Đẩy mạnh chế biến nông sản để tăng sức cạnh tranh


Ngành nông nghiệp tỉnh Long An có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi với hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã với các doanh nghiệp.

Công nhân Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Chanh Việt sơ chế chanh. Ảnh: Bùi Tùng
Công nhân Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Chanh Việt sơ chế chanh. Ảnh: Bùi Tùng

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Long An có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi với hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) với các doanh nghiệp (DN). Đây được xem là bước đi phù hợp để nâng cao giá trị và tăng sức cạnh tranh cho nông sản, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Nâng cao giá trị nông sản

Tại huyện Bến Lức, những năm gần đây, việc sản xuất dần thực hiện theo chuỗi liên kết với các loại cây trồng chủ lực như chanh không hạt, khóm, rau má,... góp phần nâng cao chất lượng, giá trị, ổn định đầu tư đầu vào và đầu ra cho nông sản. Tuy nhiên, việc sản xuất của nông dân cũng còn nhiều hạn chế với quy mô nhỏ, lẻ, không tập trung nên thường rơi vào cảnh "được mùa - mất giá, được giá - mất mùa".

Cùng với đó, các sản phẩm chủ yếu thông qua đầu mối bán lẻ tiêu thụ nội bộ, lợi nhuận nằm ở một bộ phận tiểu thương, nhiều nông dân không có lợi nhuận. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc nông dân không thiết tha với nông nghiệp và ngại đầu tư cho nông nghiệp.

Hệ thống máy sấy tạo bột chanh của Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Chanh Việt. Ảnh: Bùi Tùng
Hệ thống máy sấy tạo bột chanh của Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Chanh Việt. Ảnh: Bùi Tùng

Nhằm khắc phục tình trạng này, tìm ra hướng đi mới cho nông dân, ngành nông nghiệp huyện Bến Lức vận động thành lập các tổ hợp tác, HTX và DN để hỗ trợ các trang thiết bị phục vụ sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản. Đến nay, nhiều HTX, DN trên địa bàn huyện làm tốt vai trò “cầu nối”, giúp nông dân ổn định đầu ra nông sản, an tâm sản xuất. Một số sản phẩm của DN, HTX còn được in logo, nhãn mác, đăng ký mã vạch, mã số,... để đưa vào tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị lớn như AEON, Co.opmart, WinMart,... cũng như xuất khẩu.

Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Chanh Việt (xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức) - Nguyễn Văn Hiển, hiện Công ty có nông trại trên 150ha chuyên sản xuất chanh không hạt theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Ngoài trái chanh tươi, Công ty còn có nhiều sản phẩm chế biến như lát/vỏ chanh sấy khô, tinh dầu chanh, lát chanh tẩm mật ong, nước cốt chanh, chanh muối, bột thanh long nguyên chất,... Hầu hết sản phẩm của Công ty đều được kết nối tiêu thụ với các DN phân phối trong nước và xuất khẩu.

Là DN tham gia chế biến nông sản sấy chưa lâu nhưng những sản phẩm của Công ty Cổ phần Thực phẩm HG (huyện Thủ Thừa) đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường tiêu dùng nội địa. Hiện Công ty sản xuất các sản phẩm trái cây sấy giòn không dầu như thanh long, mít, khóm, khoai lang,... Nguồn nguyên liệu được cung cấp trực tiếp từ các HTX nông sản trên địa bàn tỉnh.

Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm HG - Dương Thị Trúc Giang cho hay: “Công ty đã đầu tư dây chuyền sấy hiện đại để cho ra đời sản phẩm nông sản sấy giòn, giữ nguyên hương vị tự nhiên, không sử dụng dầu chiên và chất bảo quản. Từ những nông sản này, Công ty nghiên cứu chế biến nhiều sản phẩm phù hợp cho từng đối tượng khách hàng là trẻ nhỏ, người già, người ăn kiêng,... Giá trị nông sản đã tăng khoảng 200% so với giá trị nguyên liệu thô ban đầu”.

Công nhân Công ty Cổ phần Thực phẩm HG sơ chế nông sản trước khi đưa vào máy sấy. Ảnh: Bùi Tùng
Công nhân Công ty Cổ phần Thực phẩm HG sơ chế nông sản trước khi đưa vào máy sấy. Ảnh: Bùi Tùng

Tiếp tục thu hút đầu tư

Đến nay, toàn tỉnh Long An có trên 200 cơ sở chế biến nông sản quy mô công nghiệp, góp phần đưa các sản phẩm nông sản của tỉnh xuất khẩu đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, có những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.

Thông tin từ Sở Công Thương, năm 2022, mặc dù tình hình thế giới có nhiều bất ổn do dịch bệnh, chiến tranh nhưng với nỗ lực của DN, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Long An đạt 6,7 tỉ USD, tăng gần 9% so với năm 2021.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 728,13 triệu USD, chiếm 10,87% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Cụ thể, các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh, gồm: Gạo đạt kim ngạch 370 triệu USD, tăng 9,25%; hạt điều đạt 125 triệu USD, tăng 19,6%; rau quả (thanh long, chanh, chuối,...) đạt 139 triệu USD, tăng 363%;...

Theo Giám đốc Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, nhằm nâng cao chất lượng cũng như gia tăng sức cạnh tranh cho nông sản, ngành nông nghiệp tỉnh chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các tổ chức, DN tham gia đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến,... Để thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến thì cần phải tổ chức phát triển liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ tại từng địa phương, từng vùng có sản lượng nông sản lớn để bảo đảm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.

Theo đó, UBND tỉnh Long An chỉ đạo các sở, ngành liên quan thực hiện các giải pháp đồng bộ, tạo thuận lợi cho DN, nông dân tiếp cận bình đẳng, minh bạch các nguồn lực đất đai, nguồn vốn; hỗ trợ DN ứng dụng khoa học - công nghệ để sản xuất hàng hóa, đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp. Đồng thời, tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch của các vùng, ngành, từng sản phẩm để phát huy lợi thế của địa phương, gắn quy hoạch theo nhu cầu của thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

“Việc tổ chức lại sản xuất, phát triển các hình thức sản xuất phù hợp theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị cần được đẩy mạnh để có thể đáp ứng tốt hơn những yêu cầu của thị trường xuất khẩu, hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững” - ông Nguyễn Thanh Truyền cho biết.

Theo Bùi Tùng/ Báo Long An