Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, tăng trưởng của Việt Nam 2018 sẽ bị tác động ra sao?
"Xuất khẩu có thể tăng cao, tuy nhiên, rủi ro về tỷ giá từ giờ đến cuối năm đang tăng lên, ảnh hưởng đến lạm phát", TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo xã hội quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) cho biết.
Washington vừa qua đã phát đi thông điệp cứng rắn của Thổng thống Donald Trump với thương mại Trung Quốc khi chính thức áp thuế suất 10% với số lượng hàng hoá lên đến 200 tỷ USD. Động thái này đã đẩy cuộc chiến thương mại giữa hai nước này leo thêm nấc thang căng thẳng mới.
Con số 200 tỷ USD lần này lớn hơn rất nhiều so với 2 lần trước (lần lượt là 34 và 16 tỷ USD), danh mục hàng hoá bị đánh thuế cũng rộng hơn đáng kể.
"Lần đánh thuế này đã bao gồm hầu hết các nhóm ngành tiêu dùng cuối cùng", ông Trần Toàn Thắng nói và cho biết điều này sẽ tác động ngay và trực tiếp đến số đông người Mỹ.
"Như vậy, không chỉ một số doanh nghiệp nhập khẩu đầu vào bị ảnh hưởng như đợt trước mà còn là người tiêu dùng cuối cùng", ông Thắng nhận xét.
Do đó, sức ép trong nội bộ nước Mỹ lên chính quyền Donald Trump sẽ rất khác so với trước đây. Bên cạnh đó, mức độ ảnh hưởng tới Trung Quốc và các nước khác cũng sẽ lớn hơn và nhanh hơn.
Việt Nam, với độ mở nền kinh tế lớn, sẽ không nằm ngoài vòng xoáy tác động. Với kịch bản lượng hàng hoá lên đến 200 tỷ USD, có thể nói sẽ bao gồm rất nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ.
Ở chiều tích cực, đây là cơ hội xuất khẩu của Việt Nam do sức cạnh tranh về giá tăng lên. Mặt khác, các doanh nghiệp trong nước cũng có thể được hưởng lợi ích từ đầu vào giá thấp hơn nếu nhập từ Trung Quốc.
Nhưng ở chiều ngược lại, nền kinh tế 90 triệu dân cũng cần chú ý hai vấn đề. Thứ nhất, những mặt hàng mà Việt Nam đang lợi thế xuất khẩu là những mặt hàng tiêu dùng thông thường, có độ co giãn về giá thấp.
Thứ hai, Việt Nam cũng không phải là nước duy nhất nhận ra cơ hội xuất khẩu sang Mỹ. "Rất nhiều nước khác cũng xuất vào Mỹ các mặt hàng này", ông Thắng nói.
Vì vậy, cơ hội cho Việt Nam, dù có nhưng không phải là quá lớn. Theo tính toán, cuộc chiến có tác động tiêu cực tới GDP của Việt Nam.
Cụ thể, chiến tranh thương mại làm giảm khoảng -0.3% tăng trưởng thời điểm cao nhất (năm 2022, 2023) sau đó tác động giảm dần.
"Tác động này không tính đến vấn đề biến động tỷ giá cũng như các đối sách tức thời của các đối tác của Việt Nam", ông nói.
Về tăng trưởng trong năm 2018, chuyên gia này cho rằng có thể xuất khẩu Việt Nam sẽ tăng cao hơn một chút so với mục tiêu hiện nay. Tuy nhiên, ông cho rằng cần chú ý từ giờ tới cuối năm khi rủi ro tỷ giá đang tăng lên khiến chi phí cho cả ngân hàng và doanh nghiệp sẽ tăng vì khoản dự phòng rủi ro.
"Điều này có thể ảnh hưởng tới lạm phát do chi phí đẩy", ông nói và cho biết mục tiêu tăng trưởng 6,8% thì vẫn có thể đạt được, nhưng tiềm năng cho tăng trưởng như vậy ở các năm tiếp theo sẽ khó khăn hơn.
Lý do chính là bất ổn thương mại có nguy cơ lan rộng, giá dầu đang tăng, tốc độ tăng trưởng kinh tế và thương mại của các đối tác lớn bị ảnh hưởng vì vậy ảnh hưởng tới xuất nhập khẩu của Việt Nam trong trung hạn. Bên cạnh đó, đồng USD tăng giá làm cho VNĐ giảm giá tương đối vì vậy làm tăng nợ nước ngoài của Việt Nam.
"Tuy nhiên cũng cần chú ý về tính toán cơ cấu nợ của Việt Nam", ông nói thêm. Nguyên nhân Việt Nam nợ bằng đồng USD chỉ chiếm hơn một nửa, ngoài ra còn là nợ bằng đồng yên Nhật, SDR (giỏ tiền tệ của IMF mà các nước có quyền rút đặc biệt, đồng NDT cũng nằm trong rổ này) và các đồng tiền khác.
"Vì vậy cần phải có con số cụ thể để xem biến động tỷ giá của các đồng tiền khác như thế nào mới kết luận được", ông Trần Toàn Thắng cho biết.