Chỉ có 12% các mục tiêu phát triển bền vững đang đi đúng hướng

Hoàng Minh

Trong tiến trình hướng tới 17 mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình Nghị sự 2030 của các quốc gia trên thế giới, đến nay, chỉ 12% các mục tiêu đi đúng hướng.

Toàn cảnh Hội thảo Khoa học sinh viên với chủ đề “Phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh mới”.
Toàn cảnh Hội thảo Khoa học sinh viên với chủ đề “Phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh mới”.

Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững được đưa ra vào năm 2015 đã thúc đẩy hành động của các quốc gia trên thế giới trong những năm qua nhằm đạt được 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Mặc dù thế giới đã đi được một nửa chặng đường trong hành trình đạt được các mục tiêu Phát triển bền vững vào năm 2030 nhưng hiện mới chỉ có 12% các mục tiêu phát triển bền vững đang đi đúng hướng.

Trong những năm qua, Việt Nam đã tích cực triển khai và thực hiện khá thành công một số nhiệm vụ để hướng tới phát triển kinh tế bền vững. Tuy nhiên, những thành tựu và tiến bộ đã đạt được chưa tương xứng với tiềm năng. Xuất phát từ thực tế nêu trên, nhằm có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn giúp cho việc đề xuất và thực thi các giải pháp phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh mới, đồng thời, tạo ra một diễn đàn học thuật, trao đổi kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm dành cho sinh viên, các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học, ngày 28/8, Viện Đào tạo Quốc tế (Học viện Tài chính) đã tổ chức Hội thảo Khoa học sinh viên với chủ đề “Phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh mới”.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Trịnh Thanh Huyền - Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế (Học viện Tài chính) cho biết, đây là sự kiện thường niên được tổ chức lần thứ 3, với mục đích cung cấp một cái nhìn tổng quan về phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam. Hội thảo năm nay đã thu hút sự quan tâm và tham gia viết bài của các sinh viên đang theo học tại các trường đại học lớn, cả ở TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Trải qua các vòng phản biện, 37 bài viết của 149 sinh viên đến từ 7 cơ sở đào tạo lớn là Viện Đào tạo quốc tế (Học viện Tài chính); Học viện Ngân hàng, Trường Đại học Thương mại, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Luật và Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh đã chính thức được duyệt đăng trong kỷ yếu. Các bài viết này đều có hàm lượng thông tin phong phú tập trung vào các chủ đề: Thị trường tài chính bền vững; Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và phát triển bền vững; Yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG); Công nghệ tài chính và chuyển đổi số thúc đẩy tăng trưởng bền vững; Ảnh hưởng của các vấn đề rủi ro đạo đức tới sự ổn định tài chính dài hạn; Kinh doanh bền vững.

Bài viết xuất sắc nhất trong 04 nhóm tác giả tham gia trình bày trực tiếp tại Hội thảo được trao chứng nhận “Best Paper”.

Tham gia phát biểu và chia sẻ tại Hội thảo với tham luận "Phát triển tài chính xanh và vai trò của các ngân hàng thương mại Việt Nam", ThS. Trần Ngọc Mai - Ban Chiến lược Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) cho biết, các ngân hàng đang tích cực xây dựng khung phát triển bền vững. Trong đó, ngân hàng đã làm việc với đối tác quốc tế hoàn thiện khung ESG tập trung vào các giải pháp tài chính xanh, đồng hành cùng với khách hàng doanh nghiệp. Trong quá trình triển khai, ngân hàng rất cần sự đồng hành của các khách hàng, phối hợp của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức quốc tế, các ngân hàng tài trợ để có thêm nguồn lực đầu tư cho phát triển bền vững.

Đánh giá cao ý nghĩa của Hội thảo, bà Trần Ngọc Mai cho rằng, Hội thảo là diễn đàn hữu ích để các sinh viên, giảng viên, nhà khoa học, các chuyên gia và những đại biểu tham dự trao đổi, chia sẻ, phản biện những vấn đề hữu ích để thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững trong thời gian tới.