Phân khúc nhà ở xã hội đang thiếu hụt trầm trọng

Theo Thanh Minh/congthuong.vn

Theo chiến lược phát triển nhà ở quốc gia năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, những thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các địa phương có nhiều khu công nghiệp có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, khoảng một triệu đơn vị nhà ở cho người thu nhập thấp.

Nhà ở xã hội đang thiếu hụt trầm trọng. Nguồn: Internet
Nhà ở xã hội đang thiếu hụt trầm trọng. Nguồn: Internet

Thiếu trầm trọng nhà ở xã hội

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến tháng 6/2018, cả nước có 325 khu công nghiệp (KCN) được thành lập, trong đó 231 KCN đã đi vào hoạt động thu hút hàng triệu lao động, tạo ra làn sóng dịch cư lớn từ nông thôn ra đô thị. Do đó việc tạo lập, cải thiện môi trường sống của công nhân trở thành một áp lực lớn đối với Chính phủ và các địa phương nhất là những thành phố có nhiều KCN.

Hiện nhu cầu nhà ở xã hội ngày càng lớn, đặc biệt là nhà ở cho công nhân làm việc tại các KCN. Thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, hiện cả nước có 2,8 triệu công nhân tại các KCN, khu chế xuất, trong đó có 1,7 triệu người có nhu cầu về nhà ở.

Trong khi đó, theo số liệu từ Bộ Xây dựng, trên phạm vi cả nước, mới hoàn thành đầu tư xây dựng 87 dự án nhà ở xã hội cho công nhân KCN, quy mô xây dựng khoảng 28.800 căn hộ, đáp ứng được gần 28% nhu cầu về nhà ở cho công nhân; 72% nhu cầu còn lại sẽ tiếp tục hy vọng chờ giải quyết và tự giải quyết bằng mô hình thuê trọ.

Ngay cả trung tâm kinh tế của cả nước như TP. Hồ Chí Minh, cũng chỉ giải quyết được khoảng 15% nhu cầu chỗ ở cho công nhân, còn Hà Nội mới giải quyết được khoảng 10% nhu cầu.

Doanh nghiệp cần thay đổi cách tiếp cận

Theo Bộ Xây dựng, do khó khăn trong tiếp cận vốn vay nên việc phát triển các dự án nhà ở xã hội cho đối tượng có thu nhập thấp và công nhân lao động tại các KCN trong thời gian qua tiến triển rất chậm, chưa đạt được mục tiêu kế hoạch mà Chính phủ đã đề ra.

Ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng - Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) - cho biết, nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung, cao cấp chỉ chiếm từ 20-30% nhu cầu thị trường và tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn. Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở bình dân (giá dưới 25 triệu đồng/m2) chiếm đến 70-80% nhưng nguồn cung lại đang rất thiếu.

Nhà ở xã hội tại khu vực đô thị đến nay mới hoàn thành được 3,92 triệu m2, chỉ đạt khoảng trên 31% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 cần đạt 12,5 triệu mnhà ở xã hội.

Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp như: Viglacera, Handico, Tổng công ty Becamex, Công ty TMDX Lê Thành… đã tham gia đầu tư nhà ở xã hội, tại các địa phương như: Hà Nội, Hưng Yên, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh… nhưng cũng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của khách hàng.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) - nhìn nhận, hiện nhà ở xã hội và căn hộ bình dân tại TP. Hồ Chí Minh chỉ đạt 19,3%, chiếm tỷ lệ quá thấp. Trong lúc đó, phân khúc cao cấp chiếm đến 1/3 thị trường (tỷ lệ 31,3%) và đã xuất hiện dấu hiệu thừa cung tại TP. Hồ Chí Minh cũng như trong phạm vi cả nước.

“Phân khúc nhà ở xã hội có nhu cầu thực rất lớn, hiện nay thị trường vẫn chưa đáp ứng được… Đây có thể là một hướng tốt để các nhà đầu tư nước ngoài liên doanh, liên kết hoặc đầu tư phát triển dự án độc lập” - ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.

Để giải quyết bài toán về nhà ở xã hội hiện nay, theo các chuyên gia trong ngành, Nhà nước cần rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội. Khi phê duyệt quy hoạch và kế hoạch các khu đô thị mới, KCN mới, mạng lưới các cơ sở đào tạo nhất thiết phải có nội dung quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở sinh viên… theo quy đinh của pháp luật.