Châu Âu công bố Cổng toàn cầu nhiều hoài bão
Vào ngày đầu tháng 12, Ủy ban châu Âu và Đại diện cấp cao về đối ngoại và chính sách an ninh đã khởi động Cổng toàn cầu (Global Gateway), chiến lược mới của châu lục nhằm thúc đẩy các liên kết thông minh, sạch và an toàn trong lĩnh vực kỹ thuật số, năng lượng và giao thông, đồng thời củng cố các hệ thống y tế, giáo dục và nghiên cứu trên toàn thế giới. Theo giới quan sát quốc tế, sáng kiến trên có thể coi là đối trọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Thiết kế lại cách thế giới kết nối
Theo trang web chính thức của Ủy ban châu Âu, Cổng toàn cầu thể hiện các kết nối bền vững và đáng tin cậy, hoạt động vì con người và hành tinh, nhằm giải quyết những thách thức toàn cầu cấp bách nhất, từ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, đến cải thiện an ninh y tế, tăng cường khả năng cạnh tranh và chuỗi cung ứng toàn cầu. Cổng đặt mục tiêu huy động các khoản đầu tư lên tới 300 tỷ euro từ năm 2021 đến năm 2027 để củng cố sự phục hồi toàn cầu lâu dài.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu: “Đại dịch Covid-19 đã cho thấy, thế giới chúng ta đang sống được kết nối với nhau như thế nào. Là một phần của quá trình phục hồi toàn cầu, chúng tôi muốn thiết kế lại cách chúng ta kết nối thế giới để xây dựng tương lai tốt đẹp hơn. Mô hình châu Âu là đầu tư vào cả cơ sở hạ tầng cứng và mềm, đầu tư bền vững vào kỹ thuật số, khí hậu, năng lượng, giao thông, y tế, giáo dục và nghiên cứu, cũng như tạo ra môi trường có thể bảo đảm một sân chơi bình đẳng. Chúng tôi sẽ hỗ trợ các khoản đầu tư thông minh vào cơ sở hạ tầng chất lượng, tôn trọng các tiêu chuẩn xã hội và môi trường cao nhất, phù hợp với các giá trị dân chủ của EU cũng như các quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế. Chiến lược Cổng toàn cầu là khuôn mẫu cho cách châu Âu có thể xây dựng các kết nối bền vững hơn với thế giới”.
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Josep Borrell cũng nhấn mạnh: “Sự kết nối giữa các lĩnh vực chính giúp xây dựng cộng đồng cùng quan tâm và củng cố khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng. Một châu Âu mạnh mẽ hơn trên thế giới đồng nghĩa với cam kết mạnh mẽ với các đối tác EU, dựa trên các nguyên tắc cốt lõi của chúng tôi. Với Chiến lược Cổng toàn cầu, chúng tôi đang tái khẳng định tầm nhìn của mình về việc thúc đẩy mạng lưới kết nối, vốn phải dựa trên các tiêu chuẩn, quy tắc và quy định được quốc tế chấp nhận để cung cấp một sân chơi bình đẳng”.
Các lãnh đạo của EU tin rằng, khối liên minh lá cờ xanh với bề dày thành tích sẽ là đối tác đáng tin cậy để cung cấp các dự án bền vững và chất lượng cao, đồng thời bảo đảm lợi ích lâu dài cho cộng đồng địa phương, cũng như lợi ích chiến lược của liên minh.
Cổng toàn cầu sẽ tập hợp EU, các quốc gia thành viên với các tổ chức tài chính và phát triển của châu Âu, bao gồm Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD) và tìm cách huy động khu vực tư nhân để tận dụng các khoản đầu tư cho dự án. Các Phái đoàn EU trên toàn thế giới, làm việc với chương trình hỗ trợ Team Europe trên thực địa, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định và điều phối các dự án Cổng toàn cầu ở các nước đối tác.
Cổng toàn cầu dựa trên các công cụ tài chính mới trong khuôn khổ tài chính nhiều năm của EU giai đoạn 2021 - 2027. Công cụ Hợp tác quốc tế, phát triển và khu vực lân cận (NDICI) - châu Âu toàn cầu, công cụ hỗ trợ trước khi gia nhập (IPA) III, chương trình nhằm kích thích hợp tác giữa các khu vực trong và ngoài EU - Interreg, chương trình đầu tư InvestEU cùng chương trình nghiên cứu và đổi mới của EU mang tên Horizon Europe; tất cả đều cho phép khối tận dụng đầu tư công và tư trong các lĩnh vực ưu tiên, bao gồm cả kết nối. Đặc biệt, Quỹ châu Âu về phát triển bền vững (EFSD +) sẽ cung cấp tới 135 tỷ euro cho các khoản đầu tư bảo đảm cho các dự án cơ sở hạ tầng từ năm 2021 đến 2027 lên tới 18 tỷ euro…
Ngoài ra, EU đang khám phá khả năng thành lập Quỹ tín dụng xuất khẩu châu Âu để bổ sung cho các thỏa thuận tín dụng xuất khẩu hiện có ở cấp quốc gia thành viên và tăng cường sức mạnh tổng thể của EU trong lĩnh vực này. Đây là cơ sở sẽ giúp bảo đảm một sân chơi bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp EU tại các thị trường nước thứ ba.
Các nhà lãnh đạo châu Âu kỳ vọng, Cổng toàn cầu sẽ giúp thu hẹp khoảng cách đầu tư toàn cầu, vì thế nó đòi hỏi nỗ lực phối hợp phù hợp với cam kết tháng 6.2021 của các nhà Lãnh đạo G7 để khởi động quan hệ đối tác cơ sở hạ tầng minh bạch, tiêu chuẩn cao và định hướng giá trị nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu.
Các quan chức châu Âu cho biết, Cổng toàn cầu của EU được xây dựng dựa trên những thành tựu của Chiến lược Kết nối Á - Âu năm 2018, các thỏa thuận Quan hệ đối tác kết nối vừa được ký kết với Nhật Bản và Ấn Độ, cũng như các Kế hoạch Kinh tế và đầu tư cho Tây Balkan, Đối tác phía Đông và Vùng lân cận phía Nam. Vì vậy, giới chức châu lục tin rằng, nó hoàn toàn phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), cũng như Thỏa thuận Khí hậu Paris.
Cạnh tranh với Sáng kiến Vành đai và con đường của Trung Quốc?
Theo SCMP, kế hoạch dài 14 trang của Cổng toàn cầu không đề cập tới Trung Quốc, nhưng tại họp báo công bố kế hoạch tại Brussels, Bỉ, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, đã mô tả đây là sáng kiến “thay thế thực sự” cho Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Và khi được hỏi, liệu Cổng toàn cầu có thể cạnh tranh với Sáng kiến của Trung Quốc hay không, bà khẳng định “chắc chắn có thể”. Bà tự tin phát biểu: “Chúng tôi có thể làm vậy. Nhiều quốc gia đã có kinh nghiệm với các khoản đầu tư của Trung Quốc. Họ cần những đề nghị đầu tư khác và tốt hơn”.
Hiện tại, chưa có dự án nào được khởi động, tuy nhiên EU cho biết đang đặc biệt quan tâm tới khu vực châu Phi, Trung Á và Mỹ Latin, và tập trung vào các lĩnh vực bao trùm là khí hậu, kỹ thuật số và giao thông.
Theo nhiều nhà phân tích, sáng kiến Cổng toàn cầu cho thấy EU đang nhìn nhận nghiêm túc việc cần phải cạnh tranh với Trung Quốc về mặt tài chính. Và nó có thể giúp khối này nâng cao vai trò địa chính trị. Trong khi đó, phản ứng trước kế hoạch trên, ông Zhang Ming, đại sứ Trung Quốc tại EU khẳng định Bắc Kinh sẽ ủng hộ nếu kế hoạch của EU “thực sự cởi mở”. Tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh: “Ngược lại, bất kỳ bên nào nỗ lực nhằm biến các dự án cơ sở hạ tầng thành công cụ địa chính trị đều sẽ không thành công trước những kỳ vọng của cộng đồng quốc tế và gây tổn hại tới lợi ích chính bên đó”.