"Chìa khóa" mở ra những cơ hội và nguồn lực mới cho tăng trưởng bền vững của Việt Nam


Nâng cao năng lực và hiệu quả của thể chế “Nhà nước kiến tạo phát triển”, đề cao trách nhiệm cá nhân, tinh thần kỷ luật công vụ, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm” như thông điệp của Thủ tướng Chính phủ gần đây, chính là “chìa khóa” để mở ra những cơ hội và nguồn lực mới cho tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam trong thời gian tới.

Lĩnh vực ngoại thương và sản xuất nông nghiệp vẫn là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam - Ảnh: VGP
Lĩnh vực ngoại thương và sản xuất nông nghiệp vẫn là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam - Ảnh: VGP

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ ngày 30/9 về tình hình kinh tế - xã hội quý III, 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong tháng 10 và những tháng còn lại của năm 2023, người đứng đầu Chính phủ đã khẳng định 7 thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội và điều hành của Chính phủ, đồng thời nêu 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho những tháng cuối năm 2023 và năm tiếp theo.

Có thể nói, các đánh giá và giải pháp của Chính phủ không chỉ thể hiện sự nắm bắt thực tiễn sâu sắc, tính nhất quán và linh hoạt trong điều hành kinh tế vĩ mô, mà còn thể hiện năng lực bao quát trước bối cảnh phức tạp, khó lường của thế giới và tầm nhìn chiến lược của Chính phủ.

4 điểm sáng nổi bật

Dưới giác độ tăng trưởng kinh tế và điều hành vĩ mô của Chính phủ, có thể khái quát một số "điểm sáng" nổi bật của nền kinh tế Việt Nam 9 tháng qua như sau:

Thứ nhất, mặc dù tăng trưởng kinh tế chưa đạt chỉ tiêu và kỳ vọng, song mức tăng trưởng 4,24% trong 9 tháng đầu năm 2023, trong đó mức tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%, quý III tăng 5,33%) thể hiện sự nỗ lực và "vượt khó" với quyết tâm cao của cả nền kinh tế.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, bối cảnh ảm đạm và bất ổn của kinh tế thế giới về địa chính trị, lạm phát, nợ công vẫn tiếp tục gia tăng, tổng cầu và thương mại thế giới giảm mạnh; trong khi những khó khăn của nền kinh tế trong nước có biểu hiện tăng (so với mức tăng trưởng lạc quan năm 2022), các doanh nghiệp phải "gồng mình" để tồn tại.

Sự khởi sắc của nền kinh tế từ cuối quý II, đặc biệt là quý III/2023 có thể coi là "điểm sáng" của nền kinh tế Việt Nam năm 2023.

Thứ hai, kinh tế vĩ mô tiếp tục giữ ở mức ổn định, đặc biệt là lạm phát được kiểm soát tốt, đã giúp cho môi trường đầu tư ở Việt Nam tiếp tục là một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài trước bối cảnh cạnh tranh gay gắt về kinh tế, chính trị của các nước lớn.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 9 tháng đầu năm tại Việt Nam ước đạt 15,91 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 5 năm gần đây.

Từ đầu năm, đã có nhiều doanh nghiệp lớn nước ngoài đến tìm hiểu, đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp đến từ Mỹ (hơn 50 tập đoàn, trong đó có các tập đoàn công nghệ lớn).

Môi trường đầu tư Việt Nam đã thật sự là "điểm đến" của các "đại bàng", đặc biệt là từ Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản.

Thứ ba, lĩnh vực ngoại thương và sản xuất nông nghiệp vẫn là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam.

Mặc dù thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, song tháng 9, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 31,41 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt thặng dư thương mại đạt mức xuất siêu kỷ lục (21,68 tỷ USD) vượt xa cùng kỳ năm trước (6,9 tỷ USD).

Ngành nông nghiệp vẫn là "bệ đỡ" của nền kinh tế, trong đó có đóng góp quan trọng vào giá trị xuất khẩu, đáng chú ý giá cả nông sản Việt có thời điểm đã tạo nên "cơn sốt giá" trên thị trường như gạo, sầu riêng.

Thứ tư, đầu tư công, đặc biệt là đầu tư vào hạ tầng giao thông đã thực sự là "đột phá" của Việt Nam trong 9 tháng vừa qua.

Sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, bộ, ngành, các địa phương, doanh nghiệp không những đã gia tăng được mức giải ngân đầu tư công (9 tháng, vốn đầu tư công đạt 57,4% kế hoạch năm, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước), đồng thời thực hiện "mục tiêu kép", vừa "kích cầu" tăng trưởng kinh tế, vừa cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông, mở rộng liên kết vùng, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

7 giải pháp cho cả ngắn hạn và dài hạn

Những "điểm sáng" trên là khá vững chắc, song để đạt mức tăng trưởng 6% trong năm 2023 (thấp hơn mục tiêu 6,5%) vẫn là thách thức rất lớn, trong đó tăng trưởng quý IV phải đạt mức 2 con số (10,6%). Đây là "kịch bản" ở mức cao nhất ở thời điểm cuối tháng 9/2023, phù hợp với dự báo gần đây của các tổ chức quốc tế (ADB: 5,8%; mức tăng trưởng cao nhất ở châu Á).

Điều quan trọng, mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam phải gắn với phát triển bền vững, tạo đà cho các năm tiếp theo với mục tiêu dài hạn "phát triển nhanh và bền vững".

Các giải pháp để đạt được mức tăng trưởng tốt nhất (từ 6%) từ nay đến cuối năm, theo chúng tôi, đó là: 

Thứ nhất, cần quán triệt quan điểm và định hướng của Chính phủ, với phương châm điều hành là "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả; vừa tập trung thực hiện nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, yêu cầu ngày càng cao, vừa khắc phục các bất cập, tồn tại kéo dài nhiều nhiệm kỳ, nhiều năm, vừa xử lý các vấn đề phát sinh, khó lường, khó dự báo (Báo cáo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023, ngày 4/7/2023).

Có thể nói, đây là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ, không chỉ có tính ngắn hạn mà còn là nguyên tắc có tính dài hạn trong lãnh đạo, điều hành nền kinh tế của Chính phủ.

Thứ hai, để thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng cuối năm, biện pháp cấp thiết là phải tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước mở rộng đầu tư, khơi thông "nguồn vốn", khắc phục các khó khăn về thị trường, về thể chế gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh ở mọi ngành nghề trong tất cả các địa phương của cả nước.

Thực tế 9 tháng đầu năm cho thấy, sở dĩ tình trạng "ứ đọng" vốn tại các ngân hàng, tình trạng "có tiền nhưng không biết xài" trong nền kinh tế, có nguyên nhân chủ yếu, là do các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, việc "khởi nghiệp" của các doanh nghiệp còn nhiều bất cập, hạn chế.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động đạt 165.200 doanh nghiệp, nhưng cũng có 135.100 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh, ngừng hoạt động chờ giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể.

Để khơi thông cho hoạt động sản xuất kinh doanh, các ngành, các cấp chính quyền địa phương cần quyết liệt tháo gỡ khó khăn, ví dụ như giải quyết tình trạng thiếu cát xây đường cao tốc ở các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long, cung cấp kịp thời thông tin và tháo gỡ ách tắc trong chuỗi cung ứng và tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trong việc cấp visa, đa dạng sản phẩm du lịch,…

Đồng thời, cần có các biện pháp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các loại hình kinh doanh thâm dụng công nghệ tiên tiến, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khuyến khích hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài.

Thứ ba, để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trong các tháng cuối năm, bên cạnh việc phát huy các lĩnh vực tăng trưởng khả quan như nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, xuất nhập khẩu… cần đặc biệt hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp chế biến đang gặp khó khăn về thị trường đầu ra, tìm kiếm các thị trường mới và các doanh nghiệp quay lại hoạt động.

Trong 9 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ đạt 1,98%, đóng góp 0,51 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế, tuy nhiên mức độ tăng trưởng của ngành này đã được cải thiện qua các quý (quý I giảm 0,49%, quý II tăng 0,6% và quý III tăng 5,61%).

Nếu quý IV tốc độ tăng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức cao như năm 2022 (10,20%) hay thời điểm trước dịch, năm 2019 (9,91%), thì sẽ có đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng GDP của cả nền kinh tế.

Thứ tư, thúc đẩy đầu tư công vẫn phải là một kênh quan trọng để kích thích tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2023.

Chính phủ cần quyết liệt hơn trong việc yêu cầu các ngành và địa phương hoàn thành 100% kế hoạch dự toán đầu tư công trong năm 2023, cần tháo gỡ ngay các ách tắc cho các dự án, ví dụ như giải phóng mặt bằng, thủ tục pháp lý, vướng mắc trong hợp tác giữa các chủ thể tham gia dự án…

Đối với các dự án giao thông liên vùng, việc tháo gỡ khó khăn, bảo đảm tiến độ dự án không chỉ góp phần "kích cầu", mà điều quan trọng là góp phần củng cố hạ tầng kỹ thuật, góp phần nâng cao nội lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Đặc biệt, đối với TP. Hồ Chí Minh, các dự án đầu tư công trọng điểm của Thành phố như hệ thống giao thông (metro, đường vành đai,…) cần quyết liệt đẩy mạnh để đến cuối năm 2023, TP. Hồ Chí Minh đạt mục tiêu giải ngân 95% dự toán/năm, góp phần đưa tăng trưởng quý IV của Thành phố đạt 15% và cả năm đạt 7,5%.

Thứ năm, bên cạnh các biện pháp gia tăng đầu tư, việc mở rộng chi tiêu cho tiêu dùng trong nước cũng có vai trò tích cực nhằm kích thích tăng trưởng GDP của cả nước.

Sự khởi sắc trong chi tiêu tiêu dùng từ quý II/2023, đặc biệt là tại các thành phố lớn, cần tiếp tục được phát huy trong những tháng cuối năm.

Để khuyến khích tiêu dùng trong dân chúng cần có các biện pháp hỗ trợ người nghèo, thực hiện an sinh xã hội như đơn giản hóa thủ tục trợ cấp cho người nghèo, giảm thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp, tăng cho vay tiêu dùng, giảm giá hàng tiêu dùng, tăng cường các chương trình khuyến mãi mua sắm, tham quan du lịch từ các doanh nghiệp…

Gia tăng chi tiêu cho tiêu dùng đã khởi sắc tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh từ đầu quý III, cần tiếp tục mở rộng và lan tỏa ở các địa phương khác vào những tháng cuối năm, đó là cơ sở để kích thích tăng trưởng kinh tế và thực hiện an sinh xã hội cho người dân.

Thứ sáu, mở rộng xuất khẩu, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, là điểm sáng của nền kinh tế trong thời gian qua, cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong các tháng cuối năm.

Sự năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ, phối hợp từ các cấp chính quyền địa phương trong việc cấp phép các hoạt động vui chơi giải trí, các lễ hội, phát triển loại hình "kinh tế đêm", du lịch nghỉ dưỡng gắn với các khu văn hóa ẩm thực, các khu di tích lịch sử, truyền thống… nhằm thu hút khách du lịch.

Đối với lĩnh vực xuất khẩu, các bộ, ngành cần kịp thời dự báo, cung cấp thông tin và tháo gỡ cho các doanh nghiệp để khắc phục nhanh chóng các ách tắc, gia tăng hợp đồng xuất khẩu, hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu sang các địa bàn truyền thống và các địa bàn mới.

Thứ bảy, bước "đột phá" trong quan hệ Việt - Mỹ với việc hai nước quyết định nâng cấp lên tầm "đối tác chiến lược toàn diện" và chuyến thăm, làm việc rất thành công của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Mỹ vừa qua, là cơ hội lớn để khơi thông, mở rộng cơ hội làm ăn của các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp Mỹ.

Những định hướng, thông tin từ các bộ, ngành, các kết nối về ngoại giao - thương mại, các hợp đồng xúc tiến đầu tư, các hội thảo và hội chợ thương mại cần được đề xuất và thực hiện ở các địa phương, nhằm biến "cơ hội" thành hiện thực.

Nắm bắt cơ hội trong quan hệ Việt - Mỹ không chỉ có ý nghĩa đối với tăng trưởng kinh tế trong các tháng cuối năm, mà quan trọng hơn là tạo ra bước ngoặt mới trong quan hệ kinh tế - thương mại Việt - Mỹ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong các năm tiếp theo.

Thực hiện các giải pháp trên, không chỉ có ý nghĩa ngắn hạn nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng của cả năm 2023, mà còn có ý nghĩa dài hạn, tạo đà tăng trưởng nhanh và bền vững trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Vấn đề cốt lõi cần khẳng định là các giải pháp trên cần đặt trên bối cảnh và các định hướng cơ bản của nền kinh tế Việt Nam, đó là:

(i) Phát triển nền kinh tế dựa trên nền tảng cách mạng công nghiệp lần thứ 4, gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số…;

(ii) Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì phát triển nhanh và bền vững là mục tiêu xuyên suốt của nền kinh tế;

(iii) Hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế sâu rộng, hiệu quả, nắm bắt thời cơ để thu hút nguồn lực từ bên ngoài, tăng cường nội lực trong nước, thúc đẩy phát triển nền kinh tế mở và hiệu quả;

(iv) Nâng cao năng lực và hiệu quả của thể chế "Nhà nước kiến tạo phát triển" theo định hướng XHCN, đề cao trách nhiệm cá nhân, tinh thần kỷ luật công vụ.

Đồng thời, tăng cường phân cấp phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực và kiểm tra giám sát thực hiện, không trông chờ ỷ lại, né tránh trách nhiệm, "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm" như thông điệp của Thủ tướng gần đây, chính là "chìa khóa" để mở ra những cơ hội và nguồn lực mới cho tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam trong thời gian tới.

Theo baochinhphu.vn