Chế tài mạnh để chặn tiền bẩn
Ở Việt Nam, khi nền kinh tế chuyển đổi sang cơ chế thị trường, cùng với xu thế hội nhập về kinh tế thì tội phạm cũng có chiều hướng gia tăng, với tính chất, mức độ ngày càng tinh vi hơn. Bài viết trên cơ sở đánh giá hoạt động rửa tiền ở nước ta, đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực công tác phòng, chống rửa tiền trong điều kiện nền kinh tế chuyển đổi của Việt Nam.
Tạo vỏ bọc hợp pháp cho đồng tiền bất chính
Chống rửa tiền là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia và các tổ chức quốc tế. Trước vấn nạn rửa tiền xuyên quốc gia ngày càng tinh vi, đồng nghĩa với việc Việt Nam đang phải đương đầu với tội phạm rửa tiền nên hoạt động phòng chống rửa tiền ngày càng trở nên cấp bách. Rửa tiền không chỉ ảnh hưởng xấu đến sự lành mạnh về lưu thông tiền tệ và sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia mà còn gây ra những tác hại khôn lường đến sự phát triển kinh tế - xã hội và an ninh toàn cầu.
Ở Việt Nam, khi nền kinh tế chuyển đổi sang cơ chế thị trường, cùng với xu thế hội nhập về kinh tế thì tội phạm cũng có chiều hướng gia tăng, với tính chất, mức độ ngày càng tinh vi hơn. Các hoạt động buôn bán ma túy, buôn lậu, tham nhũng đã mang lại cho bọn tội phạm một lượng tiền bất chính khổng lồ.
Theo ghi nhận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hoạt động rửa tiền ở nước ta ngày càng phức tạp. Thời gian qua, tội phạm đã lạm dụng các giao dịch chuyển tiền trên mạng, đánh bạc trên mạng để phục vụ cho việc chuyển tiền bất hợp pháp. Tội phạm rửa tiền cũng lợi dụng thẻ ghi nợ, thẻ thanh toán quốc tế, ví điện tử, thẻ trả trước vô danh để thực hiện chuyển tiền phi pháp qua biên giới. Đây là những sản phẩm tiện ích trong ngành ngân hàng nhưng đang bị các tổ chức tội phạm lợi dụng để thực hiện hành vi rửa tiền.
Hoạt động rửa tiền là hành vi hợp thức hoá những khoản tiền thu được từ hoạt động tội phạm. Mục đích của hoạt động rửa tiền là tạo ra một khoảng cách xa nhất giữa tài sản bất hợp pháp và chủ sở hữu những tài sản đó. Hình thức biểu hiện lợi nhuận có được ban đầu thông thường là “ tiền”, nhưng sau các giai đoạn chuyển đổi để hợp pháp hoá “tiền” đã có các hình thức biểu hiện khác như: Ngân phiếu, thẻ tín dụng, bất động sản... Nhìn chung các hình thức biểu hiện lợi nhuận của hoạt động rửa tiền bao gồm những lợi ích kinh tế của hoạt động rửa tiền mang lại được quy là “sản phẩm của tội phạm” (Theo Công ước Strasbong 1990 của Hội đồng Châu Âu).
Đối tượng hoạt động rửa tiền bao gồm những cá nhân và pháp nhân tham gia vào quá trình “rửa tiền” với mong muốn hợp pháp hoá tiền và tài sản có được từ hoạt động tội phạm và sử dụng tài sản đó. Chủ sở hữu những khoản tiền cần tẩy rửa bao gồm những cá nhân và tổ chức đã thực hiện các hành vi tội phạm về ma tuý, tài chính, tham nhũng, lừa đảo, mại dâm, buôn bán vũ khí...
Để có được vỏ bọc hợp pháp cho đồng tiền bất chính, bọn tội phạm phải trải qua một quá trình chuyển đổi và đưa vào lưu thông trong đời sống kinh tế xã hội mà không gây ra sự nghi ngờ cho cơ quan thực thi pháp luật hoặc không làm lộ tội phạm gốc. Hoạt động rửa tiền thường được tiến hành qua ba giai đoạn, mỗi giai đoạn có thể có tên gọi khác nhau nhưng nội dung tương đối thống nhất. Theo đó, ở giai đoạn thứ nhất - “gửi tiền”: đây là bước đầu tiên của quá trình tẩy rửa, nhằm chuyển tiền từ thu lợi bất chính sang nơi khác, che dấu nguồn gốc xuất xứ, thay đổi hình thái tồn tại của “tiền bẩn” để đi vào hệ thống tài chính, ngân hàng.
Trong giai đoạn thứ hai - “trộn lẫn”: đây là giai đoạn bước đầu cắt đứt mối quan hệ với tội phạm gốc thông qua các thao tác nghiệp vụ tài chính, kế toán để che dấu nguồn gốc tài sản. Trong giai đoạn này vai trò của các chuyên gia tài chính, tổ chức tín dụng rất quan trọng, bọn tội phạm có thể tiến hành phạm tội dễ dàng hay không phụ thuộc rất nhiều vào những nhân tố này. Trong giai đoạn thứ ba - “đầu tư hợp pháp”: sau một quá trình tẩy rửa, đồng tiền trở về với bọn tội phạm với vỏ bọc hợp pháp, chúng có thể đầu tư vào các hoạt động kinh doanh thương mại, trộn lẫn “tiền bẩn” “tiền sạch” để tiếp tục một chu trình khác và khép lại chu trình trước.
Làm gì để tăng cường công tác công tác phòng, chống rửa tiền?
Một số nghiên cứu cho thấy, Việt Nam hiện nay đã tránh được nguy cơ bị Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế FATF đưa vào Danh sách những quốc gia có rủi ro về rửa tiền và tài trợ cho khủng bố gây bất ổn cho hệ thống tài chính Quốc tế. Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của của cơ quan này, Việt Nam vẫn thuộc danh sách các quốc gia có thiếu hụt về cơ chế chống rửa tiền, chống khủng bố. Nếu không có những cải thiện kịp thời về chính sách trong quá trình rà soát của FATF, không loại trừ khả năng Việt Nam sẽ trở thành đối tượng bị áp dụng biện pháp đối kháng từ các quốc gia thành viên của FATF.
Để Luật Phòng, chống rửa tiền thực sự phát huy tác dụng, đòi hỏi các luật, các thông tư, hướng dẫn, các quy định có liên quan phải chặt chẽ, nhất quán; Các cơ quan chức năng phải thực hiện nghiêm luật, và trên hết, các nhân viên trong tất cả các tổ chức tài chính, pháp luật phải nắm rõ, hiểu đúng tính chất nghiêm trọng của tội phạm rửa tiền, tài trợ khủng bố… từ đó nhanh nhạy phát hiện những giao dịch tinh vi, những dấu hiệu tội phạm và báo cáo kịp thời để cơ quan chức năng xử lý, ngăn chặn.
Để nâng cao hiệu quả của hoạt động công tác PCRT, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp cụ thể sau:
Thứ nhất, khẩn trương bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Theo đó, đối với pháp luật hình sự, cần quy định rửa tiền là tội phạm riêng để nâng cao hiệu quả áp dụng trong quá trình phòng chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia nói chung và phòng chống rửa tiền nói riêng. Bên cạnh đó cần xây dựng các quy định về biện pháp tịch thu tiền và tài sản do phạm tội mà có. Về pháp luật tài chính ngân hàng: nội dung của hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này đã đáp ứng được yêu cầu trong việc phòng chống rửa tiền thông qua tổ chức tín dụng, ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền liên quan cần ban hành các văn bản quy định một cách chặt chẽ về sử dụng ngoại tệ trong giao dịch và thanh toán.
Bên cạnh những văn bản pháp luật đóng vai trò chủ đạo trên, cần sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện văn bản pháp luật liên quan mang tính chất bổ trợ như: Luật Quản lí thuế, Luật Thuế tài sản, pháp luật về đăng ký giao dịch,… cần đưa ra những quy định hợp lí góp phần kiểm soát thu nhập và tài sản của cá nhân, tránh hiện tượng cá nhân có tài sản tăng lên một cách bất hợp pháp nhưng không được kiểm sóat và không chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Thứ hai, tăng cường xây dựng cơ chế quản lí nhà nước chặt chẽ. Xây dựng các cơ chế kiểm soát khách hàng và các giao dịch thông qua tổ chức tín dụng đóng vai trò quan trọng. Hoạt động kiểm soát này liên quan đến việc nhận biết khách hàng, thu thập và kiểm soát thông tin về khách hàng. Các giao dịch liên quan đến động sản và tài sản có giá trị lớn: những tài sản mà Nhà nước quy định phải đăng kí quyền sở hữu, trong qúa trình sử dụng, chuyển nhượng cần phải khai báo với cơ quan nhà nước, thanh toán qua tổ chức tín dụng. Quan tâm xây dựng các chính sách thuế với thuế suất hợp lí mà đối tượng đánh thuế là tài sản để kiểm soát được thực trạng và chủ sở hữu của tài sản này, đồng thời có biện pháp xử phạt thích đáng cho các cá nhân tổ chức tiến hành các giao dịch ngầm. Hoạt động tẩy rửa tiền cũng liên quan đến hải quan, thuế vụ, do đó cũng cần xây dựng cơ chế kiểm soát, quản lí nhà nước trong lĩnh vực này một cách chặt chẽ và có hiệu quả. Xây dựng cơ quan phòng chống rửa tiền trong các cơ quan hải quan, thuế vụ và trong hệ thống ngân hàng.
Thứ ba, đẩy mạnh hơn nữa hợp tác quốc tế trong phòng chống hoạt động rửa tiền. Hợp tác quốc tế về phòng chống tội phạm rửa tiền thể hiện trước hết ở việc tham gia, kí kết các điều ước quốc tế là những văn bản pháp lí có hiệu lực chung giữa các quốc gia thành viên. Từ đó, hợp tác trên những lĩnh vực cụ thể như trao đổi thông tin, dẫn độ tội phạm, tịch thu tài sản, xây dựng đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất… Thông qua việc trao đổi này, cơ quan điều tra của các quốc gia liên quan giúp nhau phát hiện và và hòan thiện hồ sơ để xử lí các băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia.
Thứ tư, các biện pháp liên quan đến cán bộ, công chức. Đối với người có chức vụ, quyền hạn có khả năng thực hiện các hành vi tham nhũng - một trong những tội phạm nguồn quan trọng liên quan đến hoạt động rửa tiền - cần có cơ chế quản lí chặt chẽ. Quy định và hướng dẫn cụ thể về việc công khai, minh bạch tài sản của các đối tượng này, thực hiện chế độ thanh tra, kiểm tra chặt chẽ đối với việc sử dụng tài sản Nhà nước. Chống rửa tiền đang và sẽ ngày càng trở thành công cụ quan trọng để chống tham nhũng và nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Theo đó, các biện pháp chống rửa tiền có nguồn gốc tham nhũng phải thực hiện đồng bộ. Cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống thuế, thanh toán qua ngân hàng, hệ thống kê khai tài sản toàn diện và được giám sát chặt chẽ; bổ sung những quy định mới về nhận quà biếu có giá trị lớn; về nghĩa vụ chứng minh, quyền và căn cứ xác minh tài sản, thu nhập và xử lý tài sản không minh bạch, không rõ nguồn gốc; và tăng cường vai trò giám sát của xã hội đối với việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; phát triển tình báo và thanh tra tài chính trong việc xác định, phong tỏa và thu hồi tài sản do tham nhũng mà có.