Chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam đã điều chỉnh đúng thực tế
Trên cơ sở báo cáo của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính đã 3 lần điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam theo đúng thực tế chi phí phát sinh. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, vấn đề cốt lõi hiện nay là vận hành ổn định nguồn cung xăng dầu cũng như tổ chức sắp xếp lại hệ thống kinh doanh xăng, dầu.
Điều chỉnh 3 lần chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam
Theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, các khoản chi phí định mức hiện nay được tổng hợp rà soát theo 2 phần gồm: Chi phí tạo nguồn phát sinh trong khâu nhập mua xăng dầu về đến cảng biển đầu mối (chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng, premium trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về cảng); Chi phí phát sinh trong khâu lưu thông xăng dầu phát sinh từ kho xăng dầu đầu mối tới các kho trung gian và tới tận cửa hàng xăng dầu cuối cùng (chi phí kinh doanh định mức).
Trong thời gian qua, việc rà soát, điều chỉnh các khoản chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu đã được Bộ Tài chính chủ động thực hiện tổng hợp, rà soát và thông báo điều chỉnh theo đúng quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP. Đối với các khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, premium trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng được tổng hợp rà soát điều chỉnh 2 lần/ năm. Khoản chi phí kinh doanh định mức được tổng hợp rà soát điều chỉnh định kỳ 1 lần/năm.
Nguyên tắc rà soát đánh giá điều chỉnh theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Thông tư số 104/2021/TT-BTC căn cứ trên báo cáo các chi phí thực tế phát sinh hợp lý, hợp lệ của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong kỳ báo cáo và kết quả khảo sát đánh giá thực tế tại đơn vị.
Năm 2022, các khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (điều chỉnh 3 lần), premium trong nước (điều chỉnh 2 lần), chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng (điều chỉnh 2 lần) và chi phí kinh doanh định mức (thông báo điều chỉnh 1 lần) đã được rà soát tổng hợp điều chỉnh theo đúng thực tế phát sinh và công bố điều chỉnh theo đúng quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Thông tư số 104/2021/TT-BTC.
Trước tình hình địa chính trị thế giới diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu trên thế giới tác động tới chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam có phát sinh tăng cao đột biến thời gian gần đây. Ngay sau thời kỳ công bố điều chỉnh định kỳ vào ngày 1/7/2022, khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam đã tiếp tục được Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương kịp thời điều chỉnh trong trường hợp có biến động bất thường vào ngày 8/11/2022 cho phù hợp với thực tế phát sinh trong trường hợp bất thường theo đúng quy định.
Như vậy, Bộ Tài chính đã điều chỉnh 3 lần chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam trong năm 2022 (lần 1 vào 10/1/2022; lần 2 vào 10/7/2022 và mới đây nhất là 8/11/2022). Ngày 8/11, trên cơ sở kiến nghị của Bộ Công Thương, kết quả tổng hợp báo cáo chi phí kinh doanh xăng dầu của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, sau khi lấy ý kiến của Bộ Công Thương và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính thông báo chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam để tính giá cơ sở xăng dầu (đối với nguồn xăng dầu nhập khẩu) tăng 28% - 83%, tương ứng với 160 - 660 đồng/lít, kg, so với hiện hành.
Theo đó, xăng nền để phối trộn xăng E5RON92 tăng lên 640 đồng/lít; Xăng RON95 là 1.280 đồng/lít; Dầu diesel 0,05S: 730 đồng/lít; Dầu hỏa có mức tăng cao nhất lên 1.740 đồng/lít. Đối với mặt hàng dầu madut không điều chỉnh do không có biến động bất thường (giữ nguyên mức 1.290 đồng/lít theo thông báo đã điều chỉnh từ kỳ ngày 1/7/2022).
Rà soát, đánh giá trên nhiều căn cứ
Kết quả tính toán và thông báo điều chỉnh của Bộ Tài chính được căn cứ trên cơ sở từ số liệu báo cáo chi tiết các chi phí thực tế phát sinh (premium, bảo hiểm, vận chuyển, chi phí khác nếu có) chi tiết từng lô xăng dầu nhập khẩu của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu từ ngày 1/6/2022 đến sát thời điểm tổng hợp báo cáo là ngày 20/10/2022 (Bộ Tài chính nhận được báo cáo của 28 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; trong đó chỉ có 12 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có số liệu xăng dầu nhập khẩu).
Bên cạnh đó, khoản chi phí định mức này được tính bình quân theo sản lượng nhập khẩu của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Kết quả tính toán của Bộ Tài chính đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ theo đúng số liệu báo cáo của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, kết quả khảo sát chọn mẫu các hồ sơ chứng từ hợp lý, hợp lệ.
Chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam có biến động, đã được Bộ Tài chính điều chỉnh cập nhật theo đề xuất của các doanh nghiệp và Bộ Công Thương. Còn premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng, khoản chi phí này diễn biến tăng nhẹ hoặc giảm đan xen tùy từng mặt hàng.
Căn cứ mức tăng cho thấy, chưa có đột biến như khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, vì vậy chưa xem xét điều chính khoản chi phí này trong trường hợp bất thường. Mặt khác, khoản chi phí này mới được điều chỉnh tăng ngày 7/10/2022 trong khi theo quy định sẽ được rà soát, đánh giá theo định kỳ vào cuối năm 2022 và thông báo áp dụng từ ngày 10/1/2023.
Đối với chi phí kinh doanh xăng dầu phát sinh trong khâu lưu thông xăng dầu trong nước, theo quy định hiện hành, trước ngày 31/3 hàng năm, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm gửi báo cáo kiểm toán chuyên đề về chi phí kinh doanh xăng dầu gửi về Bộ Tài chính, Bộ Công Thương. Trên cơ sở báo cáo kiểm toán chuyên đề về kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện tổng hợp rà soát đánh giá và thông báo điều chỉnh từ ngày 1/7 hàng năm.
Theo quy định trên thì việc rà soát, đánh giá theo báo cáo kiểm toán chi phí kinh doanh của doanh nghiệp và phản ánh theo thực tế phát sinh tại từng khâu trong hệ thống. Trên thực tế, do tính chất của khoản chi phí này phụ thuộc vào khâu tổ chức vận hành của cả hệ thống từ công ty mẹ đến các đơn vị trực thuộc và một số tác động từ chính sách (lương, tiền thuê đất, tỷ giá...) nên phải sau khi năm tài chính kết thúc mới phản ánh được đầy đủ và mới có đủ cơ sở để rà soát đánh giá diễn biến.
Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của 28 thương nhân đầu mối cho thấy, khoản chi phí kinh doanh phát sinh trong khâu lưu thông xăng dầu này chưa có biến động bất thường. Theo đó, khoản chi phí này chưa tác động ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị.
Như vậy, căn cứ trên báo cáo của các thương nhân đầu mối, Bộ Tài chính đã tổng hợp và kịp thời điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam theo đúng thực tế báo cáo chi phí phát sinh bất thường thời gian gần đây của tất cả các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện báo cáo.
Đối với các khoản chi phí premium trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng, chi phí kinh doanh xăng dầu phát sinh trong khâu lưu thông xăng dầu trong nước không có đột biến bất thường trong thời gian gần đây nên sẽ được tiếp tục theo dõi đánh giá rà soát điều chỉnh theo quy định trong thời gian tới.
Cần đảm bảo nguồn cung, sắp xếp lại hệ thống kinh doanh xăng, dầu
Theo các chuyên gia kinh tế, việc tăng chi phí kinh doanh định mức trong giá cơ sở sẽ tác động làm tăng giá xăng dầu trong nước và ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Do đó, việc điều chỉnh chi phí này phải được xem xét thận trọng, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên gắn với kiểm soát lạm phát.
Chia sẻ với Tạp chí Tài chính, Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Quốc Phương cho rằng, việc nâng chi phí định mức giải pháp tạm thời không phải là giải pháp căn cơ lâu dài. Mức nâng chi phí định mức cũng không thể nâng được nhiều vì sẽ ảnh hưởng đến giá xăng dầu, ảnh hưởng đến người dân, xã hội, ảnh hưởng đến lạm phát. Về lâu dài, cần chuyển sang cơ chế thị trường để xăng dầu cơ bản vận hành theo thị trường như những mặt hàng khác.
Một yếu tố quan trọng khác được nhiều chuyên gia nhắc đến để đảm bảo hoạt động kinh doanh xăng dầu hiệu quả đó là tránh thiếu hụt nguồn cung và quản lý hiệu quả hệ thống đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội gần đây, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội - cho rằng, nếu như xăng dầu chỉ đứt gãy cục bộ, gián đoạn trong thời gian nhất định, ở địa bàn nhất định còn nguồn cung vẫn dồi dào thì không quá lo, nhưng ở đây, sự đứt gãy lan ra diện rộng.
Cho rằng trách nhiệm chính trong vấn đề quản lý Nhà nước về xăng dầu là của Bộ Công Thương, Đại biểu đề nghị cần có sự điều tra, đánh giá lại một cách tổng thể, để xác định số liệu báo cáo nguồn cung xăng dầu có sai lệnh với diễn biến, nhu cầu thực tế của thị trường. Nếu có sai lệch thì phải áp dụng nhiều biện pháp kinh tế để đảm bảo nguồn cung.
Tại phiên họp của Quốc hội mới đây, Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cũng đề nghị Bộ Công Thương xem xét về việc cấp các loại giấy phép trong thời gian qua. Đại biểu cho rằng, Bộ Công Thương đã cấp phép quá nhiều đầu mối nhập khẩu xăng dầu dẫn đến hệ lụy khó quản lý.
Trao đổi với Tạp chí Tài chính về vấn đề này, Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, cần lưu ý nhất là tổ chức sắp xếp lại hệ thống kinh doanh xăng, dầu để đảm bảo định hướng phát triển thị trường kinh doanh xăng, dầu cạnh tranh; hệ thống đó phải đảm bảo nhiệm vụ về an ninh an toàn năng lượng và phải vận hành ổn định, có lợi nhuận kể cả khi giá xăng, dầu biến động theo chiều hướng tăng hay giảm.