Châu Âu trước nỗi lo lạm phát
Nền kinh tế châu Âu đang phục hồi tốt sau giai đoạn suy thoái lịch sử do dịch COVID-19. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát liên tiếp tăng cao kỷ lục trong thời gian qua đang đặt ra thách thức cho nỗ lực trở lại quỹ đạo tăng trưởng bình thường của con tàu kinh tế khu vực.
Theo số liệu Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) mới công bố, lạm phát tại Khu vực đồng euro (Eurozone) trong tháng 10 đã tăng lên 4,1%, chạm mức cao nhất kể từ năm 2008. Nhiều nền kinh tế ghi nhận tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục. Tại Đức, lạm phát tăng trong tháng thứ tư liên tiếp, lên mức 4,5% trong tháng 10. Trong khi tỷ lệ này ở Tây Ban Nha tăng mạnh từ 4% trong tháng 9 lên 5,5% vào tháng 10.
Giới phân tích cho rằng, lạm phát tại châu Âu tăng mạnh do nhiều yếu tố kết hợp. Thời gian qua, nhu cầu chi tiêu tiêu dùng trong khu vực phục hồi nhanh chóng khi các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 được nới lỏng và nền kinh tế dần mở cửa trở lại. Trong khi đó, nguồn cung bị hạn chế do giá nhiên liệu tăng vọt, chuỗi cung ứng gián đoạn và thiếu hụt nhân lực.
Giá cả không ngừng leo thang trong thời gian gần đây đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng và làm xáo trộn thị trường tài chính châu Âu. Tuy nhiên, điều làm các nhà hoạch định chính sách tại “lục địa già” lo ngại hơn cả là tình trạng lạm phát tăng cao đang kéo dài hơn dự kiến. Chủ tịch Nhóm Bộ trưởng Tài chính Eurozone (Eurogroup) Paschal Donohoe (Pa-xchan Đô-nô-hô-ê) nhận định, giá cả tăng do chịu ảnh hưởng của những yếu tố mang tính tạm thời, song xu hướng này có nguy cơ kéo dài hơn dự báo.
Áp lực lạm phát gia tăng đang đặt giới chức châu Âu trước câu hỏi lớn là nên tập trung kiềm chế đà tăng giá hay tiếp tục thúc đẩy phục hồi kinh tế? Hiện Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) vẫn giữ quan điểm thận trọng đối với việc thắt chặt chính sách tiền tệ, do lo ngại hành động này có thể làm suy yếu đà phục hồi kinh tế của khu vực. Tại cuộc họp thường kỳ mới đây về chính sách tiền tệ, ECB đã nhất trí duy trì lãi suất ở mức thấp kỷ lục và chương trình mua trái phiếu. Chủ tịch ECB Christine Lagarde (Cri-xtin La-gác-đơ) cho rằng, nền kinh tế Eurozone vẫn còn quá yếu để các nhà hoạch định chính sách rút lại chương trình kích thích kinh tế.
Trong khi đó, Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Paolo Gentiloni (Pao-lô Gen-ti-lô-ni) nhận định, tỷ lệ lạm phát đang tăng nhanh hơn dự kiến. Kỳ vọng xu hướng này có thể giảm trong nửa đầu năm 2022, ông Gentiloni cho rằng, những nút thắt về nguồn cung sẽ dần được gỡ bỏ, giá năng lượng sẽ giảm dần và ổn định trong năm tới, theo đó lạm phát sẽ quay lại mức dưới 2%.
Tỷ lệ lạm phát tăng mạnh hiện nay không phải thách thức của riêng châu Âu mà nhiều nền kinh tế trên thế giới. Một số nhà phân tích cho rằng, xu hướng này là hệ quả tất yếu khi nền kinh tế phục hồi nhanh và sẽ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế lo ngại, “cơn bão lạm phát” sẽ không sớm tan. Chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng ING Bert Colijin (Bớt Cô-li-gin) nhận định, rất khó để dự báo liệu tình trạng lạm phát tăng cao hiện nay có tiếp diễn trong thời gian dài hay không, song nếu kịch bản xấu này xảy ra, những thành quả phục hồi kinh tế của các nước châu Âu trong thời gian qua sẽ bị xóa mờ.