Chính sách bảo hiểm tiền gửi góp phần giảm thiểu rủi ro đạo đức

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay, giảm thiểu rủi ro đạo đức là thách thức đối với nhiều tổ chức, trong đó hệ thống bảo hiểm tiền gửi (BHTG) không phải là ngoại lệ. Xây dựng các quy định về BHTG hiệu quả để giảm thiểu tác động của loại hình rủi ro này, qua đó góp phần ổn định thị trường tài chính và củng cố niềm tin công chúng vào hệ thống ngân hàng là yêu cầu cấp thiết đặt ra.

Hệ thống phí BHTG trên cơ sở rủi ro được coi là công cụ hiệu quả để thiết lập kỷ luật đối với các tổ chức tham gia BHTG. Nguồn: internet
Hệ thống phí BHTG trên cơ sở rủi ro được coi là công cụ hiệu quả để thiết lập kỷ luật đối với các tổ chức tham gia BHTG. Nguồn: internet
Kinh nghiệm quốc tế

Theo Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI), rủi ro đạo đức trong hệ thống BHTG là việc người gửi tiền hoặc các chủ nợ chấp nhận quá nhiều rủi ro với niềm tin họ luôn được bảo vệ trước thiệt hại, hoặc các tổ chức tham gia BHTG sẽ không bao giờ đổ vỡ, từ đó dẫn đến tình trạng chủ quan không giám sát tình hình hoạt động của các tổ chức trên. Thực tế đó cho thấy rằng, việc xây dựng mô hình tổ chức BHTG hiệu quả nhằm thiết lập kỷ cương thị trường, giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực mà rủi ro đạo đức là một yêu cầu thiết yếu.

Có thể kể ra đây các nhân tố góp phần tích cực trong quá trình giảm thiểu rủi ro đạo đức bao gồm: kỷ luật người gửi tiền, giới hạn về hạn mức trả BHTG, hệ thống tính phí BHTG trên cơ sở rủi ro, cơ chế điều hành và giám sát cẩn trọng, quyền can thiệp sớm và xử lý đổ vỡ... Trong đó, theo kinh nghiệm quốc tế, các vấn đề về hạn mức trả tiền bảo hiểm và phí BHTG có ảnh hưởng lớn đến khởi nguồn của rủi ro đạo đức.

Đối với hạn mức trả BHTG, đây là lĩnh vực liên quan đến kỷ luật và hành vi người gửi tiền. Theo đó, duy trì hạn mức thấp nhằm mục tiêu bảo vệ số đông với lượng tiền tiết kiệm nhỏ và ngược lại, hạn mức cao và phạm vi bảo hiểm rộng để hạn chế nguy cơ rút tiền hàng loạt, đồng thời khuyến khích gia tăng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng. Chính vì vậy, khi xây dựng hạn mức trả BHTG, bên cạnh việc tăng cường giám sát hiệu quả rủi ro đạo đức, cần xem xét các yếu tố thể chế như: nâng cao hạn mức trả BHTG giai đoạn khủng hoảng để ổn định thị trường tài chính, hoặc xem xét cắt giảm hạn mức khi nguồn lực của tổ chức BHTG hạn hẹp.

Ngược lại, hệ thống phí BHTG trên cơ sở rủi ro được coi là công cụ hiệu quả để thiết lập kỷ luật đối với các tổ chức tham gia BHTG. Nếu phí BHTG phản ánh mức độ rủi ro của tổ chức tham gia BHTG, việc nâng cao mức phí sẽ hạn chế hành vi chấp nhận rủi ro, từ đó góp phần giảm thiểu rủi ro đạo đức. Để triển khai hiệu quả mô hình tính phí phân biệt, tổ chức BHTG cần được tiếp cận với nguồn thông tin kịp thời, chi tiết về đặc tính rủi ro của tổ chức tham gia BHTG, đồng thời có khả năng phân tích và nguồn lực kỹ thuật để có đánh giá chuẩn xác về các tổ chức tham gia BHTG.

Cùng với hai vấn đề nêu trên, để giảm thiểu rủi ro đạo đức, điều kiện tiên quyết là cần có một tổ chức BHTG với cơ chế giám sát cẩn trọng và xử lý đổ vỡ hiệu quả. Ngoài ra, một số yếu tố khác như: năng lực của tổ chức BHTG để thanh toán kịp thời cho người gửi tiền được bảo hiểm, đòi hỏi về nguồn nhân lực, nền tảng công nghệ tiên tiến, đóng cửa lập tức các tổ chức tài chính mất khả năng thanh khoản… cũng đóng vai trò thiết yếu trong vấn đề giảm thiểu rủi ro đạo đức...

Một số đề xuất đối với Việt Nam

Rủi ro đạo đức là một nguy cơ hiện hữu trong lĩnh vực BHTG tại Việt Nam, thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau. Thời gian vừa qua, rủi ro đạo đức đã có những diễn biến phức tạp, trong đó có gian lận bảo hiểm, trục lợi bảo hiểm. Thực tế cho thấy, mặc dù Việt Nam có nguy cơ cao chịu tác động của rủi ro đạo đức, tuy nhiên vẫn chưa có cơ chế chính sách, công cụ hoàn chỉnh nhằm giảm thiểu và hạn chế hậu quả của rủi ro này. 

Xét về hạn mức chi trả bảo hiểm, mức chi trả của BHTG Việt Nam mới chỉ 50 triệu đồng cho một khoản tiền gửi của cá nhân là quá thấp, không đủ để tác động tới thị trường cũng như khiến người gửi tiền đặt niềm tin vào hệ thống ngân hàng. Đây là thái cực ngược lại với một số nước trên thế giới, với việc đặt hạn mức chi trả bảo hiểm cao, đã được coi như  tác nhân khiến gây gia tăng rủi ro đạo đức. 

Xét về hệ thống phí BHTG, nếu như thế giới coi đây là công cụ hiệu quả để thiết lập kỷ luật đối với các tổ chức tham gia BHTG, thì Việt Nam đang “bỏ quên” công cụ này. Hiện nay, với mức phí đồng đều với mọi tổ chức tham gia BHTG thực chất lại “tạo môi trường” để rủi ro đạo đức phát tán và phát tác mạnh mẽ.

Yếu tố kỷ luật thị trường cũng không được đảm bảo khi thông tin về các tổ chức tham gia BHTG không được công bố công khai. Bên cạnh đó, thông tin dễ bị tác động nhiễu loạn, khiến cho những “tin đồn ác ý” dễ dàng gây xáo động thị trường. Về cơ chế điều hành, giám sát, hiện chưa có sự phân vai cụ thể bằng các văn bản pháp luật về vai trò và phương thức phối hợp của các tổ chức trong mạng an toàn tài chính, trong đó có BHTG Việt Nam. Cơ chế can thiệp sớm và xử lý đổ vỡ chưa thực sự hoàn thiện cũng khiến các cơ quan hữu trách khó triển khai hoạt động…

Để có thể giảm thiểu rủi ro đạo đức, cần thực hiện song song nhiều biện pháp từ bên trong và bên ngoài các tổ chức tín dụng (TCTD), tác động tổng thể tới cả các TCTD lẫn người gửi tiền và thị trường nói chung, trong đó tổ chức BHTG có vai trò đặc biệt quan trọng… Với trường hợp Việt Nam, chúng tôi xin đưa ra một vài giải pháp then chốt về hạn mức chi trả, phí bảo hiểm và cơ chế giám sát.

Trước hết, cần ban hành các chính sách nhằm thúc đẩy việc quản trị tốt các TCTD cũng như tăng cường hệ thống quản lý, cơ chế giám sát mạnh mẽ như một công cụ thiết yếu giảm thiểu rủi ro đạo đức, và cơ chế giảm tối đa chi phí cho tổ chức BHTG thông qua cảnh báo, can thiệp sớm các TCTD có vấn đề.

Hai là, thực hiện xây dựng cơ chế hạn mức chi trả bảo hiểm phù hợp: không quá cao để thúc đẩy rủi ro đạo đức, nhưng cũng không quá thấp như hiện nay, đồng thời cũng phải bảo đảm linh hoạt để có thể thay đổi phù hợp với tình hình thị trường.

Ba là, triển khai cơ chế tính phí BHTG dựa trên cơ sở rủi ro, nhằm tạo ra áp lực đối với các tổ chức ngân hàng hạn chế thực hiện các quyết định có nguy cơ cao. Tất nhiên, việc áp dụng cách tính phí dựa trên cơ sở rủi ro cần thực hiện theo tiến trình tương thích với các chính sách khác nhằm minh bạch hóa thị trường ngân hàng, tránh những làn sóng rút tiền ồ ạt.

Bốn là, cần quy định rõ những điều khoản miễn trừ để BHTG Việt Nam có quyền từ chối bảo hiểm cho một số trường hợp vi phạm pháp luật như: gian lận bảo hiểm, tiền gửi có liên quan đến hành vi rửa tiền hoặc phạm pháp, các trường hợp có thể làm gia tăng rủi ro đạo đức như tiền gửi liên ngân hàng, tiền gửi của chính quyền hoặc các tổ chức công, tiền gửi ngoại tệ...

Như vậy, vai trò của BHTG trong việc giảm thiểu rủi ro đạo đức sẽ càng rõ ràng, phát huy mục tiêu giữ gìn sự lành mạnh hệ thống ngân hàng và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.