Châu Âu giữa vòng xoáy lạm phát
Lạm phát tăng cao đang là gánh nặng đối với người dân ở khắp nơi trên thế giới, trong đó có châu Âu. Mặc dù chính phủ các quốc gia tại “lục địa già” nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ đời sống người dân, song sức tàn phá của bão giá dường như ngày một gia tăng.
Khó khăn chồng chất
Nước Anh đang trải qua cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trầm trọng. Thời gian qua, lạm phát của “xứ sở sương mù” từng tăng lên mức kỷ lục mới trong vòng 40 năm do giá lương thực tăng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Anh trong tháng 7 vừa qua tăng lên mức 10,1% từ mức 9,4% trong tháng 6. Nguyên nhân chính khiến CPI tăng vọt là do giá thực phẩm tăng, chủ yếu là bánh mì, ngũ cốc, sữa, phô mai và trứng. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự báo, lạm phát có thể lên tới hơn 13%, có nguy cơ đẩy nền kinh tế nước này rơi vào suy thoái kéo dài đến cuối năm 2023.
Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cũng cho biết, lạm phát tháng 7 của Khu vực đồng euro (Eurozone) lập kỷ lục mới với 8,9%. Tây Ban Nha, một quốc gia thành viên Eurozone, đang quay cuồng trong “bão giá”. Tỷ lệ lạm phát của nước này đạt mức 10,8%, đánh dấu mức cao nhất trong 38 năm qua. Viện Thống kê Tây Ban Nha (INE) nhận định, việc giá điện tăng vọt là một trong những nguyên nhân chính làm tăng lạm phát.
Lạm phát gia tăng khiến nền kinh tế đầu tàu châu Âu là Đức rơi vào cảnh trì trệ. Tâm lý các nhà đầu tư Đức đã giảm sút do lo ngại chi phí sinh hoạt tăng sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng tư nhân. Giới nghiên cứu cho biết, tỷ lệ lạm phát vẫn cao cùng với chi phí hóa đơn khí đốt và điện dự kiến tăng mạnh dẫn đến giảm dự báo về lợi nhuận đối với lĩnh vực tiêu dùng tư nhân tại Đức.
Trước khi xung đột bùng phát ở Ukraine vào tháng 2/2022, châu Âu và nhiều nơi trên thế giới đã bị ảnh hưởng bởi giá năng lượng tăng vọt, nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát. Xung đột xảy ra càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng, dấy lên những lo ngại về việc gián đoạn nguồn cung cấp dầu hoặc khí đốt tự nhiên từ Nga. Cùng với đó, giá của nhiều mặt hàng quan trọng đã tăng kể từ khi các biện pháp phong tỏa để ngăn chặn dịch COVID-19 được áp dụng, gây căng thẳng cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đợt hạn hán nghiêm trọng hiện nay tại châu Âu cũng đe dọa sản lượng ô-liu, trái cây và rau củ, khiến giá lương thực tại các nước trong khu vực có thể gia tăng hơn nữa trong những tháng tới. Theo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), thu nhập sụt giảm do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, giá năng lượng và lạm phát gia tăng... là những yếu tố khiến nhiều hộ gia đình ở châu Âu không thể tiết kiệm được tiền trong thời kỳ dịch bệnh bùng phát mạnh.
Nỗ lực cản “bão lạm phát”
Lạm phát tăng cao không chỉ là gánh nặng trên vai nhiều người dân trong khu vực, mà còn là bài toán khó khiến các nhà lãnh đạo châu Âu trăn trở tìm lời giải. Trong nỗ lực ngăn “cơn bão lạm phát” không tiếp tục mạnh lên, đe dọa xóa sổ những thành quả phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, EU đã đưa ra những giải pháp mạnh mẽ, ở cả cấp độ khu vực và quốc gia.
Cuối tháng 7 vừa qua, lần đầu tiên trong 11 năm qua, ECB đã tăng lãi suất cơ bản. Với bước đi nêu trên, lãi suất tiền gửi đồng euro đã trở về mức 0%, sau khi duy trì mức âm trong nhiều năm. ECB giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục từ năm 2014 đến nay, nhằm giúp Eurozone đứng vững trước các cơn bão nợ công và đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, tình trạng lạm phát tăng mạnh và kéo dài hơn dự kiến đã buộc ECB đưa ra những phản ứng cần thiết. ECB nhấn mạnh sẽ tiếp tục theo dõi tác động của quyết định tăng lãi suất lần này đối với tình trạng lạm phát để có các động thái tiếp theo. Theo truyền thông châu Âu, đợt tăng lãi suất tiếp theo có thể được quyết định sớm nhất trong cuộc họp của ECB vào đầu tháng 9 tới.
Ở cấp độ quốc gia, thời gian qua, các nước châu Âu đã đưa ra hàng loạt biện pháp mạnh nhằm ứng phó mức lạm phát cao. Một mặt, nhiều ngân hàng trung ương quyết định tăng lãi suất nhằm điều tiết đà tăng lạm phát. Mới đây, BoE quyết định tăng lãi suất chủ chốt lên 1,75%. Đây là đợt tăng lãi suất mạnh nhất trong 27 năm qua, đưa lãi suất của Anh lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2008. Một số nước châu Âu khác như Na Uy, Thụy Sĩ… cũng không nằm ngoài xu hướng tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Mặt khác, nhiều nước liên tục tung ra các gói hỗ trợ tài chính nhằm hãm đà tăng của lạm phát.
Tại Bồ Đào Nha, Thủ tướng Antonio Costa (A.Cô-xta) thông báo, từ đầu năm đến nay, chính phủ nước này đã chi tới hơn 1,68 tỷ euro cho các biện pháp kiềm chế lạm phát. Theo ông Costa, khoản ngân sách nêu trên nhằm kiểm soát giá cả tăng cao, hỗ trợ kìm hãm chi phí sản xuất, cũng như giúp đỡ các doanh nghiệp, hộ gia đình. Trong khi đó, mới đây, Chính phủ Áo đã đưa ra một gói gồm các biện pháp dài hạn nhằm chặn đà tăng của lạm phát, trong đó có bao gồm các khoản hỗ trợ an sinh xã hội cho người thất nghiệp và nhóm người dễ bị tổn thương.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, tăng lãi suất là hành động bắt buộc để giảm chi phí sinh hoạt vốn đang trở thành một cuộc khủng hoảng sâu sắc tại châu Âu. Tuy nhiên, một số nhà phân tích lại cho rằng, nếu ECB thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm đưa lạm phát về mức tiêu chuẩn 2% thì đà phục hồi kinh tế sau đại dịch có thể sẽ bị chặn đứng, nhất là tại các nền kinh tế có tỷ lệ nợ công cao và tăng trưởng chưa được như kỳ vọng như Italia và Hy Lạp.
Hơn nữa, bất chấp những nỗ lực của các nhà lãnh đạo châu Âu, tình trạng lạm phát tăng phi mã tại khu vực hiện vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại. Mới đây, ECB đã nâng dự báo lạm phát ở Eurozone trong các năm 2022, 2023 và 2024 lên các mức tương ứng 7,3%, 3,6% và 2,1%, đều tăng so các mức dự báo trước đó. Theo ECB, việc nâng dự báo chủ yếu do giá năng lượng và thực phẩm tiếp tục tăng.
Theo các nhà phân tích, kìm đà tăng giá năng lượng là một trong những yếu tố quan trọng để giải bài toán lạm phát tại châu Âu, song điều này khó có thể được thực hiện trong ngắn hạn. Vì vậy, hạ nhiệt lạm phát và duy trì đà phục hồi kinh tế dự kiến sẽ tiếp tục là “nhiệm vụ kép” và cũng là thách thức lớn mà các nước châu Âu phải đối mặt trong thời gian tới.