“Chiêu thức mềm” trong thâu tóm doanh nghiệp

Theo ĐTCK

Cuối cùng, cuộc chuyển giao quyền lực giữa người cũ và người mới tại CTCP Xây dựng Công nghiệp - DESCON (DCC) đã được biểu quyết bằng lá phiếu trong ĐHCĐ bất thường vừa qua. Diễn ra khá ồn ào, thu hút sự chú ý của dư luận, thương vụ đã để lại nhiều dấu ấn về một chiêu thức mềm trong thâu tóm DN trên TTCK Việt Nam.

Phương án thâu tóm thông minh

Năm 2010, hoạt động thâu tóm trên hai sàn niêm yết khá sôi động. Điển hình là HVG thâu tóm AGF, PNJ thâu tóm SFC, mới đây nhất là CTCP Sản xuất, thương mại Thành Thành Công chào mua công khai 2,24 triệu cổ phiếu NHS để thâu tóm CTCP Đường Ninh Hòa. Tuy nhiên, trong các thương vụ này, để thâu tóm công ty khác, người mua đều phải bỏ ra một số tiền khá lớn. Cách thức thâu tóm DCC của nhóm cổ đông BTA rất mới, với chi phí khá thấp.

Thực tế, đã có lúc ông Huy tuyên bố đại diện cho nhóm cổ đông sở hữu trên 50% số cổ phần tại DCC, nhưng theo công bố trên HOSE, từ ngày 9/4 tới ngày 7/5, tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông này chỉ tăng từ 2% lên 21,6% (xem bảng).

Sự thay đổi tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông lớn Bình Thiên An tại DESCON (Nguồn: HOSE)

Thời gian

Trước 9/4/2010

12/4/2010

19/4/2010

7/5/2010

Ông Trịnh Thanh Huy

 1%

 1%

 1%

 1%

Bà Nghiêm Bách Hương

 1%

 1%

 1%

 1%

CTCP BĐS Bình Thiên An

 0%

 6,99%

13,3%

 19,6%

Tổng cộng

 2%

 8,99%

15,3%

 21,6%


Với mức giá cổ phiếu DCC biến động trong khoảng thời gian trên, để đạt tỷ lệ sở hữu này, các NĐT của BTA chỉ cần bỏ ra số tiền chưa tới 60 tỷ đồng. Như vậy, không cần phải chào mua công khai, không cần phải bỏ lượng tiền lớn để thu gom cổ phiếu, BTA đã chọn cách thâu tóm bằng việc thu phục sự ủng hộ của các cổ đông bên ngoài, cổ đông nội bộ và cả "người cũ" trong ban lãnh đạo DCC. Hiện nhóm cổ đông BTA đã giành được quyền kiểm soát DCC có vốn chủ sở hữu gần 210 tỷ đồng, thặng dư vốn cổ phần gần 95 tỷ đồng khi nắm 3/5 vị trí trong HĐQT DCC.

Giả thiết thâu tóm

Hiện tại, DCC là công ty hạng trung trong lĩnh vực xây lắp, nhưng có thế mạnh và tạo được uy tín trong việc thi công những công trình nhà xưởng, công trình công nghiệp trên địa bàn các tỉnh phía Nam. Theo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, DCC lãi 7,8 tỷ đồng trước thuế, EPS đạt 757 đồng. Kết quả kinh doanh khá nghèo nàn tại sao Công ty lại bị thâu tóm?

Giới quan sát nghiêng về giả thiết DCC bị thâu tóm do đang sở hữu các tài sản có giá. Chẳng hạn, năm 2007, DCC liên doanh với Tập đoàn PUMYANG Hàn Quốc triển khai Dự án PRECHE tại quận 2, TP. HCM. Ông Bảng cho biết, hiện dự án phải tạm dừng do khó khăn từ phía đối tác Hàn Quốc, nhưng chi chi phí đầu tư ban đầu khoảng 15 triệu USD, nếu tính theo giá thị trường, dự án có thể chuyển nhượng từ 25 - 30 triệu USD. Giá trị vốn hóa của DCC hiện dao động trong khoảng 260 - 290 tỷ đồng theo sự lên xuống của giá cổ phiếu DCC. Nếu chuyển nhượng dự án, mức lãi đã xấp xỉ giá trị vốn hóa DCC, chưa kể Công ty còn có các dự án khác như Khu căn hộ cao cấp tại Cần Thơ, Dự án DESCON Đà Lạt hay các công trình xây lắp.

Về phía người mua, các thành viên của nhóm cổ đông BTA luôn khẳng định, việc đầu tư vào DCC lấy tiêu chí phát triển Công ty làm mục tiêu hàng đầu, không nhằm chiếm hữu dự án. Ngược dòng thời gian khoảng 3 - 4 năm trước, chính BTA đã từng thâu tóm khá êm thấm một số công ty niêm yết khác như VFC, BT6... Sau khi bị thâu tóm, theo lời một lãnh đạo VFC, Công ty được tái cấu trúc trong khoảng thời gian 2 năm. Năm ngoái, nhóm cổ đông BTA đã hoàn tất quá trình chuyển giao quyền lực tại BT6. Chưa thấy các chuyển biến rõ rệt về kết quả kinh doanh của BT6, nhưng trong ĐHCĐ của DCC, khi tâm sự với các cổ đông, ông Huy cho biết "cán bộ, nhân viên BT6 đều cảm thấy sự thay đổi là tích cực".

Tiếng chuông cảnh báo

Giám đốc phụ trách mảng ngân hàng đầu tư của một CTCK lớn nhận định, bất kể động cơ thực sự sau việc thâu tóm DCC như thế nào, nhưng BTA hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, việc thâu tóm các công ty trong các mảng phụ trợ như xây lắp, vật liệu phụ kiện xây dựng… nằm trong một chuỗi giá trị, bổ trợ cho mảng kinh doanh chính cho thấy, cách thức thâu tóm được tiến hành bài bản và có chiến lược.

Sự kiện DCC không đơn giản là một viên đá ném xuống mặt hồ. Các DN niêm yết cần nhận diện và đối mặt với nguy cơ bị thâu tóm và sáp nhập bằng chiêu thức vừa mềm dẻo, vừa bất ngờ kiểu này. Đối tượng bị thâu tóm không chỉ là các DN có tài sản lớn nhưng hoạt động không hiệu quả, mà có thể là cả các DN kinh doanh có lãi, nhưng quản trị DN yếu kém hay các DN quy mô nhỏ hoạt động hiệu quả.

Ông Tô Hải, Tổng giám đốc CTCK Bản Việt nhận xét, khá nhiều DN niêm yết hiện nay dù đã là CTCP nhưng không hoạt động hiệu quả hay chưa biết cách khai thác hết các dư địa phát triển. Điều này khiến DN có thể lọt vào tầm ngắm thâu tóm của các DN mạnh hơn và điều này là hoàn toàn bình thường. Theo ông Hải, trường hợp DCC sẽ là bài học đắt giá cho nhiều DN khác. Các DN chỉ có thể tự bảo vệ bằng cách vươn lên để đủ mạnh trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.