Việt Nam đã đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng cho khởi nghiệp

PV.

“Thúc đẩy để khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; phát triển doanh nghiệp” là một luồng sinh khí mới được bộ máy Chính phủ hối thúc mạnh mẽ trong thời gian qua và đã đạt được nhiều kết quả tích cực ban đầu.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tinh thần khởi nghiệp đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hối thúc một cách mạnh mẽ, sát sao lãnh đạo bộ, ngành, địa phương trong việc tạo điều kiện cho sinh viên, giới trẻ khởi nghiệp, tạo nhanh hệ sinh thái khởi nghiệp, DN khởi nghiệp để Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp.

Bàn về vấn đề khởi nghiệp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ còn đưa ra yêu cầu nghiên cứu học hỏi mô hình của Hàn Quốc để hình thành thị trường chứng khoán gọi vốn riêng cho DN khởi nghiệp, DN nhỏ và vừa.

Tại sao đầu tư cho khởi nghiệp lại được Chính phủ chú trọng và quyết tâm thực hiện? Bởi phát huy tinh thần khởi nghiệp là khơi dậy sức mạnh nội tại của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam có đầy đủ những yếu tố để vươn tới "một quốc gia khởi nghiệp" điển hình trên thế giới.

Hiện nay, Việt Nam có hơn 90 triệu dân nhưng mới chỉ có gần 500.000 DN, trong đó, gần 1/5 số DN hoạt động kém hiệu quả. Con số so sánh này cho thấy thực trạng số DN của ta quá nhỏ bé so với tiềm năng nên khó đưa đất nước lọt vào TOP 4 quốc gia hàng đầu ASEAN.

Bên cạnh đó, Việt Nam chưa thu hút được nhiều kênh đầu tư quốc tế trên lĩnh vực tiền tệ. Hiện tại, việc này mới chỉ thông qua thị trường chứng khoán nhưng so với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia hoặc Hàn Quốc thì thị trường chứng khoán của ta còn nhỏ… Ngoài thị trường chứng khoán, chúng ta cũng ít có thị trường cho các định chế tài chính hoạt động. Mặc dù hình thức quỹ đầu tư đã manh nha xuất hiện nhưng hoạt động yếu kém thì chúng ta chỉ còn hệ thống ngân hàng…

Các chuyên gia nhận định, đối với khởi nghiệp, Việt Nam sẽ hình thành được hệ sinh thái đầu tư mới từ nền tảng DN khởi nghiệp, khi đó, các quỹ đầu tư chủ yếu từ nước ngoài sẽ đầu tư vào. Điều này sẽ trở thành làn sóng đầu tư thứ 2 sau làn sóng đầu tư của các nhà đầu tư công nghiệp thời kỳ trước đây. Đây mới chính là hình thái đầu tư chất xám vào Việt Nam, cho giới trẻ Việt Nam. Lúc ấy, DN Việt Nam dần làm chủ thị trường, đặc biệt làm chủ công nghệ, làm chủ sản xuất, chúng ta sẽ hạn chế và dần tiến tới chấm dứt việc thu hút đầu tư nước ngoài công nghệ thấp, gây ô nhiễm môi trường.

Nhờ đó, Việt Nam sẽ có điều kiện hơn để hoàn thiện thị trường tài chính. Chúng ta sẽ đỡ gánh nặng huy động tiền trong nước để nuôi và phát triển DN trong nước, DN nội địa có thương hiệu sẽ bớt rơi vào tay các tập đoàn nước ngoài.

Đến với khởi nghiệp hầu hết là giới trẻ, đều rất giỏi và có hoài bão, phần lớn tập trung vào thế mạnh của công nghệ thông tin và công nghệ cao, kể cả trong ứng dụng vào nông nghiệp để khởi nghiệp. Vì thế trong 5 năm tới, nếu chúng ta làm mạnh và tập trung thì cả nước sẽ có nửa triệu DN thành lập mới từ loại hình này. Trong đó chỉ cần 30-50% DN lĩnh vực này thành công thì đất nước chúng ta sẽ trở thành nước có nền công nghệ cao, làm bước đệm cho tương lai xa hơn để hình thành nên nền kinh tế tri thức.

Theo thống kê sơ bộ, từ đầu năm đến nay đã có hơn 5.000 tỷ đồng đầu tư vào các công ty khởi nghiệp trên cả nước.

Bên cạnh những thành tựu ban đầu đạt được, đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu hỗ trợ thực chất hơn nữa cho khởi nghiệp để chúng ta “không chảy máu chất xám, chảy máu công nghệ” (vì đã có một số bạn trẻ không khởi nghiệp trong nước mà chuyển qua Singapore thành lập công ty khởi nghiệp).

Như vậy, từ những DN khởi nghiệp đến ý thức về một quốc gia khởi nghiệp, nếu được Chính phủ quan tâm đầy đủ, DN Việt đủ sức vươn ra thế giới.