Quảng Bình tìm cách gỡ khó để nâng tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công
Tháng 1/2023 do nghỉ Tết dài ngày nên tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 2023 của tỉnh Quảng Bình chỉ đạt 4,3% kế hoạch vốn cả năm.
Năm 2023, tổng vốn đầu tư công của tỉnh Quảng Bình được Thủ tướng Chính phủ giao hơn 5.500 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương 3.378 tỷ đồng và vốn ngân sách Trung ương 2.113 tỷ đồng.
UBND tỉnh Quảng Bình đã phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 với tổng số vốn hơn 6.000 tỷ đồng, cao hơn kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao 574 tỷ đồng.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tháng 1/2023 do nghỉ Tết dài ngày và thời gian thanh toán vốn tháng 13 năm ngân sách 2022 nên tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 2023 đạt thấp, chỉ hơn 266 tỷ đồng, đạt 4,3% kế hoạch vốn cả năm.
Trong khi đó, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của Quảng Bình cũng chưa đạt kế hoạch đề ra dẫn đến số vốn đề xuất kéo dài kế hoạch vốn năm 2022 sang năm 2023 hơn 1.300 tỷ đồng, chiếm 17% tổng vốn tỉnh triển khai.
Ngoài ra, còn một số dự án ODA đề xuất hủy dự toán để bố trí lại vốn (hơn 400 tỷ đồng) chứ không đề xuất kéo dài tiến độ giải ngân.
Khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công chậm ở Quảng Bình được các đại biểu là lãnh đạo các ngành, địa phương trong tỉnh nêu ra, đó là, do giá vật liệu tăng dẫn đến tăng chi phí sản xuất, vận chuyển hàng hóa ảnh hưởng đến việc thực hiện các hợp đồng xây dựng, nhất là các hợp đồng theo đơn giá cố định, hợp đồng trọn gói, dẫn đến tình trạng tại một số gói thầu, dự án có hiện tượng nhà thầu thi công cầm chừng. Cá biệt có trường hợp dừng thi công.
Mặt khác, công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập như, đơn giá bồi thường chưa sát với thực tế, phương án và dự toán bồi thường không đồng nhất giữa dự án đầu tư công và các dự án nhà đầu tư tự thỏa thuận.
Ngoài ra, một số dự án phải thực hiện các thủ tục liên quan ở các bộ, ngành Trung ương mất nhiều thời gian, dẫn đến chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư, ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai thực hiện; năng lực của một số chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu xây lắp còn hạn chế…
Có thể nói, là một địa phương còn nhiều khó khăn như Quảng Bình, việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công chậm đã ảnh hưởng đến việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm, thu nhập cho người lao động, bù đắp cho ngành bị ảnh hưởng bởi tác động do khó khăn của kinh tế thế giới.
Xác định đầu tư công là trụ cột bảo đảm tăng trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng đặc biệt đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa phương, chủ đầu tư và thành viên tổ công tác đặc biệt về giải ngân vốn đầu tư công trong triển khai quyết liệt các giải pháp tăng tỷ lệ nguồn vốn đầu tư công gắn với khối lượng hoàn thành và nâng cao chất lượng công trình, dự án.
UBND cấp huyện phối hợp giải quyết công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư kịp thời, đúng quy định cho người dân. Các sở, đơn vị, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết về tiến độ thực hiện, nghiệm thu và giải ngân cho từng công việc của từng dự án theo tiến độ hàng ngày, hàng tuần một cách hiệu quả.