Bất động sản công nghiệp có nhiều cơ hội
Theo đánh giá của một số chuyên gia bất động sản, thị trường bất động sản năm 2019 sẽ có một số khó khăn nhất định. Tuy nhiên, sẽ có điểm sáng trên thị trường, bất động sản công nghiệp sẽ được hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại Trung – Mỹ, đặc biệt là phía Bắc.
Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản những tháng đầu năm tiếp tục ổn định. Nguồn cung tăng so với cùng kỳ 2017. Đối với thị trường TP. Hồ Chí Minh có giảm đôi chút vì đặc thù riêng của năm nay.
Cơ hội từ cuộc chiến thương mại
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đánh giá năm nay, có một điều đặc biệt là thị trường bất động sản không chỉ tập trung vào hai khu vực Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh mà các khu vực xung quanh còn có khởi sắc.
Tỷ lệ giao dịch thành công trải đều ở tất cả các phân khúc: bình dân, cao cấp thậm chí siêu cao cấp, đặc biệt là ở khu vực TP. Hồ Chí Minh. Giá cả nhà ở không có biến động lớn. Có hiện tượng sốt đất nền xung quanh TP. Hồ Chí Minh và Đông Anh, Gia Lâm (Hà Nội) cùng một số khu vực dự định trở thành đặc khu kinh tế nhưng đã được giải quyết kịp thời.
"Về cơ bản, thị trường bất động sản 2018 là rất khả quan. Năm 2019, tôi cho rằng thị trường sẽ phát triển với nguồn cung dồi dào, tập trung vào các dự án lớn, những thành phố thu nhỏ với dịch vụ đầy đủ, hạ tầng đồng bộ", ông Hà nhận định.
Ông Hà cho biết thêm, do nguồn cung dồi dào, giá cả bất động sản 2019 sẽ không có khả năng tăng đột biến, thị trường ổn định. Cơ cấu hàng hóa sẽ phù hợp với khả năng của thị trường, nhất là nhà ở năm 2019 sẽ phù hợp với khả năng chi trả của người dân.
Đánh giá về bất động sản công nghiệp, ông Hà cho rằng trong năm 2019, thị trường này sẽ đặc biệt phát triển. Đây là làn sóng mới tại Việt Nam, việc phát triển các khu công nghiệp theo đó cũng phải đồng bộ hơn để thu hút nước ngoài, các nhà đầu tư cũng phải quan tâm đến nhà ở thương mại để đáp ứng các khu công nghiệp, đây sẽ là một trong những phân khúc thị trường còn nhiều dư địa phát triển.
Xét trên thực tế, một số nhà đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc hoặc nhà đầu tư Trung Quốc đang cân nhắc chuyển dịch một phần cơ sở trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị từ Trung Quốc sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư đã có kế hoạch, dự định đầu tư từ trước thì khi chiến tranh thương mại nổ ra, họ bắt đầu phân vân và có thể hoãn lại để nghe ngóng, xem xét tình hình. Chính vì thế mà vốn đầu tư trực tiếp FDI vào các thị trường mới nổi sẽ không tăng mạnh như năm 2017.
Đánh giá về cơ hội của thị trường bất động sản Việt Nam trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, ông Nguyễn Mạnh Hà cho rằng Việt Nam có nhiều cơ hội hơn là khó khăn. Dòng vốn đầu tư ở các nước bao gồm Mỹ, Trung Quốc và một số nước khác do "né" chiến tranh thương mại nên sẽ "chảy" vào Việt Nam nhiều hơn trong năm tới.
Phía Bắc nhiều tiềm năng
Trên thị trường đầu tư gián tiếp là chứng khoán, Việt Nam vẫn đang được đánh giá tốt hơn so với các thị trường khác trong năm vừa qua. Do đó, các nhà đầu tư khi quyết định chuyển dịch dòng vốn, họ sẽ chọn thị trường vốn gián tiếp là chứng khoán Việt Nam.
Trong dòng vốn chứng khoán đó, có một phần không nhỏ là đầu tư vào các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Sự phát triển mạnh của dòng vốn đầu tư sẽ tạo ra nhu cầu lớn ở các phân khúc bất động sản.
Cùng góc nhìn trên, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV, nhận định bất động sản công nghiệp và mặt bằng bán lẻ sẽ là hai phân khúc có nhiều tiềm năng phát triển tốt nhất.
Về bất động sản công nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài Trung Quốc và nhà đầu tư Trung Quốc sẽ có xu hướng dịch chuyển nhà máy, công xưởng sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam.
Bất động sản công nghiệp ở miền Bắc Việt Nam sẽ chịu biến động lớn hơn vì miền Bắc rất gần Trung Quốc, thuận lợi cho việc dịch chuyển nhà xưởng. Một số tỉnh thành miền Bắc Việt Nam như Hải Phòng, Quảng Ninh, và có thể là cả Bắc Ninh, Bắc Giang hay Hưng Yên, sẽ là điểm dừng chân của làn sóng dịch chuyển này.
Địa bàn miền Bắc sẽ được các nhà đầu tư tập trung nhiều hơn bởi sự thuận lợi của vị trí địa lý và sự tương đồng trong thói quen văn hóa. Hơn nữa, hiện có khá nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang tập trung ở miền Bắc Việt Nam nên sẽ tạo nên sự kết nối.
"Trong tương lai, thị trường bất động sản phía Bắc sẽ sôi động hơn so với trước. Sự phát triển của các khu công nghiệp, bất động sản công nghiệp tất yếu sẽ kéo theo sự phát triển của bất động sản nhà ở và thương mại ở các địa bàn này", Ts. Lực dự báo.
Nhận định thêm về thị trị trường bất động sản bán lẻ, TS. Cấn Văn Lực cho biết thị trường tiêu dùng Việt Nam tăng trưởng rất tốt trong 10 tháng đầu năm, khoảng 11,4%. Nếu loại trừ yếu tố giá thì nó vẫn tăng ở mức khoảng 8,8%. Đây là mức cao nhất trong 5 năm vừa qua.
Trong bối cảnh chiến tranh Mỹ – Trung, nhà đầu tư nước ngoài đã nhận ra đây là một tiềm năng lớn. Chính vì thế, nhiều hãng bán lẻ nước ngoài đã và đang thực hiện nhiều thương vụ M&A đối với thị trường bán lẻ Việt Nam.