Chích “thuốc” tăng trưởng, gặt nỗi lo ngắn hạn

Theo Hồng Sương (TBKTSG)

Những hoạt động xé rào, cạnh tranh thiếu lành mạnh, chất lượng tín dụng, thiếu thanh khoản… khiến nhiều người đặt vấn đề về chất lượng tăng trưởng tín dụng. Càng đáng nói hơn khi dư nợ cho vay lãi suất thoả thuận, phát hiện 3.208 tỉ đồng có sai phạm, chiếm 55% dư nợ thanh tra, trong đó chủ yếu là cho vay không đúng đối tượng 3.022 tỉ đồng.

Những hoạt động xé rào, cạnh tranh thiếu lành mạnh, chất lượng tín dụng, thiếu thanh khoản… khiến nhiều người đặt vấn đề về chất lượng tăng trưởng trong những năm gần đây của ngân hàng. Đó là một số thông tin nổi cộm tại cuộc họp tổng kết ngành ngân hàng địa bàn TP.HCM ngày hôm qua 26.1.

Chưa bao giờ thấy các tổ chức tín dụng lại tuỳ tiện nâng lãi suất cho vay lên như hiện nay, giám đốc một quỹ tín dụng nhân dân nhận xét. Theo đó, mức lãi suất cho vay thoả thuận có nơi đã lên đến 21%/năm.

Băn khoăn chất lượng tín dụng

Mức lãi suất 21% đã từng dâng lên trong năm 2008. Khan hiếm vốn đã đẩy lãi suất lên cao, nhiều ngân hàng vẫn cho vay dù thiếu thanh khoản. Trong báo cáo tổng kết năm 2009, ngân hàng Nhà nước TP.HCM cho biết có một số tổ chức tín dụng trong năm 2009 có tốc độ tăng trưởng rất cao, có đơn vị tăng tới 145% so với năm 2008. Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, trong cuộc họp tổng kết ngành ngân hàng địa bàn TP.HCM ngày hôm qua, cho biết, ít nhất 5/16 ngân hàng có huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng gấp một hay hai lần dư nợ của mình so với thị trường một (thị trường dân cư – PV). Từ đó ngày càng rơi vào cái bẫy thiếu thanh khoản. Cái bẫy thứ hai, là cơ cấu nguồn vốn khác biệt với cơ cấu dư nợ.

Theo đó, ông Lê Kim Hoà, giám đốc ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) TP.HCM, cho biết ở BIDV tỷ trọng tiền gửi ngắn hạn ngày càng cao, trong khi tiền gửi trung dài hạn ngày càng giảm. Lo ngại đến áp lực lạm phát, lãi suất huy động gia tăng đã tác động đến người gửi tiền, ngay cả những khoản đáo hạn trung dài hạn cũng gửi lại vào kỳ hạn ngắn. Mặt khác nhiều ngân hàng đa dạng hoá kỳ gửi vài ngày, một tuần, hai tuần đưa đến việc khách hàng dịch chuyển tài khoản tiền gửi thanh toán sang tiền gửi tiết kiệm ngắn hạn, ảnh hưởng đến thanh khoản.

Tỷ lệ khuyến mãi trong lãi suất huy động lớn, từ 30 – 40% so với lãi suất niêm yết, vừa tạo ra sự cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng vừa làm méo mó thị trường lãi suất. Ngoài ra, việc lãi suất huy động đồng đều giữa các kỳ hạn ngắn và trung dài hạn, đã kéo các khoản tiền gửi trung dài hạn sang ngắn hạn, ảnh hưởng đến hoạt động và cơ cấu kỳ hạn của các ngân hàng.

Các ngân hàng đều cho vay ở mức lãi suất kịch trần. Vì vậy hình thành các loại lãi suất cho vay bằng nhau, không phân biệt được khách hàng tốt hay xấu, các ngành nghề ưu tiên, các rủi ro tín dụng, cho vay ngắn trung dài hạn đều chung một mức lãi suất như nhau, dẫn đến rủi ro tín dụng lớn.

Chính vì vậy, thống đốc đặt ra câu hỏi về chất lượng tín dụng, dù con số nợ xấu 2009 vẫn nằm trong mức cho phép: vì sao dư nợ 2009 tăng trưởng 37,73% mà nền kinh tế vẫn thiếu vốn, trong khi năm 2009 dư nợ tín dụng tăng trưởng gấp bảy lần so với GDP, còn những năm trước chỉ 3 – 4 lần?

“Tôi thấy một số ngân hàng đã vượt khỏi tầm tay của mình…”, thống đốc nhận xét. Theo ông, không phải cứ kết thúc năm 2009 là xong, mà chính ngân hàng đã đưa mình vào thế khổ kéo dài sang năm 2010.

Còn sửa kịp

Ông Tô Duy Lâm, phó giám đốc ngân hàng Nhà nước TP.HCM trong cuộc họp trên cho biết, ở chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất trên địa bàn, ngân hàng Nhà nước TP.HCM đã thanh tra số dư nợ 14.540 tỉ đồng, chiếm 60,53% tổng dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất của 39 tổ chức được thanh tra. Kết quả, phát hiện 1.328 tỉ đồng dư nợ có sai phạm, chiếm 9,27% dư nợ thanh tra.

Dư nợ cho vay lãi suất thoả thuận, phát hiện 3.208 tỉ đồng có sai phạm, chiếm 55% dư nợ thanh tra, trong đó chủ yếu là cho vay không đúng đối tượng 3.022 tỉ đồng.

Theo ngân hàng Nhà nước TP.HCM, hiện tượng cạnh tranh thiếu lành mạnh vẫn tồn tại. Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho rằng, các ngân hàng “chạy theo kiểu nào ông phải chạy theo kiểu nấy”, và nhiều ngân hàng hoạt động đã không tôn trọng hiệp hội ngân hàng.

Theo TS Lê Thẩm Dương, hậu quả tăng trưởng tín dụng lên tới 38% cùng với những đối sách mang tính ngắn hạn, tính chụp giựt diễn ra hàng ngày từng tháng sẽ bắt đầu ngấm vào trong năm nay. Vì vậy, những gì ngân hàng phải đối đầu trong năm nay là những tiềm ẩn về mất cân đối nguồn vốn, thanh khoản, tín dụng… Đối với những ngân hàng “có vấn đề”, thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho rằng, vẫn còn sửa kịp nhưng theo ông, nếu không chỉnh sửa lại, thì tiếng đồn sẽ khiến khách hàng rời bỏ mình.