Chiến lược đầu tư chứng khoán tháng 9/2023: Biến thách thức thành cơ hội
Cơ hội đang đến với nhà đầu tư chứng khoán khi thị trường bước vào xu hướng tăng nhờ trợ lực từ các chính sách tài khóa và tiền tệ, cùng sự cải thiện các chỉ số vĩ mô.
8 tháng, VN-Index tăng 21,5%
Theo Báo cáo Chiến lược tháng 9 của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao đã dẫn đến biến động gia tăng trên thị trường chứng khoán toàn cầu.
Đặc biệt, các nhà đầu tư trên thế giới sẽ tiếp tục đánh giá những tác động tiềm ẩn do hậu quả lan rộng của cuộc khủng hoảng bất động sản (BĐS) ở Trung Quốc, bao gồm việc Tập đoàn Evergrande nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 15 tại Tòa án Mỹ; việc trễ hạn thanh toán của gã khổng lồ BĐS Trung Quốc Country Garden và Zhongrong International Trust - một trong những công ty ủy thác hàng đầu tại Trung Quốc.
Đặc biệt, sau đợt tăng giá kéo dài từ đầu năm đến nay, hầu hết thị trường chứng khoán trên thế giới đều trải qua đợt điều chỉnh trong tháng 8/2023.
Trong bối cảnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua đợt bán tháo từ ngày 17−23/8 (-5,6%) trước khi tăng trở lại và đóng cửa tháng 8 ở mức 1.224 điểm (+0,1% so với tháng trước). So sánh với các thị trường khác, VN-Index vẫn có hiệu suất tốt trong tháng 8, đánh dấu tháng tăng thứ tư liên tiếp. Tính đến thời điểm hiện tại, VN-Index đã tăng vượt trội hơn nhiều thị trường khác khi tăng 21,5% so với đầu năm.
Thanh khoản thị trường được cải thiện cho thấy sự lạc quan từ nhà đầu tư cá nhân. Giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE tháng 8/2023 ghi nhận tháng cải thiện thứ 5 liên tiếp, tăng 23% so với tháng trước, với tỷ trọng giá trị giao dịch nhóm cá nhân trong nước chiếm gần 86% tổng giá trị giao dịch trong 5 tháng qua.
Tìm kiếm cơ hội
Sau một tháng đầy biến động như tháng 8 vừa qua, cổ phiếu các nhóm ngành Phần mềm và Dịch vụ (+12,6% so với tháng 7/2023), Dịch vụ tài chính (+11,2%), May mặc và Trang sức (+5,9%) tăng vượt trội so với thị trường chung.
Báo cáo của Mirae Asset cho thấy, cổ phiếu ngành Dịch vụ tài chính tăng 91,6% so với đầu năm, do hưởng lợi từ sự phục hồi của thị trường chứng khoán và giá trị giao dịch tăng vọt, cùng với nhu cầu vay ký quỹ tăng cao. Cụ thể, tổng mức cho vay ký quỹ đã tăng hai quý liên tiếp từ mức đáy quý IV/2022 (quý I/2023 tăng 10% so với đầu năm, quý II/2023 tăng 19% so với quý I/2023).
Tỷ lệ nợ ký quỹ hiện tại chỉ khoảng 70% vốn tự có của các công ty chứng khoán vào cuối quý II/2023, dưới mức đỉnh gần 130% vào cuối quý I/2022. Vì vậy, nhà đầu tư vẫn đánh giá tích cực đối với ngành này.
Ngoài ra, ngành Xây dựng cơ bản (+47,4% so với đầu năm), Phần mềm và Dịch vụ (+45,5%), Nguyên vật liệu (+40,2%), Dầu khí (+26,3%), Ngân hàng (+25,5%) và Bán lẻ (+25,5%) cũng tăng tốt trong 8 tháng đầu năm.
Các chuyên gia của Mirae Asset kỳ vọng, tăng trưởng của hầu hết các ngành sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm, nhờ vào lãi suất cho vay giảm và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, xuất khẩu và tiêu dùng trong nước phục hồi.
Ngoài ra, đầu tư công sẽ được tăng tốc trong thời gian tới và các chính sách hỗ trợ cũng là động lực chính cho xu hướng tăng của thị trường chứng khoán.
Chính phủ tiếp tục nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho ngành BĐS cũng như các tổ chức phát hành trái phiếu, nhờ đó niềm tin của nhà đầu tư được cải thiện. Trong tương lai gần, việc triển khai hệ thống KRX và việc tìm kiếm giải pháp cho hai vấn đề cần cải thiện để hỗ trợ cho nâng hạng lên thị trường mới nổi FTSE Russel (bao gồm yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding) và giới hạn sở hữu nước ngoài) cũng củng cố thêm sự lạc quan cho nhà đầu tư.
Mirae Asset cho rằng, P/E của thị trường sẽ tiếp tục tiến về mức trung bình 5 năm, nhờ vào các động lực từ các chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế; lãi suất cho vay đang giảm; triển vọng phục hồi lợi nhuận trong những tháng cuối năm đưa P/E về mức hấp dẫn hơn và nhu cầu vay ký quỹ phục hồi mạnh mẽ.