Chế độ kinh tế trong Hiến pháp tạo điều kiện đổi mới và phát triển toàn diện
(Tài chính) Trên cơ sở lồng ghép chương II và III trong Hiến pháp năm 1992 với nhiều nội dung đổi mới sâu sắc và toàn diện, Chế độ kinh tế trong Hiến pháp sửa đổi vừa tạo môi trường pháp lý hết sức thông thoáng khơi nguồn nội lực, thu hút ngoại lực cho tất cả các thành phần kinh tế đua tài phát triển sản xuất, kinh doanh, vừa bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với an sinh xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường.
Trong Hiến pháp năm 1992, Chế độ kinh tế được hiến định bởi một chương riêng (Chương II) với 15 điều (từ Ðiều 15 đến Ðiều 29). Trong Hiến pháp (sửa đổi), Chế độ kinh tế được hiến định bởi 8 điều (từ Ðiều 50 đến Ðiều 57) trong Chương III: Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường. Hiến pháp (sửa đổi) có nhiều đổi mới, thể hiện sự tiến bộ toàn diện vượt bậc về tư duy, ý chí và thể chế kinh tế. Nhưng bước tiến về chất đó chỉ có thể thực hiện được trên nền tảng ưu việt của Hiến pháp 1992 - bản hiến pháp tạo bước ngoặt lịch sử, bước đột phá từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp sang cơ chế mới, là sự khởi đầu xác định "xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa", là sản phẩm đầy trí tuệ và bản lĩnh của một thế hệ lãnh đạo lão thành, trung kiên, xuất chúng nhưng cũng hết sức cầu thị lắng nghe, tiếp thụ những ý kiến xây dựng, phản biện và những tín hiệu từ thực tiễn trong nước và thế giới... Ðó là bản Hiến pháp thứ 4 của nước ta và là tiền đề cho bản Hiến pháp (sửa đổi) hiện hành.
Ðiều 50 Hiến pháp (sửa đổi) khẳng định sự thống nhất ý chí của toàn dân về bản chất, phương thức và mục đích xây dựng nền kinh tế nước ta: "Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát huy nội lực, hội nhập, hợp tác quốc tế, gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Những hiến định khái quát, có tính bền vững lâu dài đó đã bổ sung, phát triển, cô đọng và nâng cao những quy định liên quan trong các Ðiều 15, 16 của Hiến pháp năm 1992.
Tương tự như vậy, Ðiều 51 Hiến pháp (sửa đổi) đã nâng cao và diễn đạt súc tích những nội dung liên quan trong các Ðiều 16, 17, 18, 19 của Hiến pháp năm 1992, như: "1. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. 2. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật...".
Ngắn gọn mà hết sức rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, bởi vì những diễn giải không cần thiết như liệt kê các thành phần kinh tế, các bộ phận hợp thành kinh tế nhà nước đã được loại bỏ. Ðặc biệt là so với Ðiều 19 Hiến pháp năm 1992, những đổi mới căn bản đã được khẳng định minh bạch, nhất quán lâu dài, đó là: các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế hoàn toàn bình đẳng, dù là quốc doanh hay dân doanh, không đồng nhất kinh tế nhà nước với quốc doanh hay doanh nghiệp nhà nước.
Không có diễn giải riêng về cấu thành kinh tế nhà nước (giữ vai trò chủ đạo) nhưng nội hàm của nó cũng đã khá rõ trong các Ðiều 53, 54, 55 (về đất đai, tài nguyên, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài sản công, ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia, quỹ tài chính nhà nước... do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý). Ðó chính là sự khái quát đúng mức và độ mở hợp lý của đạo luật cơ bản.
Những hiến định nêu trên trong văn bản pháp lý cao nhất của đất nước khi đang bước sang giai đoạn đổi mới toàn diện, vừa là chuẩn mực tối ưu của Nhà nước pháp quyền, vừa như lời hiệu triệu các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, doanh nhân thuộc các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài hoàn toàn tin tưởng, phấn chấn phát huy sức người, sức của để tạo nên sự phát triển toàn diện, mạnh mẽ cho sự nghiệp cá nhân, tổ chức mình và sự phồn vinh chung.
Rõ ràng là không còn gì minh bạch hơn, tạo điều kiện làm giàu hiệu quả hơn khi Hiến pháp khẳng định: "Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa".
Lĩnh vực mà lâu nay được nhân dân quan tâm đặc biệt là đất đai - tư liệu sản xuất cơ bản và tài sản quan trọng nhất - được hiến định trong Ðiều 53 và 54 với những nội dung mới, tạo khung pháp lý cao nhất để giải quyết những bất cập, vướng mắc tồn tại dai dẳng dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện gay gắt suốt nhiều năm qua.
Theo điểm 2 và 3 Ðiều 54: "Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ. Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật". Như vậy, quyền sử dụng đất là quyền tài sản và cũng là một loại hàng hóa đặc thù, có giá trị, giá cả, được chuyển nhượng và Nhà nước chỉ thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Những dự án phát triển kinh tế - xã hội mà không đủ hai tiêu chuẩn "trường hợp thật cần thiết" và "vì mục đích, lợi ích quốc gia, công cộng" thì không áp dụng phương thức Nhà nước thu hồi đất mà do các bên hữu quan phối hợp giải quyết theo pháp luật.
Nét đặc sắc của kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XIII là Hiến pháp được thông qua ngày 28-11 thì ngày 29-11, Quốc hội cũng bỏ phiếu thông qua Luật Ðất đai (sửa đổi) trong đó có các quy phạm pháp luật chi tiết hóa, cụ thể hóa những hiến định nêu trên trong Hiến pháp. Có thể thấy, những nội dung về đất đai, bất động sản trong Hiến pháp và Luật Ðất đai hiện hành của nước ta là tiên tiến, minh bạch và hợp lý.
Cũng cần nói thêm là 8 điều về Chế độ kinh tế trong Hiến pháp (sửa đổi) không chỉ nêu rõ các quyền mà còn hiến định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với tài sản, tài nguyên, các nguồn lực vật chất trong nền kinh tế quốc dân. Cụ thể là: Ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia, quỹ tài chính nhà nước và các nguồn tài chính công khác do Nhà nước thống nhất quản lý và phải được sử dụng hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được dự toán và do luật định. Nhà nước bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền quốc gia. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước.
Hiến pháp hiện hành là nhân tố quan trọng góp phần làm cho quan hệ sản xuất phát huy vai trò mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước và chủ động hội nhập quốc tế.