Thông tư 312/2016/TT-BTC:

Chế độ tài chính đối với bảo hiểm tiền gửi Việt Nam


Ngày 24/11/2016, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 312/2016/TT-BTC quy định chế độ tài chính đối với bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Thông tư quy định chế độ tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được thành lập theo Quyết định 1394/QĐ-TTg năm 2013, gồm 07 Chương, 29 Điều và 01 Phụ lục. Cụ thể gồm các quy định về:

- Quản lý vốn và tài sản;

- Thu nhập, chi phí của Bảo hiểm tiền gửi;

- Chênh lệch thu chi tài chính và trích lập các quỹ;

- Chế độ kế toán, thống kê, kiểm toán và kế hoạch tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam;

Theo đó, chế độ tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được quy định tại Thông tư số 312/2016 có một số đặc điểm như:

+ Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là tổ chức tài chính nhà nước có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, là công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, có tư cách pháp nhân, có con dấu, có tài khoản riêng, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Bảo hiểm tiền gửi phải bảo đảm an toàn vốn và tự bù đắp chi phí.

+ Vốn hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hình thành từ các nguồn: Vốn điều lệ, tiền thu phí bảo hiểm tiền gửi, tiền thu từ hoạt động đầu tư và các nguồn khác.

+ Mọi tổn thất tài sản của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải được lập biên bản.

Người gây tổn thất phải bồi thường theo mức do Hội đồng quản trị quyết định. Tài sản đã mua bảo hiểm được xử lý theo hợp đồng bảo hiểm. Phần còn thiếu sau khi được bồi thường, bảo hiểm, dự phòng rủi ro sẽ được hạch toán vào chi phí.

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải xử lý kịp thời các tổn thất tài sản. Trường hợp tổn thất do nguyên nhân bất khả kháng gây hậu quả nghiêm trọng thì Bảo hiểm tiền gửi phải lập phương án xử lý gửi Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng quyết định.

+ Các khoản chi được hạch toán vào chi phí phải phục vụ hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, có hóa đơn, chứng từ hợp lệ và nằm trong kế hoạch tài chính của Bảo hiểm tiền gửi.

+ Chênh lệch thu chi của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong 01 năm được dùng để bù đắp cho các năm trước và trích vào quỹ đầu tư phát triển, quỹ khen thưởng, bổ sung quỹ dự phòng nghiệp vụ.

+ Bảo hiểm tiền gửi phải gửi báo cáo định kỳ, đột xuất theo quy định.

Thông tư 312 cũng xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam  trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, đại diện chủ sở hữu…

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 10/01/2017 và thay thế Thông tư số 41/2014/TT-BTC ngày 08/4/2014 của Bộ Tài chính.

Mời Quý độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Thông tư số 312/2016/TT-BTC.