Chia lại “miếng bánh” dịch vụ đặt xe trực tuyến
Sau khi Grab thâu tóm Uber, nhiều ý kiến lo ngại thị trường đặt xe trực tuyến sẽ độc quyền. Tuy nhiên, điều này không dễ thành hiện thực khi nhiều ứng dụng gọi xe mới xuất hiện, kỳ vọng sẽ cạnh tranh trực tiếp với Grab.
Mới đây nhất là thông tin Phương Trang rót 2.200 tỷ đồng (100 triệu USD) vào ứng dụng đặt xe cho khách hàng trả giá. Bên cạnh đó, nhiều ứng dụng gọi xe trực tuyến cũng đang đầu tư, mở rộng kinh doanh để trở thành đối thủ trực tiếp với Grab.
Thời cơ mới
Ông Trần Thanh Nam, sáng lập ứng dụng gọi xe công nghệ Vivu, cho biết quyết định rút lui của Uber tại Đông Nam Á đã thúc đẩy các doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào ứng dụng gọi xe công nghệ.
Theo đó, doanh nghiệp vận tải xe khách Phương Trang đã đầu tư 100 triệu USD vào Vivu và đổi tên ứng dụng thành VATO.
“Ứng dụng gọi xe này cho phép người dùng mặc cả với lái xe về giá tối thiểu VATO đưa ra để có thể nhanh chóng hoàn thành chuyến đi vốn là chức năng mà cả Uber lẫn Grab đều không có”, ông Nam nói.
Được biết, ứng dụng VATO sẽ chính thức ra mắt tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vào tháng 4 này.
Ông Nam cho biết với số lượng xe đăng ký hiện tại 2.000 chiếc và hoạt động khoảng 500 xe, trong thời gian tới ra mắt, doanh nghiệp sẽ tăng cường đầu tư phát triển loại hình này với nhiều ưu đãi cho tài xế và người tiêu dùng quen sử dụng.
Đặc biệt, giá cước VATO ở mức 8.500 đồng/km tương tự như GrabCar nhưng phần chiết khấu là 20%, thấp hơn 25% của Grab hiện tại.
Theo ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mai Linh, số lượng đối tác là tài xế ô tô và xe máy của Uber sang đăng ký gấp nhiều lần so với trước đây.
Để cạnh tranh trong thời gian tới, ông Huy cho biết với Mai Linh Bike, hãng cam kết chỉ thu 15% chiết khấu và tặng 100% phí đồng phục cho đối tác lái xe nếu trong tháng đầu đạt doanh thu từ 2,5 triệu đồng trở lên.
Đặc biệt, Mai Linh mua bảo hiểm cho tất cả đối tác lái xe sau khi đối tác hoạt động được 6 tháng. Mức giá cước được Mai Linh Bike áp dụng là 11.000 đồng/2km đầu, 3.700 đồng/km tiếp theo và cam kết không tăng giá vào giờ cao điểm.
Ứng dụng T.net – vốn là một ứng dụng được phát triển bởi trường Đại học FPT. Sau khi Uber bị mua lại, ứng dụng này đang tung ra nhiều chính sách để chiêu mộ tài xế cũng như thu hút khách hàng.
Mấy ngày qua, T.net đẩy mạnh quảng bá rầm rộ, thông qua tổ chức diễu hành tại nhiều tuyến phố Hà Nội để người tiêu dùng nhận diện. Tài xế sẽ được thưởng 1 triệu đồng khi giới thiệu thành công 100 hành khách trước ngày 30/4, thưởng 10.000 đồng/hành khách hoàn thành chuyến đi.
Hành khách còn nhận được các chính sách khác như miễn phí 70% cho 2 chuyến đi đầu tiên (tối đa 80.000 đồng), nhập mã T.net được giảm 40% cho 3 chuyến (tối đa 90.000 đồng)…
Cạnh tranh sẽ quyết liệt
Trước đó, vào tháng 9/2017, Tổng công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) cũng đã chính thức ký thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện với sàn giao dịch vận tải hành khách Gonow.
Ông Trần Vương Long, Chủ tịch HĐQT công ty CP Gonow Group, cho biết mỗi đơn vị tham gia hệ thống sẽ được cung cấp một tài khoản riêng để vào đó, họ có thể quản lý được xe, tài xế, biết được hết xe đăng ký, đăng kiểm ngày nào, bằng lái của tài xế ngày nào hết hạn, doanh thu theo ngày, tháng, năm là bao nhiêu…
Thêm nữa, điểm khác biệt giữa Gonow so với nhiều đối thủ khác là giải pháp đấu giá ngược cho những chuyến xe rỗng một chiều. Ví dụ nếu khách muốn đặt xe ra sân bay Nội Bài (Hà Nội), hệ thống sẽ tiếp nhận thông tin và tự động gửi tin nhắn để các tài xế thành viên cùng đấu giá. Những ai đang có lượt xe rỗng có thể đưa ra giá thấp để thu hút khách hàng.
Nghe tin Grab mua lại Uber, nhiều dịch vụ “gọi xe trực tuyến” nước ngoài cũng đang có ý định thâm nhập thị trường Việt Nam. Tháng 3/2018, thông tin hãng cung cấp dịch vụ vận chuyển Go-Jek của Indonesia tuyển dụng nhân sự ở Việt Nam, chuẩn bị cho việc thâm nhập thị trường 93 triệu dân, gây xôn xao trong giới công nghệ cũng được đề cập.
Tại cuộc họp báo của Bộ Giao thông Vận tải, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng tại Việt Nam hiện tại không chỉ có Uber, Grab cung cấp những giải pháp công nghệ kết nối vận tải mà đang có đến cả chục doanh nghiệp, trong đó những hãng taxi truyền thống cũng bắt đầu sử dụng công nghệ để điều hành, quản lý cũng như kinh doanh vận tải khách, nên không còn cạnh tranh giữa Uber và Grab thì sẽ có cạnh tranh giữa các doanh nghiệp khác, không thể là độc quyền.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, một số doanh nghiệp taxi truyền thống như Mai Linh, Vinasun, Thành Công cũng đã xây dựng phần mềm để cạnh tranh lại với Grab. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần xây dựng một phần mềm đủ mạnh để có thể cạnh tranh.