Ninh Bình: Thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh sản xuất công nghiệp

Theo Diệu Anh/laodong,vn

Trong 6 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh Ninh Bình tăng 1,08%, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh Ninh Bình ước đạt gần 48.000 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh Ninh Bình tăng 1,08%.
Trong 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh Ninh Bình tăng 1,08%.

Theo số liệu của Sở Công Thương Ninh Bình, trong 6 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tỉnh này tăng 1,08%. Giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ước đạt gần 48.000 tỷ đồng, tăng 4,0% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 43,9% kế hoạch năm.

Trong đó, ngành khai khoáng ước đạt 278,2 tỷ đồng, giảm 7,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 47.138,5 tỷ đồng, tăng 4,2%; sản xuất và phân phối điện đạt 484,6 tỷ đồng, giảm 5,8%; cung cấp nước và hoạt động quản lý, xử lý rác thải, nước thải đạt 78,1 tỷ đồng, giảm 0,7%.

Các sản phẩm công nghiệp có mức tăng khá như: quần áo các loại 50,7 triệu cái, tăng 23,3%; giày, dép các loại 24,5 triệu đôi, tăng 10,8%; găng tay 2,5 triệu đôi, tăng 8,1%; phân lân nung chảy 84,6 nghìn tấn, tăng 28,8%; kính nổi 201,5 nghìn tấn, tăng 5,1%; modul camera 179,1 triệu cái, tăng 57%; xe ôtô chở hàng hóa 4,9 nghìn chiếc, tăng 26,8%...

Tuy nhiên, một số sản phẩm có mức sản xuất giảm sút như: đá các loại 1,6 triệu m3, giảm 6,8%; phân ure 197,1 nghìn tấn, giảm 17,2%; phân NPK 53,2 nghìn tấn, giảm 19,0%; ximăng 3,9 triệu tấn, giảm 1,5%; clinker 1,4 triệu tấn, giảm 5,8%; linh kiện điện tử 62,5 triệu cái, giảm 7,4%; xe ôtô từ 5 chỗ ngồi trở lên 21,8 nghìn chiếc, giảm 35,8%; cần gạt nước ô tô 5,5 triệu cái, giảm 13,5%; điện sản xuất 270,0 triệu kWh, giảm 23,1%...

Ông Hoàng Trung Kiên - Giám đốc Sở Công Thương Ninh Bình cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, của tỉnh ủy và UBND tỉnh Ninh Bình, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách của Chính phủ trong điều hành kinh tế, nhất là những cơ chế, chính sách liên quan đến doanh nghiệp.

Đặc biệt là việc hoàn thành xây dựng Đề án “Cơ cấu lại ngành công nghiệp tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”. Đồng thời, khảo sát, nắm bắt tình hình đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của các chủ đầu tư hạ tầng và các doanh nghiệp thứ cấp trong các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao chất lượng thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Chú trọng đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn tại cơ sở nhằm đẩy nhanh tiến độ phục hồi hoạt động sản xuất công nghiệp...