Châu Âu muốn thỏa hiệp với Nga

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Xung đột tại miền Đông Ukraine có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát, bất chấp một thỏa thuận ngừng bắn giữa quân Chính phủ Kiev và lực lượng đòi ly khai. Thực tế này khiến châu Âu hoài nghi về hiệu quả của các biện pháp trừng phạt Nga liên quan tới khủng hoảng Ukraine và cân nhắc thỏa hiệp với Moscow.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cho đến nay, các nước phương Tây hy vọng, các biện pháp trừng phạt gây hậu quả lớn đối với kinh tế Nga, đồng ruble mất giá cùng hiện tượng tháo vốn ồ ạt sẽ khiến Nga phải xét lại chính sách của mình đối với người em láng giềng Ukraine.

Đối với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), xung đột miền Đông Ukraine kéo dài 9 tháng qua, cướp đi khoảng 5.100 sinh mạng là kết quả của sự trỗi dậy của cái mà họ gọi là Chủ nghĩa Đế quốc Nga, đe dọa sự ổn định tại quốc gia nằm ở vị trí chiến lược giữa Nga và phần còn lại của châu Âu. Washington và các đồng minh cáo buộc Moscow kích động làn sóng xung đột ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine.

Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động như hiện nay, Nga vẫn là một trong những người chơi lớn trên sân chơi toàn cầu, có mối quan hệ với nhiều quốc gia từ khu vực Trung Đông bất ổn cho đến cả những nước đang nổi ở Mỹ Latin.

Nga là một trong 5 ủy viên thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, có tiếng nói quan trọng trong các hồ sơ hạt nhân Iran và Triều Tiên. Mặt khác, Moscow là đồng minh lớn của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad và đối tác gần gũi của Bắc Kinh. Thêm vào đó, Nga có vai trò không thể chối bỏ đối với vấn đề an ninh năng lượng của châu Âu.

Một số chuyên gia và lãnh đạo phương Tây đã hối thúc Nga đóng vai trò quan trọng trong thế giới đa cực hiện nay. Henry Kissinger, cựu Ngoại trưởng Mỹ cho rằng, phương Tây đang đối mặt với thách thức kép khi vừa giải quyết mối đe dọa trước mắt tại vùng biên giới, nhất là ở Ukraine, vừa phải có cách hành xử phù hợp để mở đường cho Nga đóng vai trò tích cực trong các quan hệ quốc tế.

Theo Phó thủ tướng Slovakia Miroslav Lajcak, châu Âu cần nhanh chóng có những cuộc thảo luận về lập trường trong giai đoạn hiện nay, khi căng thẳng giữa Nga với phương Tây tăng đến mức một số người lo ngại thời kỳ Chiến tranh Lạnh mới đang bắt đầu. Giám đốc Trung tâm Brookings tại Mỹ và châu Âu Fiona Hill cho hay, phương Tây sẽ bị lạc hướng nếu chờ đợi các trừng phạt Nga mang lại kết quả. Theo bà, phương Tây hiện phải đương đầu với tình thế lưỡng nan, trong bối cảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không lùi bước.

Vì vậy, vấn đề cơ bản là làm thế nào để chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine và không làm căng thẳng thêm mối quan hệ với chính quyền Putin. Đây thực sự là một thách thức lớn và chưa tìm ra giải pháp hoàn hảo, tuy nhiên phương Tây cần bắt tay triển khai lộ trình nhằm xác định hướng xử lý quan hệ này một cách hợp lý nhất.

Trên thực tế, gần đây đã có những tín hiệu cho thấy phương Tây dường như đang cân nhắc định hình mối quan hệ với Nga trong tương lai. Hồi đầu tháng, trong một văn bản của EU bị tiết lộ, người ta đã thấy có ý kiến đề xuất rằng việc Crimea sáp nhập vào Nga nên được gạt qua một bên để tập trung hơn vào việc đàm phán với Moscow.

Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại EU Federica Mogherini từng nhấn mạnh, không ai có thể quên Crimea, song cho rằng khối 28 thành viên nên học cách hòa hợp với người hàng xóm khổng lồ của mình. Câu hỏi đặt ra là EU sẽ cư xử ra sao với người hàng xóm này trong hiện tại, khi xung đột đang diễn ra, hay trong hai, năm hoặc thậm chí là mười năm nữa.

Có ý kiến cho rằng, đối với EU, Ukraine chỉ có tầm quan trọng thứ hai sau Nga. Mặt khác, Kiev không có khả năng cải cách, do đó Ukraine chỉ nên được đối xử một cách tương ứng với vị trí của nước này. Trong khi đó, thiệt hại về kinh tế do các biện pháp trừng phạt Nga gây ra đối với một số nước EU là quá lớn. Việc phản đối Nga quá mạnh mẽ có thể tạo ra những rủi ro khó lường. Có lẽ, EU bắt đầu thấy mệt mỏi với biện pháp trừng phạt vô ích và đã đến lúc cân nhắc về hướng đi mới trong quan hệ với Nga.