Chế độ trợ cấp, phụ cấp, ưu đãi người có công với cách mạng theo quy định mới ra sao?
Có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2021, Nghị định số 75/2021/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 24/7/2021 quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
Nghị định số 75/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 1,624 triệu đồng. Mức chuẩn quy định này làm căn cứ để tính mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng. Các mức quy định theo mức chuẩn tại Nghị định này được điều chỉnh khi mức chuẩn được điều chỉnh.
Mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hằng tháng đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng; đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; đối với thương binh loại B được quy định lần lượt tại các Phụ lục I, II, III ban hành kèm theo Nghị định này. Mức hưởng trợ cấp ưu đãi một lần đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng được quy định tại Phụ lục IV.
Cụ thể, mức hỗ trợ đối với Bà mẹ việt Nam Anh hùng là 4,872 triệu đồng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến là 1,361 triệu đồng; Người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 là 1,679 triệu đồng…
Bên cạnh việc quy định các mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi nêu trên, Nghị định số 75/2021/NĐ-CP còn quy định rõ các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng gồm: Bảo hiểm y tế; Điều dưỡng phục hồi sức khỏe; Hỗ trợ phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết; Hỗ trợ ưu đãi giáo dục tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đến trình độ đại học; Hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sĩ; Hỗ trợ di chuyển hài cốt liệt sĩ; Hỗ trợ công tác mộ liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ; Xác định danh tính hài cốt liệt sĩ; Các chế độ ưu đãi khác (Trợ cấp mai táng; Trợ cấp thờ cúng liệt sĩ; Chi tiền ăn thêm ngày lễ, tết đối với thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên...).
Nghị định số 75/2021/NĐ-CP cũng nêu rõ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn việc tổ chức thực hiện chi trả trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng đảm bảo đúng đối tượng, đầy đủ, kịp thời và phù hợp với quy định hiện hành. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ủy quyền cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương tại địa phương.
Bên cạnh đó, bố trí kinh phí chi quản lý bằng 1,7% tổng kinh phí từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng trong dự toán ngân sách hằng năm (trừ kinh phí hỗ trợ các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công và chi công tác mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ) của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổ chức thực hiện Pháp lệnh. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo quản lý chặt chẽ, minh bạch ngân sách nhà nước thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.