Chiến lược đầu tư tuần 23/10-26/10: Kích hoạt chiến lược phòng thủ
Dự báo VN-Index có thể sẽ đi ngang trong phạm vi 1.085 – 1.140 điểm những phiên tới. Nhà đầu tư cần quan sát phản ứng của chỉ số quanh mốc 1.112 điểm, từ đó quyết định thu hẹp danh mục hoặc giải ngân.
Khối ngoại quay lại mua ròng
Thị trường chứng khoán trong nước có tuần giảm mạnh thứ 2 kể từ đầu năm, nằm trong Top các thị trường trên thế giới có mức giảm mạnh nhất ở tuần vừa qua (từ 16/10 đến 20/10).
Nhịp giảm 180 điểm, tương đương mất 14,5% điểm số kể từ đỉnh của chỉ số VI-Index đã có tín hiệu chững lại với phiên tăng mạnh nhất kể từ giữa tháng 3/2023, thanh khoản tuần vừa qua cũng đạt mức cao nhất trong vòng 3 tuần trở lại đây, bên cạnh đó thị trường đang được hỗ trợ từ mạch mua ròng của khối ngoại.
Thanh khoản toàn thị trường tăng 12,5% so với tuần liền trước, lên 18.485 tỷ đồng/phiên, ghi nhận mức cao nhất trong 3 tuần vừa qua, tuy vậy đây vẫn là tuần thứ 3 liên tiếp thanh khoản ở dưới ngưỡng 20.000 tỷ đồng sau 12 tuần liên tiếp ở trên ngưỡng này.
Theo thống kê, thanh khoản kể từ đầu tháng 10/2023 còn 17.353 tỷ đồng, giảm 35,21% so với tháng 9 và sụt 29,3% so với mức bình quân quý III.
Khối ngoại là điểm sáng trong tuần vừa qua với chuỗi mua ròng 3 phiên liên tiếp, chốt tuần khối ngoại mua ròng 919 tỷ đồng trên toàn thị trường, qua đó thu hẹp mức bán ròng lũy kế kể từ đầu năm còn 8.159 tỷ đồng.
Kể từ đầu tháng 10, khối ngoại đang bán ròng 1.249 tỷ đồng, mức bán ròng thấp nhất kể từ tháng 4. Với các tín hiệu khả quan trong tuần vừa qua, nhiều khả năng đà bán ròng của khối ngoại sẽ chậm lại ở tháng 10 này.
Xét về kỹ thuật, trong tuần giao dịch vừa qua, độ rộng thị trường cho thấy tín hiệu yếu đi khi số mã nằm trên MA20/50 giảm xuống mức 20%-22% trong khi đó số mã nằm trên MA200 thu hẹp từ mức 63% xuống còn 56% phát đi tín hiệu thận trọng.
Chỉ số VN-Index nằm trong vùng biến động mạnh, rủi ro tiềm ẩn tăng cao. Nhịp điều chỉnh kể từ giữa tháng 9 đến nay đã khiến chỉ số Volatility 30/60 của VN-Index tăng cao hơn mức trung vị trong vòng hơn 5 năm trở lại đây. Mức biến động này cho thấy tín hiệu rủi ro đang gia tăng cao trong ngắn hạn.
Hiện tại đã có những tín hiệu hỗ trợ thị trường sau nhịp giảm nhanh và mạnh vừa qua như: Khối ngoại quay lại mua ròng; Fed nhiều khả năng giữ nguyên lãi suất ở kỳ họp cuối tháng 11; Chính phủ sẽ đề xuất giảm thuế VAT 2% trong 6 tháng năm 2024; Quy mô phát hành tín hiếu của Ngân hàng Nhà nước đã về mức thấp nhất kể từ lúc phát hành; Lượng tiền đáo hạn tín phiếu sẽ quay lại thị trường… Theo đó, thị trường trong những phiên tới có thể vận động theo hướng tích cực hơn.
Thị trường chưa có dấu hiệu tạo đáy
Theo phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, VN-Index hiện nằm dưới đường EMA 200 trung hạn tại 1.126,32 điểm. Các chỉ báo kỹ thuật như RSI tiếp tục điều chỉnh trong phạm vi trung tính. ADX cho tín hiệu sức mạnh suy yếu của xu hướng. Thị trường hiện vẫn chưa xuất hiện dấu hiệu tạo đáy và thị trường cần kiểm tra lại nữa vùng hỗ trợ 1.077-1.080 điểm.
Dựa trên góc nhìn kỹ thuật, SSI cho rằng, xu hướng của VN-Index trong tuần này (23/10-26/10) chưa có biến đổi lớn và sẽ đi ngang trong phạm vi 1.085-1.140 điểm.
Với kỳ vọng hồi phục và chờ xác nhận đáy của thị trường, nhà đầu tư ngắn hạn nên tập trung tìm cơ hội ở các nhóm có độ nhạy cao với thị trường. Đối với chiến lược đầu tư dài hạn, nhà đầu tư nên đẩy mạnh tích lũy cho vị thế trung và dài hạn ở các mã có tiềm năng phục hồi tăng trưởng lợi nhuận cùng với định giá đã chiết khấu hấp dẫn trong đợt điều chỉnh vừa qua.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán VPBankS đưa ra 2 kịch bản cho tuần này, trong đó nghiêng nhiều hơn về kịch bản thận trọng (70%). Cụ thể, chỉ số VN-Index có thể tiếp tục xuyên thủng hỗ trợ gần nhất 1.100 điểm, kịch bản thận trọng sẽ được kích hoạt với khả năng chỉ số có thể kiểm nghiệm mức hỗ trợ thấp hơn của Fibonacci tương ứng vùng 1.030-1.050 điểm.
Không loại trừ khả năng VN-Index giữ vững được hỗ trợ 1.100 điểm có thể xuất hiện nhịp hồi phục hoặc đi ngang và có thể sớm lấy lại được hỗ trợ MA200 điểm, hướng đến mục tiêu 1.125 điểm. Tuy nhiên, kịch bản lạc quan này chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 30% trong dự báo của VPBankS.
Theo đó, VPBankS khuyến nghị, trong ngắn hạn, nhà đầu tư nên xem xét thu hẹp danh mục và quan sát phản ứng của chỉ số xoay quanh mốc 1.112 điểm. Nếu tín hiệu phục hồi xuất hiện kèm theo thanh khoản tăng trở lại có thể xem xét giải ngân với vùng điểm mục tiêu 1.125 điểm. Ngược lại, nếu kịch bản thận trọng được kích hoạt, tiếp tục dừng quan sát cho đến khi xu hướng rõ ràng hơn.
Công ty Chứng khoán MB (MBS) cũng nhận định rằng, xu hướng giảm ngắn hạn vẫn chưa thay đổi và việc tạo đáy hay chưa vẫn phải theo dõi thêm trong các phiên sắp tới.
Về kỹ thuật, khu vực 1.070 điểm cũng là mức thoái lui Fibonacci 50% của sóng tăng kể từ giữa tháng 11 năm ngoái đến đỉnh 1.250 điểm, do vậy đây sẽ là vùng hỗ trợ mạnh cho thị trường ở thời điểm hiên tại.
Thị trường nhiều khả năng sẽ phục hồi trong nghi ngờ ở tuần sau. Khu vực 1.113-1.115 điểm dự kiến sẽ có nhiều rung lắc khi chỉ số Vn-Index retest ngưỡng MA200 ngày, trong kịch bản lạc quan, thị trường có thể hướng đến vùng 1.130 điểm ở nhịp hồi phục này.
Ở chiều ngược lại, vùng hỗ trợ cho thị trường sẽ ở khu vực 1.065-1.071 điểm. Nhóm cổ phiếu có mức chiết khấu hấp dẫn ở nhịp giảm vừa qua sẽ được dòng tiền quay lại bắt đáy, tín hiệu cũng đã xuất hiện ở phiên cuối tuần với ở một số nhóm cổ phiếu như: chứng khoán, bất động sản, đầu tư công...
Nhận định của Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) có phần lạc quan hơn khi cho rằng, VN-Index có thể duy trì được đà phục hồi trong tuần tới. Dự báo nhịp hồi là cơ hội để có thể cơ cấu lại danh mục.
Agriseco khuyến nghị nhà đầu tư giải ngân, đưa tỷ trọng cổ phiếu về vùng khoảng 30-50% là phù hợp trong bối cảnh các chỉ báo xu hướng trung, dài hạn vẫn ở trạng thái giảm điểm. Ưu tiên giải ngân cổ phiếu thuộc nhóm VN30 hoặc một số nhóm đang có sự hồi phục tốt như Bất động sản, Xây dựng, Ngân hàng.