Chiến thắng của tinh thần cải cách

Theo canhtranhquocgia.vn

(Tài chính) Cuối cùng thì sau nhiều tranh luận, hàng loạt cải cách then chốt về môi trường kinh doanh đã được Quốc hội thông qua trong những ngày cuối cùng của kỳ họp thứ 8.

Chiến thắng của tinh thần cải cách
Hàng loạt cải cách then chốt về môi trường kinh doanh đã được Quốc hội thông qua trong những ngày cuối cùng của kỳ họp thứ 8. Nguồn: internet
Ngày 26/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua với số phiếu tán thành cao Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế.

Chưa bao giờ nhiều luật mang tính chất nền tảng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh được sửa cùng một lúc như vậy, với nội dung sửa đổi rất được trông đợi trong suốt thời gian qua.

Đơn cử, Luật Đầu tư (sửa đổi) đã quy định rõ 6 lĩnh vực cấm đầu tư, kinh doanh, thu hẹp rất nhiều so với 51 lĩnh vực trước đây. Các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh có điều kiện trước đây lên tới trên dưới con số 400 và được quy định rải rác tại rất nhiều văn bản pháp luật khác nhau, nay cũng thu hẹp mạnh còn 267 ngành nghề được ghi rõ trong Luật.

Song hành với quy định này, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cũng bãi bỏ đề nghị doanh nghiệp (DN) cung cấp mã ngành khi thực hiện đăng ký kinh doanh. Theo đó, DN không bị hạn chế số lượng ngành nghề hoạt động kinh doanh.

Về bản chất, việc cấm kinh doanh và đặt ra điều kiện kinh doanh là hạn chế quyền tự do kinh doanh đã được hiến định. Với các quy định nói trên, kể từ khi 2 luật có hiệu lực thi hành (1/7/2015), quyền tự do kinh doanh sẽ không bị hạn chế một cách tùy tiện nữa.

Thay vì DN chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, thì nay DN được phép làm tất cả những gì pháp luật không cấm. Vùng tự do kinh doanh đã được mở rộng rất nhiều lần. Nói như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước Quốc hội, thì DN sẽ không phải đi “xin” để người thích thì “cho”, người không thích thì “không cho” như thời gian qua…

Cùng với đó, hàng loạt vấn đề trước đây gây tranh cãi cũng đã được giải quyết. Đó là DN có quyền tự chủ quyết định về hình thức, nội dung và việc quản lý, sử dụng con dấu, có thể có nhiều con dấu thay vì chỉ một như trước đây. DN cũng có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật, thay vì chỉ một như quy định cũ...

Trần chi phí quảng cáo, tiếp thị khi tính thuế thu nhập DN cũng chính thức được gỡ bỏ, theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật thuế. Đây là một quy định được cộng đồng DN trông đợi từ rất lâu, sau những lần nới lỏng dần dần một cách “rụt rè”…

Cùng với đó, hàng loạt vấn đề về thủ tục như chứng nhận đầu tư, cấp phép, đăng ký kinh doanh trên mạng, thủ tục kê khai thuế… cũng được sửa đổi, bổ sung theo hướng rút gọn, giảm thiểu phiền hà, bớt thời gian cho DN…

Điểm chung của tất cả những thay đổi này đã trao thêm quyền tự quyết cho DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thay vì áp đặt hành chính của Nhà nước như trước đây. Khó hơn cho cơ quan quản lý, nhưng dễ hơn cho DN.

Các luật trên cũng sửa đổi, bổ sung nhiều quy định được cộng đồng DN quan tâm như về ưu đãi đầu tư, về ưu đãi thuế… theo hướng khoan thư sức DN. Những ưu đãi là quan trọng, song với DN, điều quan trọng nhất có lẽ vẫn là không gian rộng mở để tự chủ, tự quyết, để sáng tạo trong sản xuất kinh doanh.

Từ đầu năm đến nay, Chính phủ và các Bộ, ngành đã quyết liệt triển khai hàng loạt các giải pháp thuộc thẩm quyền để cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thể chế, tạo động lực phát triển mới cho nền kinh tế. Quyết tâm đổi mới của Chính phủ trong các dự thảo trình ra kỳ họp lần này, mà điển hình là sự tha thiết, tận tâm của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khi “bảo vệ” dự thảo Luật Đầu tư, Luật DN, đã nhận được sự thống nhất, đồng tình cao của Quốc hội.

Còn rất nhiều việc phải làm để chính sách mới đi vào cuộc sống, nhưng các luật vừa được thông qua cho thấy sau những giằng co, xu hướng cải cách đã chiến thắng những quan điểm cũ.