“Chìa khóa” đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
Tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 diễn ra chiều 3/3, chia sẻ về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 92,97% so với kế hoạch. Hai tháng đầu năm 2023, trách nhiệm nặng nề hơn khi đã giao cho các bộ, ngành địa phương tổng số trên 700 nghìn tỷ đồng, tăng 140 nghìn tỷ đồng so với năm 2022...
Thông tin với báo chí về các giải pháp để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biêt, giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong những năm vừa qua.
Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 nghị quyết chuyên đề, 5 công điện, 1 chỉ thị và thành lập 6 tổ công tác để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Các Tổ trưởng Tổ công tác là Phó Thủ tướng và Bộ trưởng.
Với những giải pháp quyết liệt được triển khai, năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 92,97% so với kế hoạch. Hai tháng đầu năm 2023, trách nhiệm nặng nề hơn khi đã giao cho các bộ, ngành địa phương tổng số trên 700 nghìn tỷ đồng, tăng 140 nghìn tỷ đồng so với năm 2022 và tăng 260 nghìn tỷ đồng so với năm 2021.
“Với chỉ tiêu này, ngay từ đầu năm, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, trong đó tổ chức Hội nghị toàn quốc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, ngay từ mùng 4 Tết, Thủ tướng đã đi rất nhiều địa phương để thúc đẩy giải ngân, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại các công trình trọng điểm quốc gia”, Thứ trưởng Trần Duy Đông chia sẻ.
Tuy nhiên, để hoàn thành chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, từ kinh nghiệm của năm 2022 có thể rút ra một số bài học.
Theo đó, cần thực hiện hiệu quả 6 Tổ công tác do Thủ tướng Chính phủ thành lập để đôn đốc các bộ, ngành, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; Chuẩn bị tốt các dự án đầu tư từ khâu phê duyệt, lựa chọn, để khi có vốn giao thì giải ngân được ngay; Tập trung giải quyết các khó khăn liên quan đến thể chế (nếu có) về công tác giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh các giải pháp trên, cần đôn đốc các nhà thầu bố trí đủ nhân lực, nhân công để đảm bảo tiến độ; tập trung giải quyết vướng mắc liên quan đến vốn ODA...
“Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, Tổ công tác… chúng ta sẽ nỗ lực để cố gắng giải ngân cao nhất số vốn 700 nghìn tỷ đồng. Chúng tôi tin tưởng sẽ làm được. Đây là nỗ lực rất lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế và hỗ trợ các ngành kinh tế khác”, Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định.