Chính phủ giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2022
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 3/12/2021 Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2047/QĐ-TTg về quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022.
Triển khai thực hiện dự toán NSNN năm 2022
Tại Quyết định số 2047/QĐ-TTg, Chính phủ giao dự toán NSNN năm 2022 cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương (sau đây gọi tắt là các bộ, cơ quan trung ương) và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ Tài chính giao cho các bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương các nhiệm vụ thu, chi với số thu phí, lệ phí; số phí, lệ phí nộp NSNN và số chi từ nguồn thu phí để lại của các bộ, cơ quan trung ương; thu chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; chi tiết các khoản thu được loại trừ khi xác định số tăng thu ngân sách địa phương dành để cải cách chính sách tiền lương; chi nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia; chi đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức; bổ sung có mục tiêu chi thường xuyên ngân sách trung ương cho ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo từng mục tiêu, nhiệm vụ theo mức dự toán đã được Quốc hội quyết định; tổng mức vay, vay bù đắp bội chi, vay để trả nợ gốc, mức bội chi của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Về triển khai thực hiện dự toán NSNN năm 2022, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện dự toán theo quy định của Luật NSNN và Luật Đầu tư công.
Các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong phạm vi quản lý được giao, có nhiệm vụ tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý thu NSNN; chống thất thu thuế, chống chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại; đôn đốc thu hồi nợ thuế, giảm nợ đọng thuế; kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế giá trị gia tăng; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính về thuế; thực hiện nghiêm quy định về đấu giá khi thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản công, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước đôn đốc doanh nghiệp nộp kịp thời vào NSNN số thu cổ tức, lợi nhuận được chia cho phần vốn Nhà nước tại các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đề cao kỷ luật, kỷ cương tài chính NSNN; phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu NSNN năm 2022. Điều hành chi NSNN chặt chẽ, hiệu quả, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; giảm mạnh kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài để dành nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, dự phòng cho các trường hợp bất khả kháng; tập trung chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao, giải ngân vốn đầu tư nguồn NSNN.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách; phân bổ và giao dự toán cho đơn vị sử dụng ngân sách đầy đủ, đúng thời hạn theo quy định; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp, tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với mức độ tự chủ theo quy định. Triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm hiệu quả sử dụng NSNN.
Tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính đặc thù được cấp có thẩm quyền quy định đối với một số cơ quan hành chính nhà nước cho tới khi thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chi ngân sách trung ương năm 2022
Tại Quyết định số 2047/QĐ-TTg, Thủ trướng Chính phủ giao Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể tính tiết kiệm tối thiểu 15% chi thường xuyên (ngoài chi tiền lương, phụ cấp, các khoản đóng góp theo lương và các khoản chi trực tiếp cho con người) so với dự toán năm 2021 để cắt giảm trước khi giao dự toán đối với các cơ quan, đơn vị đang được áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền sử dụng nguồn phí được để lại, nguồn thu ngoài NSNN (tương tự như đối với các cơ quan, đơn vị áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù sử dụng nguồn NSNN).
Đối với tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chi ngân sách trung ương năm 2022, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính lập dự toán chi trả nợ; chi trả chi phí phát hành, mua lại, hoán đổi, thanh toán trái phiếu Chính phủ trong phạm vi dự toán chi trả nợ lãi của ngân sách trung ương năm 2022 được Quốc hội quyết định.
Bên cạnh đó, căn cứ dự toán chi ngân sách năm 2022 đã được Quốc hội quyết định đối với từng lĩnh vực để phân bổ, giao kinh phí cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện các chính sách, chế độ đã được cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định; chi đóng niên liễm cho các tổ chức quốc tế và thanh toán phí dịch vụ cho hoạt động xếp hạng tín nhiệm quốc gia thường niên.
Cân đối ngoại tệ từ nguồn thu ngân sách bằng ngoại tệ và mua từ hệ thống ngân hàng để đáp ứng cho các nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương theo quy định được thực hiện bằng ngoại tệ. Hướng dẫn xử lý kinh phí phát sinh trong trường hợp có chênh lệch tỷ giá thực tế so với tỷ giá tính dự toán NSNN năm 2022.
Chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định cụ thể việc thu, nộp và sử dụng phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô thống nhất trong cả nước, bao gồm cả đường bộ thuộc Trung ương quản lý và đường bộ thuộc địa phương quản lý.
Xác định và giao chỉ tiêu tiết kiệm chi thường xuyên năm 2022 để tạo nguồn cải cách tiền lương cho từng bộ, cơ quan trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định. Xác định số tăng thu ngân sách trung ương trình cấp có thẩm quyền; số tăng, giảm thu nguồn ngân sách từng địa phương thực hiện năm 2022 so với dự toán năm 2022, làm cơ sở để thông báo cho các địa phương triển khai thực hiện.
Căn cứ nhiệm vụ thu, chi NSNN được Thủ tướng Chính phủ giao, các bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai giao dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 đến từng đơn vị trước ngày 31/12/2021. Thực hiện công khai và báo cáo kết quả phân bổ và giao dự toán theo quy định của Luật NSNN.
Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tổng hợp kết quả phân bổ dự toán NSNN năm 2022 của các bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội và thực hiện công khai theo quy định của Luật NSNN.