Tái bùng phát COVID-19 hậu tiêm chủng: Bài học từ châu Âu

Theo daibieunhandan.vn

Khi chương trình tiêm chủng của Tây Âu đạt được bước tiến đáng kể vào đầu năm 2021, nhiều lãnh đạo trong khu vực tuyên bố vaccine là công cụ giúp họ thoát khỏi đại dịch COVID-19 nhanh chóng để trở lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, nhiều quốc gia trong số này đang phải đảo ngược kế hoạch vì làn sóng lây nhiễm mới trước thềm mùa đông.

Ireland trở thành quốc gia đầu tiên của châu Âu tái áp đặt phong tỏa. Ảnh: Reuters
Ireland trở thành quốc gia đầu tiên của châu Âu tái áp đặt phong tỏa. Ảnh: Reuters

Một loạt nước tái áp đặt phong tỏa

Số ca mắc COVID-19 ở châu Âu đã tăng gấp đôi chỉ trong 5 tuần, đưa tổng số ca bệnh ở "Lục địa già" vượt ngưỡng 10 triệu ca. Hiện châu Âu chiếm khoảng 22% trong tổng số 46,3 triệu ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới và hơn 23% trong tổng số gần 1,2 triệu ca tử vong. Trước tình hình số ca mắc COVID-19 không ngừng tăng lên mỗi ngày, một số quốc gia, kể cả những nước đã phủ sóng tiêm chủng, buộc phải tái áp đặt lệnh phong tỏa.

Thủ tướng Ireland Micheal Martin ngày 19.10 tuyên bố Ireland sẽ trở thành quốc gia thành viên đầu tiên của EU quay trở lại tình trạng phong tỏa để phòng, chống đại dịch COVID-19 sau khi chính quyền nước này ban hành lệnh “ở nhà” trên phạm vi toàn quốc, song vẫn cho phép các trường học mở cửa.

Các biện pháp mới yêu cầu đóng cửa toàn bộ các cơ sở kinh doanh bán lẻ không thiết yếu, trong khi các nhà hàng và quán bar cũng chỉ được phép kinh doanh dịch vụ mang đồ ăn/uống về nhà. Ông Martin cho biết biện pháp mới chỉ cho phép những người lao động trong lĩnh vực thiết yếu đi làm và người dân tập thể dục trong bán kính 5km xung quanh nơi ở, trong khi đó giao thông công cộng chỉ được hoạt động với 25% công suất để phục vụ nhóm người lao động trên. Thủ tướng Martin cũng cảnh báo những người vi phạm lệnh cấm sẽ bị phạt.

Các biện pháp mới còn gia hạn lệnh cấm đối với các sự kiện trong nhà và chuyến thăm giữa các gia đình, song hai gia đình được phép tụ tập ở ngoài trời như công viên.

Ngày 28/10, Pháp cũng đã công bố quyết định tái phong tỏa toàn quốc từ 30.10 đến 1.12. Tổng thống Macron cho biết người dân có thể đi làm, đi khám bệnh, giúp đỡ người thân, đi chợ và tập thể dục gần nhà, với giấy chứng nhận tự khai như đợt phong tỏa vào mùa xuân.

Tuy nhiên, các cơ quan dịch vụ công, các doanh nghiệp cũng như các trường học từ nhà trẻ đến trung học phổ thông vẫn tiếp tục hoạt động, các nhà dưỡng lão vẫn mở cửa đón khách đến thăm. Ngược lại, các trường đại học duy trì các khóa học trực tuyến, các công ty khuyến khích làm việc từ xa. Nhà hàng và quán bar phải đóng cửa. Người lao động không thể làm việc sẽ tiếp tục hưởng lợi từ bảo hiểm thất nghiệp một phần.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và các nhà lãnh đạo 16 bang ở Đức một lần nữa nhất trí tái áp đặt các biện pháp phong tỏa có giới hạn nhằm kiểm soát và hạn chế sự gia tăng ở mức đáng lo ngại của dịch bệnh nguy hiểm này. Các biện pháp mới bao gồm quy định chỉ cho phép gặp gỡ ở nơi công cộng tối đa 10 người từ một hoặc hai hộ gia đình; các nhà hàng phục vụ ăn, uống, các quán bar, quán rượu, câu lạc bộ và các khu trung tâm vui chơi giải trí, thể thao trong nhà và ngoài trời sẽ tạm thời đóng cửa.

Tuy nhiên, Chính phủ Đức cho phép duy trì hoạt động các trường học và nhà trẻ; các cửa hàng bán buôn và bán lẻ vẫn tiếp tục mở cửa, song phải bảo đảm các quy định về vệ sinh, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách cũng như bảo đảm có không quá một khách hàng/10m2...

Anh, quốc gia phải chịu đựng làn sóng lây nhiễm dai dẳng, ngày 20.11 thông báo thêm 40.941 ca mắc và 150 ca tử vong sau 24 giờ dù Thủ tướng Boris Johnson thường xuyên ca ngợi về việc đi đầu trong nỗ lực phủ vắc xin COVID-19. Trước đó, Anh đã công bố lệnh phong tỏa mới kéo dài 4 tuần nhằm phòng, chống đại dịch COVID-19 trên toàn vùng England. Quyết định này được đánh giá là một sự thay đổi chiến lược lớn sau những cảnh báo về nguy cơ quá tải tại các bệnh viện bởi hệ thống các quy định hạn chế được địa phương hóa của Anh.

Bỉ, quốc gia có mức độ lây nhiễm cao hàng đầu thế giới, đã quyết định thực hiện các biện pháp “phong tỏa nghiêm ngặt” toàn quốc trong vòng 6 tuần vào tối 31.10. Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo đã công bố các biện pháp được cho là “cơ may cuối cùng” nhằm làm chậm lại đà lây lan của đại dịch tại đất nước được mệnh danh là “trái tim của châu Âu” này.

Tại Bồ Đào Nha - nơi 87% dân số đã được tiêm vắc xin ngừa COVID-19, giới chức đang cân nhắc các biện pháp chống dịch mới để làm chậm tốc độ lây lan của virus. Không thể phủ nhận xu hướng tái bùng phát COVID-19 dù trên thực tế vắc xin vẫn đang phát huy tác dụng. Những diễn biến đáng lo ngại ở Đức và Áo trong những tuần gần đây đã cho thấy sự nguy hiểm của tâm lý tự mãn, đặc biệt là khi mức độ hiệu quả của vắc xin có thể sụt giảm.

Cần các mũi tăng cường

Hai nghiên cứu thực tế được công bố vào tháng vừa rồi xác nhận khả năng miễn dịch được hình thành sau khi tiêm 2 liều Pfizer bắt đầu giảm sau khoảng 2 tháng, dù khả năng chống lại nguy cơ mắc bệnh nặng, nhập viện và tử vong vẫn cao. Các nghiên cứu cho thấy kết quả tương tự đối với vắc xin AstraZeneca và vắc xin Moderna, vốn cũng đang được sử dụng ở châu Âu.

vắc xin tiếp tục tạo khả năng bảo vệ cao, chống lại nguy cơ mắc COVID-19 nặng và tử vong - chuyên gia Charles Bangham của Trường ĐH Hoàng gia London (Anh) khẳng định với đài CNN. Dù vậy, ông Bangham cũng lưu ý rằng Delta là một biến thể có khả năng lây nhiễm mạnh, trong khi các biện pháp phòng chống dịch không còn được theo dõi sát sao ở một số quốc gia. Nói theo cách của ông Ralf Reintjes, một chuyên gia đến từ Trường ĐH Khoa học Ứng dụng Hamburg (Đức), chỉ vắc xin thôi là chưa đủ để ngăn chặn sự lây lan của virus.

Giới chuyên gia khẳng định họ không ngạc nhiên khi thấy những quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao như Hà Lan tái áp đặt lệnh phong tỏa, bởi ngay cả một nhóm nhỏ không tiêm cũng có thể gây ra làn sóng lây nhiễm mới. "Những gì đang xảy ra ở Hà Lan là một dịch bệnh của những người chưa tiêm chủng. Khoảng 10% công dân trên 12 tuổi tại đây chưa được tiêm vắc xin. Virus đang lây lan ở nhóm này, điều đã được dự đoán" - chuyên gia Sam McConkey của Trường ĐH Y dược và Khoa học Sức khỏe RCSI (Hà Lan) nhận xét.

Giới lãnh đạo châu Âu ngày càng bức xúc với những người không chịu tiêm chủng. Chính phủ Áo hôm 19/11 tuyên bố sẽ triển khai quy định tiêm phòng bắt buộc đối với mọi công dân kể từ tháng 2.2022 - động thái đang được các nước trong khu vực cân nhắc.

Chính phủ Đức - nơi ghi nhận gần 867.000 ca nhiễm mới trong quãng thời gian 28 ngày - một mặt hối thúc người dân tiêm chủng, mặt khác siết chặt lệnh phong tỏa nhằm vào những cá nhân không chịu tiêm vắc xin.

Giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới Hans Kluge ngày 20/11 bày tỏ nỗi lo sâu sắc về tình hình dịch bệnh trong khu vực. Ông cảnh báo châu lục này có thể chứng kiến thêm 500.000 ca tử vong vì COVID-19 đến tháng 3/2022 nếu không nhanh chóng gia tăng tỉ lệ tiêm chủng, triển khai các biện pháp phòng dịch và phát triển phương pháp điều trị mới.