Châu Phi đang trở thành vùng đất khởi nghiệp nóng bỏng trên thế giới
Đã có 125 quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ tại Châu Phi huy động được 185 tỷ USD tiền vốn trong năm 2015 để đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp.
McKinsey dự đoán ằng số lượng thuê bao di động tại Châu Phi sẽ còn tăng nhanh chóng. Đến năm 2025, một nửa dân số tiểu vùng sa mạc Sahara sẽ tiếp cận với internet, và khoảng 360 triệu người sẽ truy cập qua điện thoại thông minh.
Hoạt động kinh doanh trên internet sẽ đóng góp khoảng 10%, khoảng 300 tỷ USD, cho GDP của khu vực này. Và tất nhiên là vào thời điểm này dòng tiền mặt đang chảy về đây khá nhiều do các nhà đầu tư đều nhìn thấy cơ hội.
Quỹ đầu tư đổ vào
Theo báo cáo của Disrupt Africa, một trang web chuyên cung cấp sự hỗ trợ khởi nghiệp, đã có 125 quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ tại Châu Phi huy động được 185 tỷ USD tiền vốn trong năm 2015. DMM.com, một trang thương mại điện tử của Nhật Bản và công ty đầu tư mạo hiểm, cũng tuyên bố rằng sẽ đầu tư 100 triệu USD vào các doanh nghiệp khởi nghiệp Châu Phi trong 5 năm tới.
“Năng lực các doanh nghiệp ở đây rất cao và thị trường thì đang mở rộng theo cấp số nhân,” Stephance Fouche, đại diện của DMM tại Châu Phi, chia sẻ. “Nhiệm vụ của chúng tôi là sẵn sàng đưa những ý tưởng kinh doanh của người Châu Phi vào hiện thực.”
Tuy vậy, Châu Phi vẫn có những khó khăn cản trở. Khoảng 635 triệu người dân ở tiểu vùng sa mạc Sahara thiếu điện vào năm 2013. Tỷ lệ điện hóa ở các nước như Kenya, Uganda, Ethiopia và Zambia vẫn dưới 30%.
Một quỹ đầu tư tại Nairobi được thành lập năm 2011 đã đưa ra một giải pháp là cung cấp hệ thống pin năng lượng mặt trời. Hệ thống này bao gồm hệ thống sạc pin cho điện thoại, đài phát thanh chạy năng lượng mặt trời, và hệ thống cung cấp điện cho một vài thứ cần thiết cho đời sống hiện đại.
Jason Njoku, người sáng lập ra iROKO – câu trả lời của người Châu Phi tới dịch vụ xem phim Netflix của Mỹ – tỏ ra rất tin tưởng vào phong trào khởi nghiệp ở Châu Phi.
“Có quá nhiều câu chuyện tiêu cực về Châu Phi. Chúng tôi là thương hiệu Châu Phi và chúng tôi sẽ thúc đẩy quảng bá văn hóa Châu Phi. Chúng tôi đã xây dựng một công ty Châu phi từ mặt đất đi lên, hi vọng rằng những người trẻ tuổi Châu Phi khác sẽ thấy tự hào vì điều đó. Tôi tin rằng chúng tôi đã mang hi vọng đến cho nhiều bạn trẻ ở Châu Phi và khiến họ hiểu rằng họ cũng có thể lập ra một công ty trong tương lai,” Njoku nói.
Trong một căn phòng lờ mờ ánh sáng nằm trong tòa nhà 5 tầng trên Phố Ngong ở thủ đô Kenya, có vài người Châu Phi trẻ tuổi đang thu mình trên một chiếc ghế sofa và gõ vào những chiếc máy tính xách tay của họ. Phía trên bức tường là một tấm áp phích có dòng chữ “Bắt đầu khởi nghiệp như thế nào.” Tiếp theo nữa là dòng chữ nói với những người sau này sẽ là những ông chủ doanh nghiệp này phải tìm “những gì đang thiếu trên thế giới” để kinh doanh.
Đó là Bishop Magua Center, ngôi nhà của những người tăng tốc khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ và của một số công ty công nghệ đang phát triển nhanh ở Kenya. Ở lục địa “đen” đang có tốc độ phát triển kinh tế khá nhanh này, rất nhiều thứ vẫn còn thiếu vắng. Nhiều doanh nhân nhận ra điều đó và đang đổ tiền vào thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp sôi động lên, điều mà có thể sẽ thay đổi Châu Phi trong thời gian tới.
Những ý tưởng khởi nghiệp
Đối với Edward Mbogo, thứ vẫn còn thiếu vắng ở đây là phương tiện thoải mái để đi làm. Giống như hầu hết người dân Kenya, anh vẫn phải đi làm thường xuyên bằng xe buýt nhỏ (còn gọi là Matatu) được sở hữu bởi những ông chủ tư nhân và chạy rích rắc qua khắp thành phố Nairobi.
Nhưng đi bằng phương tiện đó khiến Mbogo cảm thấy lo lắng cho chính sự sống của anh, vì những người lái xe liều lĩnh luôn cho xe chảy thẳng qua những con phố đông đúc nhằm tìm thêm khách. Còn tiếng nhạc ầm ĩ thì làm sao lãng anh.
Vì vậy, anh đã nghĩ ra việc phải đưa ra một ứng dụng có tên gọi là MyRide Kenya. Dựa trên nền tảng như Twitter, những hành khách sử dụng xe Matatu sẽ đánh giá về những chiếc xe buýt đó và cả người lái xe.
“Xe KBV95XX rất sạch và có cả wifi miễn phí trên xe,” một dòng bình luận đánh giá về chiếc xe buýt KBV95XX trên ứng dụng MyRide Kenya. Ở một bình luận khác, một hành khách viết: “Lái xe bị cảnh sát bắt vì đi quá nhanh và đã hối lộ tiền cho cảnh sát.”
Những ông chủ xe buýt – một vài người trong số họ sở hữu đội xe tới 400 chiếc – đã phải cải thiện chất lượng dịch vụ và trả cho Mbogo khoảng 20 xu Mỹ một ngày cho mỗi chiếc xe để nhận được sự đánh giá về lái xe của họ.
Còn đối với luật sư Angela Wanjohi, thứ còn thiếu ở Kenya lúc này là dịch vụ online một cửa để hoàn tất các thủ tục và giấy tờ pháp lý nhanh nhất và hiệu quả nhất. Thay vì trả cho một luật sư 100 USD một giờ cho quãng thời gian hai giờ để hoàn tất việc đăng ký kinh doanh, ứng dụng Uwakili của Wanjohi đã giúp mọi người có thể hoàn tất các giấy tờ pháp lý cơ bản bằng cách trả lời một vài câu hỏi trong ứng dụng.
“Chúng tôi nghĩ rằng có một thị trường tiềm năng với 18,3 triệu người Kenya trưởng thành, những người có trách nhiệm pháp lý để làm các thủ tục và đã tiếp cận với internet,” Wanjohi nói và cho biết các khách hàng thân thiết của cô cũng đang trả phí cho cô qua các ứng dụng thanh toán điện tử như m-pesa.
Phong trào khởi nghiệp ở Kenya bắt đầu tăng tốc từ năm 2007, khi công ty truyền thông Safaricom ra mắt ứng dụng thanh toán điện tử m-pesa. “Kenya hiện tại là quốc gia dẫn đầu thế giới về thanh toán điện tử,” Bob Collymore, Giám đốc điều hành của Safaricom, quả quyết.
Dịch vụ thanh toán điện tử của Safaricom cho phép người dùng không có tài khoản ngân hàng cũng có thể gửi tiền, rút tiền và chuyển khoản và thanh toán việc mua hàng chỉ bằng chiếc điện thoại thông minh.
Ở quốc gia mà những người công nhân tại thành phố vẫn thường gửi tiền cho gia đình họ ở vùng nông thôn, ứng dụng an toàn và không có nhũng nhiễu, quan liêu m-pesa đã nhanh chóng chiếm được niềm tin của khách hàng. Chỉ trong vòng ba năm, dịch vụ này đã có 9 triệu người đăng ký sử dụng, tương đương với 40% số dân trưởng thành của Kenya.
“Nó tiết kiệm thời gian, dễ truy tìm nguồn gốc và minh bạch,” Collymore nói về dịch vụ thanh toán điện tử m-pesa. Ông tin rằng tham nhũng là vấn đề lớn nhất hiện tại cản trở sự phát triển kinh tế của Châu Phi. Một ứng dụng nữa của Safaricom là “Faini Chap Chap”, cho phép những người lái xe máy nộp phạt vi phạm giao thông ngay tại chỗ thông qua điện thoại thông minh của họ. Ứng dụng này giúp mọi người không phải xếp hàng dài ở tòa án, và nếu muốn nhanh chóng thì phải hối lộ để được nộp phạt trước.
Thực tế thì m-pesa đã vượt qua cả biên giới Kenya và hiện đang có mặt ở 10 quốc gia khác, gồm cả Ấn Độ. Nhưng quan trọng hơn, nó đã trở thành nền tảng thanh toán cho nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ khác ở Kenya.
Động lực nhờ điện thoại thông minh
Tất nhiên, điều này không thể xảy ra nếu thiếu sự phát triển mạnh của những chiếc điện thoại thông minh ở khắp châu lục. Hầu hết người dân Châu Phi hiện đang truy cập internet qua điện thoại. Số lượng điện thoại được đăng ký đã tăng gấp 7 lần trong vòng 10 năm tính đến năm 2015.