Chính phủ cắt giảm, đơn giản hóa 5.000 thủ tục hành chính

Theo Quỳnh An/thanhtravietnam.vn

Con số này được công bố trong Báo cáo Tổng hợp của Chính phủ gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội vừa qua. Việc cắt giảm, đơn giản hóa hơn 5.000 thủ tục hành chính về điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, xuất nhập khẩu góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp.

 Việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính sẽ tạo thuận lợi cho người dân và giảm chi phí cho doanh nghiệp. Nguồn: internet
Việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính sẽ tạo thuận lợi cho người dân và giảm chi phí cho doanh nghiệp. Nguồn: internet

Cụ thể, Chính phủ đã trình Ủy ban thường vụ Quốc hội bản Báo cáo số 415 về Tổng hợp kết quả giải quyết, trả lời ý kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV ngày 10/10/2017 vừa qua.

Theo báo cáo, các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai cơ chế một cửa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ công trực tuyến và Chính phủ điện tử. Từ đó, công tác cải cách thủ tục hành chính đạt nhiều kết quả tích cực, được thống nhất, đơn giản, minh bạch, tiếp cận phù hợp với thông lệ quốc tế, nhằm kết nối cơ chế một cửa ASEAN với 4 nước.

Trong hơn một năm qua, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã tiến hành 36 cuộc kiểm tra. Qua đây, nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách đã được tháo gỡ, nhiều nhiệm vụ quá hạn còn nợ đọng được khẩn trương thực hiện.

Đồng thời, tinh thần, quan điểm, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được đôn đốc, thực hiện kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, tạo chuyển động thực sự về kỷ luật, kịp thời đưa các giải pháp, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành những kết quả cụ thể.

Năm 2017 được coi là năm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, do vậy, tất cả các cơ quan, Bộ, ngành cần chung tay vào cuộc. Ngay sau cuộc kiểm tra, việc khắc phục những bất bập, hạn chế đã có chuyển biến tích cực như: Bộ Công Thương đã cắt giảm được 420 mặt hàng phải kiểm tra tại khâu thông quan và có phương án cắt giảm, đơn giản 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công thương; Bộ Y tế đã bắt đầu thực hiện quản lý rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm,...

Với thời gian hơn 1 năm làm việc của Tổ công tác, kết quả thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, cơ quan, địa phương có những chuyến biến rõ nét, tiến bộ hơn rất nhiều so với thời điểm trước khi Tổ công tác được thành lập.

Cụ thể, từ ngày 01/01/2017 đến ngày 30/9/2017, trong tổng số 15.360 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương, có 8.670 nhiệm vụ đã được hoàn thành (đúng hạn 7.474, quá hạn 1.196); 6.690 nhiệm vụ chưa hoàn thành (trong hạn 6.455, quá hạn 235).

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp theo tinh thần quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đơn cử như, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2017, định hướng đến năm 2020, cũng như 09 Nghị quyết về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân.

Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo quản lý, vận hành hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Đến nay, thông qua hệ thống này, văn phòng Chính phủ đã chuyển đến các Bộ, ngành, địa phương xử lý, trả lời phản ảnh kiến nghị, cụ thể: Trong 820 phản ánh, kiến nghị của người dân gửi đến Công Thông tin điện tử Chính phủ thuộc phạm vi xem xét, giải quyết, Văn phòng Chính phủ đã tiến hành phân loại, chuyển 460 phản ánh, kiến nghị đến các Bộ, ngành, địa phương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền, còn lại 360 phản ánh, kiến nghị đang đề nghị người dân cung cấp, bổ sung thông tin để tiếp tục phân loại, chuyển xử lý. Các Bộ, ngành, địa phương đã xem xét, xử lý, trả lời được 249/460 phản ánh, kiến nghị, chiếm 45,86%. Còn lại đang được nghiên cứu, xem xét, xử lý.

Ngoài phản ánh của người dân, còn có 940 phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp gửi đến Cổng Thông tin điện tử Chính phủ thuộc phạm vi xem xét, giải quyết. Trong đó, đã giải quyết, trả lời 759/940 phản ánh, kiến nghị (chiếm 80,74%), còn lại 181/940 phản ánh, kiến nghị (chiếm 19,26%) các bộ, ngành, địa phương đang nghiên cứu, đề nghị doanh nghiệp cung cấp, bổ sung hồ sơ, tài tiệu còn thiếu để tổng hợp.

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 6 về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả hơn; xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử; cải cách mạnh mẽ việc giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân và tổ chức, tạo chuyển biến tích cực trong mối quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân thông qua việc thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông.