Chính phủ quyết tâm nâng mức xếp hạng tín nhiệm đạt mức khởi điểm của nhóm đầu tư vào năm 2020

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Ngay sau khi Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s thông báo về việc nâng bậc xếp hạng tín nhiệm (XHTN) của Việt Nam đối với trái phiếu Chính phủ được tăng lên 1 bậc, từ mức B2 lên mức B1 và mức triển vọng được đánh giá là Ổn định (chiều ngày 29/7/2014). Phóng viên đã nhận được khá nhiều thông tin của bạn đọc hỏi về các thông tin cơ bản liên quan tới XHTN của Việt Nam. Để làm rõ những thông tin có liên quan đến XHTN của Việt Nam, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) để làm rõ những vấn đề bạn đọc quan tâm. Xin giới thiệu nội dung bài phỏng vấn.

Phóng viên: Thưa ông Trương Hùng Long, xin ông có thể cho biết Hệ số tín nhiệm quốc gia là gì và cơ quan nào thực hiện xếp hạng tín nhiệm?

Chính phủ quyết tâm nâng mức xếp hạng tín nhiệm đạt mức khởi điểm của nhóm đầu tư vào năm 2020 - Ảnh 1
Ông Trương Hùng Long,
Cục trưởng Cục Quản lý nợ và  Tài chính đối ngoại
Ông Trương Hùng Long: Hệ số tín nhiệm quốc gia là chỉ số phản ánh khả năng và sự sẵn sàng hoàn trả đúng hạn tiền gốc, lãi trong tương lai đối với danh mục nợ của một quốc gia. Đây là chỉ số cơ bản được các nhà đầu tư xem xét như là một yếu tố để xác định mức độ rủi ro và khả năng sinh lời trước khi có quyết định đầu tư vào quốc gia đó. Như vậy có thể khẳng định một quốc gia có mức xếp hạng tín nhiệm (XHTN) càng cao thì thể hiện khả năng và sự sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ nợ tốt hơn so với quốc gia có mức XHTN thấp hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với nhận định: quốc gia có mức XHTN cao hơn thì mức độ rủi ro trong việc thực hiện các nghĩa vụ nợ sẽ thấp hơn.

Dịch vụ XHTN xuất hiện lần đầu tiên tại Mỹ vào những năm đầu tiên của thế kỷ 20. Hiện nay, trên thế giới có 3 tổ chức XHTN lớn nhất và có uy tín là Moody’s, Standard&Poor’s và Fitch Ratings. 3 tổ chức XHTN này chiếm hơn 90% thị phần dịch vụ XHTN trên toàn cầu trong tổng số gần 130/196 quốc gia có mức XHTN. Việt Nam hiện nay được đánh giá xếp hạng bởi 3 tổ chức XHTN danh tiếng là Moody’s, Standard&Poor’s và Fitch Ratings. Ngoài ra, Rating &Investment Information Inc. (Nhật Bản) cũng thực hiện đánh giá và công bố mức XHTN của Việt Nam hàng năm phục vụ nhu cầu về thông tin cho các nhà đầu tư Nhật Bản. Đây là điều kiện tiên quyết giúp cho Việt Nam tham gia và thị trường vốn quốc tế.

Vậy những diễn biến về kinh tế vĩ mô trong thời gian qua đã có ảnh hưởng như thế nào đến kết quả XHTN của Việt Nam và việc cải thiện mức XHTN quốc gia được nhìn nhận và đánh giá như thế nào?

Ở nước ta, bắt đầu từ năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai nhiệm vụ đánh giá xếp hạng tín nhiệm quốc gia và bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, kể từ khi xuất hiện sự suy giảm kinh tế thế giới vào năm 2008, trước tác động nặng nề, phức tạp của sự suy thoái kinh tế toàn cầu và khủng hoảng nợ công khu vực đồng tiền chung Châu Âu ngày càng trầm trọng, cùng với các diễn biến kinh tế vĩ mô trong nước chưa ổn định, lạm phát, lãi suất tín dụng cao, nợ xấu của hệ thống ngân hàng gia tăng, thanh khoản của một số ngân hàng thương mại khó khăn, dự trữ ngoại hối nhà nước suy giảm, áp lực đối với tỷ giá lớn, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản biến động mạnh, hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn... vì vậy đã có tác động tiêu cực đến hệ số tín nhiệm quốc gia.

Thực tế cho thấy các tổ chức xếp hạng tín nhiệm thường rất dễ hạ mức XHTN quốc gia nếu nhận thấy có dấu hiệu tiêu cực của các yếu tố kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, việc nâng bậc tín nhiệm quốc gia lại rất khó khăn, cần thời gian dài vì cần phải đảm bảo chắc chắn rằng có các tín hiệu rõ ràng về phục hồi, ổn định và phát triển bền vững đối với các chỉ số kinh tế vĩ mô.

Việc cải thiện mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia có một ý nghĩa hết sức quan trọng. Một mặt, đây là vấn đề về uy tín quốc gia trên trường quốc tế. Mặt khác, trong bối cảnh Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình, nguồn vốn ODA dành cho Việt Nam sẽ giảm dần từ 2015 và sẽ phải dựa nhiều hơn vào các nguồn vốn vay ưu đãi, vay thương mại trên thị trường vốn quốc tế. Việc cải thiện XHTN quốc gia sẽ giúp Chính phủ cũng như các doanh nghiệp, định chế tài chính nhà nước và tổ chức tín dụng khi thực hiện huy động vốn vay hoặc phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế có thể giảm được chi phí huy động vốn.

Thưa ông, vậy ông có thể cho biết rõ hơn căn cứ và lý do để Moody’s nâng bậc XHTN cho Việt Nam vào ngày 29/7/2014 và ý nghĩa của việc Moody’s nâng bậc XHTN cho Việt Nam?

Trong thời gian qua kinh tế Việt Nam đã chịu ảnh hưởng lớn của khủng hoảng kinh tế toàn cầu giai đoạn 2008-2010. Tăng trưởng kinh tế suy giảm đi kèm với lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm 2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11 trong đó đưa ra các giải pháp chủ yếu nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Có thể khẳng định Chính phủ và các Bộ, ngành, trong đó đặc biệt ghi nhận sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã rất nỗ lực, quyết tâm và kiên định theo đuổi mục tiêu đặt ra và từ năm 2012, kinh tế vĩ mô đã có những chuyển biến tích cực và đây được coi là yếu tố quyết định để ngày 29/7/2014 Moody’s công bố nâng bậc XHTN cho Việt Nam từ B2 lên B1. Trong đó nổi lên những yếu tố quan trọng như:

Thứ nhất, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định hơn với chỉ số giá cả được duy trì dưới mức 7,5% trong 26 tháng liên tiếp, đây là khoảng thời gian dài nhất lạm phát được duy trì ở mức thấp kể từ năm 2000. Trong đó mức lạm phát cao nhất của Việt Nam vào tháng 8/2011 ở mức 23% và sau đó đã giảm dần, năm 2012 và 2013 lạm phát đã giảm xuống mức tương ứng là 9,21% và 8%.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy có chậm lại so với xu hướng tăng trưởng của thập kỷ trước, nhưng vẫn ở mức cao so với các nước cùng nhóm XHTN. GDP bình quân giai đoạn 2012-2014 ở mức 5,3% thấp hơn so với mức bình quân 6,8% của giai đoạn 2002-2011.

Thứ hai, cán cân thanh toán và vị thế đối ngoại được cải thiện nhờ đa dạng hóa cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu theo hướng tập trung vào các sản phẩm có hàm lượng vốn cao. Thay vì xuất khẩu các mặt hàng truyền thống sử dụng nhiều lao động như giày dép, dệt may, Việt Nam đã tập trung xuất khẩu các mặt hàng có giá trị cao như hàng điện tử, sản phẩm công nghệ cao. Kim ngạch nhập khẩu có mức tăng trưởng thấp hơn đã giúp cho cán cân vãng lai chuyển từ thâm hụt sang thặng dư đáng kể, góp phần làm tăng dự trữ ngoại hối lên mức cao kỷ lục là 35,9 tỷ USD vào cuối tháng 4/2014 và ổn định tỷ giá. Nếu so sánh năm 2011 nhập siêu ở mức 10 tỷ USD thì năm 2012 đã chuyển sang xuất siêu 0,7 tỷ USD và đến năm 2013 xuất siêu đạt mức 7,1 tỷ USD; Cán cân thanh toán năm 2010 thâm hụt 1,8 tỷ USD nhưng đã chuyển sang thặng dư 557 triệu USD vào năm 2013.

Thứ ba, môi trường hoạt động của khu vực ngân hàng dần bình ổn: mặc dù nợ xấu vẫn là khó khăn đối với hệ thống ngân hàng, tuy nhiên việc Chính phủ thực hiện hàng loạt các giải pháp đồng bộ nhằm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã giúp hoạt động của khu vực ngân hàng đã dần đi vào ổn định và góp phần làm giảm nguy cơ rủi ro đối với ngân sách của Chính phủ.

Thứ tư, chất lượng thông tin cung cấp cho các tổ chức XHTN quốc tế, trong đó có Moody’s đã được cải thiện rõ rệt. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, sự chỉ đạo của các Bộ, ngành trong các nỗ lực nhằm nâng cao hình ảnh và uy tín của Việt Nam trên trường Quốc tế. Việc Moody’s là tổ chức XHTN và là một trong ba tổ chức XHTN lớn trên thế giới, có những nhận định, đánh giá thận trọng nhất đối với XHTN của Việt Nam là thông điệp có ý nghĩa hết sức tích cực, góp phần giúp các nhà đầu tư có nhìn nhận tích cực hơn về Việt Nam, đồng thời có tác động rất lớn tới tâm lý, quyết định của các nhà đầu tư quốc tế, qua đó đã góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam và góp phần làm giảm chi phí huy động vốn trong trường hợp Chính phủ Việt Nam tiếp cận thị trường vốn quốc tế.

Có thể nhận thấy ngay trong ngày 29/07/2014, sau khi thị trường đón nhận thông tin về việc Moody’s nâng bậc tín nhiệm cho Việt Nam, giá trái phiếu Chính phủ phát hành năm 2010 đã tăng 0,5 điểm, giá 114 USD/100 USD mệnh giá trái phiếu so với mức 112 USD/100 USD mệnh giá trái phiếu ngày 25/7/2014. Đồng thời, việc Moody’s nâng bậc XHTN của Việt Nam cũng mang lại tác động tích cực đối với tổ chức OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế) trong việc xem xét lại đánh giá về mức độ rủi ro tín dụng của Việt Nam. Trong trường hợp tổ chức này nâng bậc rủi ro tín dụng cho Việt Nam sẽ làm giảm trực tiếp phí bảo hiểm rủi ro tín dụng cho các doanh nghiệp trong nước khi vay vốn nước ngoài.

Việt Nam được đánh giá xếp hạng bởi 3 tổ chức XHTN danh tiếng là Moody’s, Standard&Poor’s và Fitch Ratings.

Việc nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam cũng mang lại những ảnh hưởng tích cực đối với các tổ chức/doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm ưu thế. Các tổ chức/doanh nghiệp cũng sẽ có cơ hội xem xét nâng bậc tín nhiệm trong trường hợp XHTN của quốc gia được cải thiện. Cụ thể, ngay sau khi Moody’s công bố nâng bậc XHTN cho Việt Nam thì 2 ngân hàng là Vietinbank và BIDV cũng được Moody’s thông báo nâng 1 bậc XHTN. Việc nâng bậc XHTN giúp các tổ chức này giảm bớt chi phí khi huy động vốn trên thị trường quốc tế mà quan trọng hơn, việc nâng bậc XHTN sẽ giúp 2 ngân hàng này nâng cao uy tín trong con mắt của các nhà đầu tư.

Thưa ông, có thể nhận thấy việc triển khai của Chính phủ là khá kịp thời và đồng bộ đối với những giải pháp có tính vĩ mô để nâng cao XHTN quốc gia, tuy nhiên chắc chắn trong quá trình triển khai thực hiện sẽ không tranh khỏi những khó khăn, thách thức đối với XHTN của Việt Nam, ông có nhận định gì về vấn đề này?

Đúng vậy, chúng ta đều có thể nhận thấy rõ điều này, trong đó tôi xin nhấn mạnh một số điểm cơ bản như:

Một là, mặc dù hiện nay Việt Nam đã bước vào nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình, song thu nhập bình quân đầu người vẫn ở mức thấp so với các nước trong cùng nhóm xếp hạng tín nhiệm, khoảng gần 2.000 USD/người (năm 2013) so với mức trung bình các nước có cùng hệ số tín nhiệm BB ở mức khoảng 5.000 USD/người.

Hai là, tăng trưởng GDP tuy vẫn ở mức tương đối cao nhưng chất lượng tăng trưởng chưa cao, có xu hướng thiên về chiều rộng, chủ yếu dựa vào gia tăng số lượng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên, nguyên liệu thô, chi phí sản xuất và tiêu hao còn ở mức cao. Vì vậy, khả năng cải thiện đời sống và tăng thu nhập bình quân đầu người bị hạn chế.

Ba là, tình trạng lạm phát còn có những biến động cần tiếp tục kiểm soát. Nguyên nhân chủ yếu là do giá cả một số nguyên liệu đầu vào trên thế giới có xu hướng biến dộng tăng dẫn đến giá cả trong nước sẽ tăng theo.

Bốn là, tính ổn định và bền vững trong cân đối ngân sách nhà nước thể hiện thông qua chỉ tiêu thâm hụt tài khoá còn cao.

Năm là, vấn đề nợ xấu và chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng cũng là yếu tố rủi ro lớn đối với mức XHTN của Việt Nam.

Như vậy mục tiêu về nâng cao mức XHTN của Việt Nam trong thời gian tới là gì và Chính phủ sẽ làm gì để đạt được mục tiêu nâng mức XHTN đạt mức tối thiểu bằng mức khởi điểm của nhóm đầu tư vào năm 2020?

Ông Trương Hùng Long: Nhận thức được vấn đề quan trọng này, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao định mức XHTN quốc gia trong đó đặt mục tiêu là phấn đấu đến năm đến năm 2020 nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức đầu tư, đạt mức xếp hạng tín nhiệm từ Baa3 (đối với Moody’s) hoặc BBB- (đối với S&P và Fitch) trở lên.

Đến ngày 06/2/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 304/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nâng cao định mức XHTN quốc gia. Theo đó, XHTN của quốc gia được xác định phấn đấu xếp trong nhóm đầu tư có nghĩa là các công cụ nợ của quốc gia được đánh giá là ít rủi ro. Trên thị trường các công cụ này thường có tính thanh khoản cao hơn so với các công cụ được xếp vào nhóm đầu cơ là xếp hạng hiện nay của Việt Nam.

Để nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức đầu tư, Chính phủ đã đặt ra các giải pháp chính như sau: (i) Tiếp tục duy trì ổn định chính trị-xã hội và thể chế; (ii) Đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế; (iii) Thực hiện đầy đủ, nhất quán tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế; (iv) Tăng cường hiệu quả thu thập và cung cấp thông tin cho các cơ quan XHTN; (v) Tăng cường phối hợp giữa các Bộ, cơ quan liên quan trong công tác thực hiện XHTN quốc gia. Đồng thời ngày 25/10/2013, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 61/QĐ-TTg để tăng cường việc cung cấp thông tin và phối hợp thực hiện công tác XHTN quốc gia giữa các Bộ và cơ quan liên quan.

Xin cảm ơn ông đã tham gia cuộc phỏng vấn.