"Chìa khoá" để doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng


Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư để kích thích sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, kết nối doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu là các giải pháp cấp bách.

Tăng trưởng quý I/2023 của Việt Nam chỉ ước đạt 3,32%, thấp hơn 1,72 điểm phần trăm so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2022 là 5,05%).
Tăng trưởng quý I/2023 của Việt Nam chỉ ước đạt 3,32%, thấp hơn 1,72 điểm phần trăm so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2022 là 5,05%).

Cùng với xu hướng sụt giảm của kinh tế toàn cầu, tăng trưởng quý I/2023 của Việt Nam chỉ ước đạt 3,32%, thấp hơn 1,72 điểm phần trăm so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2022 là 5,05%), thấp hơn 2,28 điểm phần trăm so với kịch bản của Nghị quyết số 01/NQ-CP (5,6%) và chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020 trong giai đoạn 2011-2023. 

Triển vọng phục hồi từ quý III

Theo đó, tăng trưởng chủ yếu nằm ở khu vực dịch vụ và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, trong khi khu vực công nghiệp vốn luôn là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế lại suy giảm. Đáng lưu ý, sự suy giảm này được dự báo sẽ kéo đến hết quý II/2023 mới trở lại phục hồi.

Đánh giá về vấn đề này, ông John Rockhold - Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) Việt Nam, trong quý I vừa qua, kinh tế Việt Nam đối mặt với vô vàn thách thức như lạm phát gia tăng, đơn hàng từ các đối tác lớn của Việt Nam như châu Âu, Trung Quốc, Hoa Kỳ suy giảm. Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2023 dự báo đạt mức 6,5%, thấp hơn so với GDP năm 2022.

Đồng quan điểm, TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân quý I/2023 kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn là do kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn, lạm phát toàn cầu tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao.

Bên cạnh đó sự phục hồi chậm và suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn... đã ảnh hưởng mạnh đến hoạt động sản xuất cũng như xuất khẩu của nước ta. Kết quả này đã khiến cho GDP quý I tăng thấp (tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020 trong giai đoạn 2011-2023), khá áp lực để đạt mục tiêu tăng trưởng cho cả năm 2023.

Đáng lưu ý, TS. Đinh Thế Hiển nhận định, với những khó khăn trên, mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 6,5% trong năm 2023 sẽ là một thách thức đối với nền kinh tế trong nước. Vì thế, để thực hiện mục tiêu này, rất cần nỗ lực lớn từ Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.

Kết nối, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp

Do đó, vị chuyên gia đề xuất Chính phủ theo dõi sát diễn biến của kinh tế thế giới, đặc biệt chính sách của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản…, bởi những nền kinh tế này ảnh hưởng rất lớn tới thương mại với Việt Nam, từ đó đưa ra dự báo sát nhất. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, khai thác hiệu quả các thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.

"Tôi cho rằng khả năng phải từ quý III/2023 thì nền kinh tế mới phục hồi để tạo cơ sở cho xuất khẩu của Việt Nam tăng. Như vậy trong quý II này, chúng ta cần tập trung nguồn lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam", TS. Đinh Thế Hiển nói.

Thứ hai, Chính phủ cần thực hiện có hiệu quả các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo đúng mục tiêu, kế hoạch đề ra; trong đó tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công thông qua các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm. Việc tập trung giải ngân đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân chính là để kích thích sản xuất phát triển.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng được tiếp cận vốn, kết nối doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu. Đặc biệt cần tập trung đấy mạnh phát triển kinh tế du lịch.

TS Hiển chia sẻ: "Chúng ta chính thức mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19 vào tháng 3/2022, nhưng đến nay ngành du lịch của chúng ta đang thua rất xa Thái Lan. Vậy ở đây chính sách về thu hút du lịch của chúng ta đang có vấn đề cần sửa đổi. Phải chăng sự kết nối giữa chính sách kinh tế và chính sách du lịch còn rời rạc. Chúng ta nên hiểu rằng, nguồn tiền thu từ du lịch là nguồn tiền "tươi", tiền mặt. Dòng tiền này sẽ trực tiếp giúp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh dịch vụ của chúng ta".

Thứ ba, Chính phủ và các bộ, ngành cần đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa ngành hàng để giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường/ngành hàng truyển thống, cụ thể các thị trường Bắc Âu, Đông Âu, Mỹ Latin...

Thứ tư, Chính phủ cần có dòng tiền đẩy mạnh vào tiêu dùng nội địa. Dòng tiền này cần phải đưa vào đúng đối tượng lao động bằng các hình thức hỗ trợ bởi khi người lao động có tiền để tiêu sẽ giúp đẩy mạnh sức mua trong nước, từ đó nâng cao cầu nội địa.

"Đây là những giải pháp cần thiết, trước mắt và ngắn hạn. Nếu như chúng ta giải quyết được những khó khăn này thì nền kinh tế sẽ có cơ sở đưa tăng trưởng GDP trở lại như mục tiêu mà chúng ta mong muốn", TS. Đinh Thế Hiển nói.

Cũng bày tỏ hy vọng rằng trong nửa sau của năm 2023, nền kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục, ông John Rockhold đề xuất việc Chính phủ tập trung vào thực hiện dự án cơ sở hạ tầng, bao gồm nâng cấp hạ tầng tại các cầu cảng, đường bộ và tăng nguồn cung năng lượng. Điều này sẽ thu hút rất nhiều vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhằm thu hút thêm nguồn vốn FDI trong thời gian tới, ông John Rockhold cho rằng một điều quan trọng hơn nữa là chính quyền cấp tỉnh cần phải hiểu rõ các nhà đầu tư nước ngoài cần gì và mong muốn những gì, đặc biệt là nhu cầu về nguồn năng lượng xanh và sạch.

Theo ông John Rockhold, Việt Nam cần phát triển các khu kinh tế và khu công nghiệp xanh, xử lý rác thải hướng đến nền kinh tế xanh tuần hoàn và xây dựng các tòa nhà xanh. Thực tế cho thấy, Chính phủ Việt Nam hành động nhanh chóng và quyết liệt, cho phép các khu kinh tế và khu công nghiệp này thiết lập các chương trình năng lượng tái tạo và năng lượng xanh của riêng mình để thu hút được nguồn vốn FDI mới.

Bên cạnh phát triển năng lượng xanh, Việt Nam cần chú trọng tới đào tạo lực lượng lao động với những kỹ năng xanh trong các lĩnh vực năng lượng mặt trời, năng lượng gió và pin năng lượng.

"Vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp, trong đó có dự án điện IPP (dự án nguồn điện độc lập). Điều này tạo ra sự khác biệt lớn và đây hoàn toàn là chính sách và quy định đúng đắn giúp thu hút nhiều đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện vào Việt Nam", Chủ tịch AmCham nhấn mạnh.

Theo Thy Hằng/Diendandoanhnghiep.vn