Chiến lược để gia tăng giá trị bất động sản
Năm 2018, thị trường bất động sản (BĐS) phát triển theo xu hướng bền vững, sôi động và lan toả trên khắp vùng miền. Tuy nhiên, thị trường cũng gặp khá nhiều thách thức, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp để gia tăng giá trị BĐS.
Nền kinh tế tăng trưởng đồng đều trên mọi lĩnh vực
Phát biểu tại hội thảo “Chiến lược gia tăng giá trị bất động sản”, ông Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD), cho rằng, năm 2018, nền kinh tế đã đạt được kết quả rất khích lệ. Các chỉ báo kinh tế 3 quý vừa qua đều cho thấy nền kinh tế tăng trưởng khá đồng đều trên mọi lĩnh vực và theo hướng phát triển đi vào chiều sâu. GDP của ba quý đạt mức tăng 6,98% và cả năm 2018 Chính phủ dự báo đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra từ 6,5 - 6,7%, thậm chí vượt mốc 6,7%.
Quốc hội trong kỳ họp mới đây đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2019. Theo đó, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2019 được đặt ra ở mức 6,6 - 6,8%; tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, của nền kinh tế bằng việc tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng bền vững gắn liền với cơ cấu lại nền kinh tế.
Trong bối cảnh đó, thị trường BĐS năm 2018 cũng chứng kiến sự phát triển khá ổn định. Nguồn cung khá dồi dào, phong phú. Nhu cầu thực chất sử dụng BĐS ngày càng tăng rõ rệt, cho thấy dấu hiệu của thị trường phát triển theo xu hướng bền vững và đang có sự sôi động, lan tỏa trên hầu hết các vùng, miền. Mặt khác, thị trường trong thời gian qua cũng cho thấy vẫn còn sự bất cập về cung cầu như việc thiếu nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội, thiếu các sản phẩm thuộc phân khúc trung bình của các chủ đầu tư uy tín có khả năng thanh khoản cao hay những sản phẩm cao cấp có xu hướng giao dịch chững lại.
Liên quan vấn đề trên, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, đánh giá về thành tựu trong lĩnh vực nhà ở và thị trường BĐS, trong đó nền kinh tế đã có bước phát triển đáng khích lệ. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP khá cao và ổn định với trung bình trên 7% năm trong nhiều năm qua. Nguồn vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng và BĐS. Tính đến cuối năm 2017, FDI đăng ký tích luỹ giai đoạn 10 năm đạt xấp xỉ 318,72 tỷ USD. Riêng thị trường BĐS đạt 53,2 tỷ USD, chiếm 16,7%.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh, đưa ra những dự báo: Kinh tế toàn cầu năm 2019 phải đối diện với nhiều thách thức. Cụ thể, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, chiến tranh thương mại giữa một số nước lớn có tác động đến nước ta. Mặt tiêu cực là có thể làm suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, giảm tổng cầu (nhiều tổ chức uy tín nhận định, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 chỉ vào khoảng 3,5-3,7% so với năm 2018). Mặt tích cực là khu vực ASEAN vẫn giữ được lợi thế tăng trưởng, Việt Nam, Philippines, Indonesia được dự báo có tốc độ tăng trưởng cao nhất, sẽ thu hút được nhiều dòng vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, khi CPTPP có hiệu lực vào đầu năm 2019, sẽ tác động tích cực đến thị trường BĐS công nghiệp, phân khúc thị trường văn phòng cho thuê, căn hộ cho thuê. Vấn đề về nợ công toàn cầu dự báo tăng lên 182.000 tỷ USD ở mức nguy hiểm, sự ổn định hoặc không ổn định của nền kinh tế Hoa Kỳ, Trung Quốc đều tác động rất lớn đến nền kinh tế nước ta.
Đột phá về tài chính, giải pháp gia tăng giá trị BĐS
Thị trường BĐS năm 2018 chứng kiến những nỗ lực to lớn của các nhà đầu tư phát triển dự án, khi liên tục tung ra các loại sản phẩm mới với sự đa dạng về tiện ích, đồng bộ về dịch vụ và chất lượng ngày càng cao hơn. Đặc biệt là xu hướng hình thành các dự án đại đô thị đa tiện ích, đa chức năng, những sản phẩm BĐS siêu sang, ứng dụng công nghệ trong các dự án BĐS.
Theo ông Nguyễn Đức Quang, Giám đốc kinh doanh Vinhomes (Tập đoàn Vingroup), chiến lược tạo ra giá trị BĐS gồm nhiều yếu tố như quy hoạch, hệ sinh thái, vận hành quản lý, sản phẩm tài chính hấp dẫn… Đối với sản phẩm tài chính, ông Quang cho rằng, cần phải có những giải pháp tài chính đột phá về vấn đề nhà ở. Cụ thể, đối với dự án VinCity, công ty đã có những giải pháp tài chính linh hoạt, cho vay mua nhà trong thời hạn lên đến 35 năm, chỉ cần trả trước 10% khi ký hợp đồng mua bán…. Điều này giúp mang cơ hội về nhà ở đến với đông đảo người dân.
Bên cạnh giải pháp về tài chính, các vấn đề liên quan đến quy hoạch là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc tăng hoặc giảm giá trị BĐS. Thời điểm hiện tại, công tác quản lý và phát triển đô thị cũng đang nổi lên nhiều vấn đề lớn. Cụ thể, độ nén đô thị tại các thành phố lớn ngày càng tăng khiến giao thông và khả năng cung cấp dịch vụ tại các thành phố này ngày càng phức tạp. Chính quyền của nhiều thành phố lớn đang phải tính toán và đưa ra nhiều giải pháp cho bài toán quy hoạch và phát triển đô thị.
Những vấn đề trên đã và đang tác động mạnh đến thị trường BĐS, đặt ra đòi hỏi nghiêm khắc cho các đơn vị phát triển dự án tại các đô thị phải ngày càng chuyên nghiệp hơn, nghiên cứu sâu hơn, đầu tư sáng tạo hơn, tạo ra nhiều giá trị sử dụng hơn để có được sản phẩm BĐS đa dạng, đa tiện ích, phù hợp nhu cầu sử dụng ngày càng cao của người mua cũng như phù hợp với tình hình mới về quản lý đô thị. Các giải pháp nhằm tạo ra chiến lược gia tăng giá trị BĐS đang là nhu cầu bức thiết của các doanh nghiệp.
Liên quan đến vấn đề quy hoạch, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP. Hồ Chí Minh, cho rằng, thành phố đang đứng trước những thay đổi, những áp lực mới đang xảy ra. Do đó, thành phố cũng đã có những điều chỉnh trong quy hoạch, dần hoàn thiện hệ thống, hành lang pháp lý để tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư, cho người dân tham gia đầu tư, phát triển và làm cho thành phố ngày càng có chất lượng sống tốt hơn.
Mặt khác, để đảm bảo cho thị trường BĐS phát triển ổn định, một yếu tố đặc biệt quan trọng là các cơ quan quản lý nhà nước cần liên tục hoàn thiện môi trường thể chế, chính sách, phù hợp hơn, hữu hiệu hơn và có tính kiến tạo hơn. Để đạt được điều này, cần có sự “chung vai sát cánh” của cộng đồng các doanh nghiệp, các nhà đầu tư phát triển dự án BĐS. Thường xuyên chia sẻ thông tin, chia sẻ tầm nhìn, tổng kết các vấn đề thực tiễn là phương thức tốt nhất để đạt tới nền quản trị tốt hơn.