Hạn hán tồi tệ nhất nhiều thế kỷ sẽ đẩy lạm phát tại nhiều nước phát triển lên rất cao
Tại Mỹ, chuyên gia nông nghiệp cho rằng nông dân sẽ mất khoảng hơn 40% sản lượng bông còn tại châu Âu và Tây Ban Nha, những nông dân canh tác cây oliu dự báo nguồn cung sản phẩm oliu sẽ giảm khoảng 30%.
Các đợt hạn hán đang diễn ra tại khắp các nước ở bắc bán cầu, kéo dài từ các nông trại ở California cho đến các khu vực khác ở châu Âu hay Trung Quốc đang gây tổn hại hơn nữa chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời đẩy cao giá thực phẩm và năng lượng toàn cầu, nó gây ra áp lực lên hệ thống thương mại toàn cầu vốn đã chịu quá nhiều áp lực, theo nội dung bài đăng mới đây trên Wall Street Journal.
Nhiều khu vực ở Trung Quốc đang trải qua khoảng thời gian thời tiết nóng bức nhất tính từ năm 1961, theo Trung tâm Khí tượng Trung Quốc, kết quả hoạt động sản xuất chững lại và phải chịu đóng cửa do thiếu điện. Đợt hạn hán đang ảnh hưởng đến Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp và Italy được đánh giá tồi tệ nhất trong 500 năm, chuyên gia về khí hậu tại Trung tâm Nghiên cứu Hợp tác Ủy ban châu Âu – ông Andrea Toreti cho hay.
Tại khu vực miền Tây nước Mỹ, hạn hán bắt đầu từ 2 thập kỷ trước giờ đây đang trở nên tồi tệ nhất trong 1.200 năm, theo một nghiên cứu của đại học University of California – Los Angeles.
Theo các chuyên gia về khí tượng, đợt nóng khô hạn trong năm nay có nguyên nhân từ hiện tượng La Nina. Liên hợp quốc (UN) công bố số lượng các đợt hạn hán trên toàn thế giới đã tăng 29% tính từ năm 2000 do các đợt suy thoái đất và thay đổi khí hậu.
Đối với một số nền kinh tế lớn nhất thế giới, hạn hán trong mùa hè năm nay đang gây tổn hại đến nhiều ngành trong đó có ngành sản xuất điện, nông nghiệp, sản xuất và du lịch. Thực tế này gây sức ép lên nhiều lĩnh vực trong đó có việc làm gián đoạn chuỗi cung ứng cũng như tạo ra thêm áp lực lên giá năng lượng và thực phẩm.
Tại Mỹ, các chuyên gia nông nghiệp cho rằng nông dân sẽ mất khoảng hơn 40% sản lượng bông còn tại châu Âu và Tây Ban Nha, những nông dân canh tác cây oliu dự báo nguồn cung sản phẩm oliu sẽ giảm khoảng 30% trong bối cảnh thời tiết quá nóng và khô hạn.
Tại châu Âu, những con sông như Rhine hay Po vốn được coi như huyết mạch thương mại đang có mực nước thấp chưa từng có, chính vì vậy các nhà sản xuất buộc phải giảm thông thương hàng hóa. Mực nước sông giảm cũng làm suy giảm khả năng sản xuất điện tại châu Âu, tác động đến cả nguồn năng lượng thay thế là khí đốt, vốn cũng đang thiếu khi Nga giảm nguồn cung cấp.
Nắng nóng đã buộc nước Pháp phải giảm quy mô sản xuất điện tại một số lò phản ứng hạt nhân bởi những con sông phục vụ cho mục đích hạ nhiệt lò giờ đang quá nóng. Tại Đức, nước tiêu thụ nhiều nhất khí đốt của Nga, có kế hoạch sử dụng than đá thay cho khí đốt trong sản xuất điện, tuy nhiên mức độ nước thấp trên các con sông đang cản trở việc vận chuyển.
Mực tuyết thấp tại thượng nguồn sông tại dãy núi Alps của Thụy Sỹ đang khiến cho lượng nước hạ nguồn tại khu vực đồng bằng sông Rhine ở Hà Lan giảm đi. Chính vì vậy lượng nước biển tại hệ thống các con đập và sông tại nước này sụt giảm, kết quả hoạt động đường sông chịu ảnh hưởng nặng nề, nguồn nước dự trữ bị tổn hại. Hạn hán cũng đang làm khô hạn và yếu đi những khu vực đê bảo vệ cho các vùng thấp của Hà Lan với Biển Bắc.
Mực nước tại nhiều vùng của sông Dương Tử, con sông dài nhất Trung Quốc và là nguồn cung cấp thủy điện, hoạt động vận chuyển và nước quan trọng đã rơi xuống mức thấp nhất chưa từng thấy, theo Bộ Tài nguyên Nước Trung Quốc. Tại Hankou trung tâm thành phố Vũ Hán – Trung Quốc, mực nước vào ngày thứ Năm tương đương chỉ 15,6 feet, chưa bằng nửa mức trung bình trong lịch sử, theo Cơ quan An toàn Hàng hải Trường Giang.
Các chuyên gia thời tiết tại Mỹ và châu Âu khẳng định tình trạng ấm lên trên toàn cầu đã làm cho tác động của La Nina trở nên tệ hại hơn. Thời tiết nóng hơn khiến cho đất bị mất ấm và ảnh hưởng của hạn hán trở nên tồi tệ hơn, chuyên gia khí hậu tại Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu tại Boulder – ông Isla Simpson phân tích.