơn giản và nhanh chóng. Singapore đã tạo ra một thị trường xuất khẩu hoàn toàn tự do (có tới 96% hàng hóa xuất nhập khẩu không có thuế) nên các hoạt động thương mại quốc tế của đất nước này ngày càng được mở rộng với sự tham gia của nhiều nước trên khắp thế giới...

Thái Lan

Nhằm tạo thuận lợi cho thương mại phát triển, Thái Lan coi mở cửa thị trường là một phần quan trọng trong chính sách thương mại quốc gia. Chính phủ nước này cũng thực thi các biện pháp thuận lợi hoá thương mại thông qua quy chế về thương mại và thuế quan: Hàng hóa xuất khẩu chỉ có một số loại thuế nhất định với nhiều quy định mang tính khuyến khích để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu. Các thành phần kinh tế đều được phép xuất khẩu. Bên cạnh đó, để khuyến khích buôn bán đường biển, Thái Lan khuyến khích hàng hóa chuyên chở bằng phương tiện của Thái Lan nếu không muốn phải chịu hai lần cước phí vận tải. Chính phủ Thái Lan cũng sử dụng nhiều biện pháp thuế và phi thuế để bảo hộ các ngành công nghiệp non trẻ.

Bài học cho Việt Nam

Tại Việt Nam, hoạt động hỗ trợ của Dự án Tạo thuận lợi thương mại do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ hỗ trợ (kéo dài 5 năm từ 2018-2023), đặc biệt liên quan đến việc thực thi các Hiệp định FTA của WTO đã giúp Việt Nam thực hiện cải cách hành chính và pháp lý hiệu quả thông qua nhiều hoạt động, bao gồm hỗ trợ kỹ thuật để áp dụng quản lý rủi ro trong lĩnh vực hải quan, nâng cao năng lực và phát triển quan hệ đối tác công- tư hiệu quả. Những nỗ lực chung này đã giúp các DN tiết kiệm thời gian và chi phí, tạo ra môi trường đầu tư tốt hơn và nâng cao sức cạnh tranh quốc gia. Đặc biệt, trong những năm qua, các hoạt động cải cách hành chính, tạo thuận lợi hóa thương mại đã góp phần thúc đẩy xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý, năm 2022, xuất nhập khẩu lập kỷ lục mới, vượt mốc 730 tỷ USD, duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp đã đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

Nhằm thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, ngày 31/1/2023, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 123/QĐ-TCHQ về việc giao chỉ tiêu cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại năm 2023 với mục tiêu tạo thuận lợi tối đa cho các DN hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, rút ngắn thời gian thông quan, giải phóng hàng. Theo đó, Tổng cục Hải quan đã đề ra 10 nhóm chỉ tiêu đối với cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại năm 2023, trong đáng chú ý như: Giảm 5% tỷ lệ tờ khai luồng đỏ, giảm 10% tỷ lệ tờ khai luồng vàng năm 2023; Giảm 10% thời gian thông quan, giải phóng hàng...

Từ kinh nghiệm thực tế của các quốc gia khu vực châu Á và thực tiễn của Việt Nam, có thể rút ra một số bài học sau:

Một là, cần tiếp tục chủ động mở cửa thị trường. Đây là điều mà các quốc gia đều nỗ lực thực hiện và thực tế cho thấy, Việt Nam đã thực hiện rất tốt điều này khi tham gia hầu hết các tổ chức tài chính, thương mại toàn cầu và các hiệp định thương mại tự do.

Hai là, khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, phát huy những ngành thế mạnh gắn với đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhanh nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường; thực hiện nghiêm ngặt các quy chuẩn về nguồn gốc, xuất xứ.... Việt Nam cũng cần áp dụng các chính sách kiểm tra giám định nghiêm ngặt các mặt hàng xuất khẩu để đảm bảo chất lượng và uy tín của sản phẩm Việt, từng bước nâng cao tính cạnh tranh trên thương trường, có các chính sách bảo hộ thương mại phù hợp với các quy định quốc tế.

Ba là, tích cực hơn nữa trong việc hỗ trợ các DN, nhất là các DN xuất khẩu trong nước trong tiến trình hội nhập với thị trường quốc tế, trong đó tập trung vào việc: giảm thuế, xóa bỏ hàng rào phi thuế quan; Hỗ trợ về vốn, tín dụng cho các DN xuất khẩu...

Bốn là, tiếp tục cải thiện môi trường kinh tế trong nước theo hướng minh bạch, tự do, cạnh tranh công bằng giữa các công ty trong nước và nước ngoài để thu hút các đối tác trong khu vực và thế giới. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và xếp hạng quốc gia.

Năm là, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự bùng nổ của thương mại điện tử quốc tế đòi hỏi cơ quan quản lý, trong đó đặc biệt là vai trò của cơ quan Hải quan trong việc đưa ra các chính sách quản lý phù hợp, theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, tạo sự công bằng, thuận lợi, nhưng cũng đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, phòng, chống gian lận thương mại.

Tài liệu tham khảo:

  1. Tổng cục Hải quan (2023), Quyết định số 123/QĐ-TCHQ về việc giao chỉ tiêu cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại năm 2023 với mục tiêu tạo thuận lợi tối đa cho các DN hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, rút ngắn thời gian thông quan, giải phóng hàng;
  2. Trung tâm WTO (2017), Văn kiện Hiệp định Thuận lợi hóa Thương mại (TFA).
  3. Lương Thanh Hải (2023), Những vấn đề về thuận lợi hoá thương mại của một quốc gia trong hội nhập khu vực: khái niệm, vai trò và nội dung thuận lợi hoá thương mại. Cổng thông tin Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách Công Thương;
  4. Lương Thanh Hải (2023), Một số lý luận về thuận lợi hoá thương mại của một quốc gia trong hội nhập kinh tế quốc tế. Cổng thông tin Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách Công Thương.