Chính sách biển Đông của Mỹ hiện nay

PGS., TS. HÀ MỸ HƯƠNG - Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

(Tài chính) Những năm gần đây, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp, trở thành một vấn đề nóng bỏng, thu hút mạnh sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới. Tính chất phức tạp của vấn đề Biển Đông có nguy cơ đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực. Hiện trạng này đã và đang làm dấy lên sự quan ngại sâu sắc của các quốc gia về an ninh trên Biển Đông.

Biển Đông đang là tâm điểm chú ý của thế giới. Nguồn: internet
Biển Đông đang là tâm điểm chú ý của thế giới. Nguồn: internet

Tầm quan trọng của Biển Đông đối với Mỹ

Có thể nhận thấy Mỹ ngày càng quan tâm nhiều hơn đến tình hình tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, trước hết là do Mỹ lo ngại về quyền tự do đi lại trên biển và nhu cầu bảo vệ hoạt động kinh doanh của các công ty năng lượng Mỹ, nói rộng ra là lợi ích kinh tế của Mỹ.       

Đối với Mỹ, Biển Đông là một mắt xích quan trọng trong sự điều chỉnh chiến lược từ châu Âu - Đại Tây Dương sang châu Á - Thái Bình Dương. Là một cường quốc biển có vị trí địa lý được bao bọc bởi hai đại dương, Mỹ luôn quan tâm đến vai trò của biển và quyền lực biển đối với xây dựng, phát triển và bảo vệ an ninh đất nước. Các chiến lược gia Mỹ coi việc kiểm soát đại dương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và là nhân tố chính trong việc kiểm soát thế giới. Điều này lý giải vì sao từ rất sớm, Mỹ đã hoạch định chiến lược kiểm soát đại dương, xây dựng lực lượng hải quân hùng hậu nhất thế giới, lấy đó làm cơ sở để xác lập và mở rộng ảnh hưởng trên tất cả các đại dương. Chính vì vậy, mối quan tâm đến Biển Đông gần như là điều đương nhiên với Mỹ.

Thứ hai, trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, vùng biển này ngày càng chiếm giữ vị thế quan trọng trong chiến lược biển, quyền lực biển của Mỹ do Biển Đông tiếp tục là một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất, quan trọng nhất của thế giới nối liền châu Âu với châu Á, Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương. Thứ ba sự dịch chuyển cán cân quyền lực thế giới từ châu Âu sang châu Á, mà sự dịch chuyển này lại liên quan trực tiếp đến sự trỗi dậy và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực. Trung Quốc ngày càng trở thành nhân tố chủ chốt đe dọa vị thế siêu cường thế giới duy nhất của Mỹ.     

Như vậy, lợi ích của Mỹ ở Biển Đông bao gồm các loại lợi ích đa dạng về tự do hàng hải, kinh tế, chính trị, quân sự và an ninh, mà những lợi ích này là không thay đổi. Đông Nam Á cùng các tuyến đường trên Biển Đông có thể cung cấp cho Mỹ một vị trí dễ dàng tiếp cận về phía Nam lục địa. Kết hợp với việc tăng cường sự có mặt về quân sự ở Trung Á, liên minh chặt chẽ hơn với Nhật Bản về quân sự và an ninh ở phía Đông, Đông Nam Á có thể giúp Mỹ tạo thành vành đai chiến lược từ phía Tây xuống phía Nam và kéo sang phía Đông để bảo vệ lợi ích của Mỹ và các đồng minh ở đây.           

Chính sách của Mỹ đối với các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông          

Nội dung chính sách và mục tiêu chiến lược

Chính sách Biển Đông của Mỹ được thể hiện trong Tuyên bố Hà Nội của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) ngày 24/7/2010. Tuyên bố Hà Nội có thể được hiểu như một phần của chính sách “tái can dự” hay “nước Mỹ đã trở lại” của chính quyền Obama đối với vấn đề Biển Đông(1), có thể khái lược thành những điểm sau:         

- Mỹ cũng như các quốc gia khác có lợi ích quốc gia trong việc đảm bảo tự do thông thương hàng hải, quyền tự do tiếp cận các vùng biển chung của châu Á và sự tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông.        

- Mỹ ủng hộ tiến trình đàm phán hòa bình giữa tất cả các bên có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Mỹ phản đối bất kỳ sự sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực bởi bất kỳ bên nào.  

- Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông.    

- Mỹ sẵn sàng hỗ trợ các sáng kiến và biện pháp xây dựng lòng tin phù hợp với Tuyên bố năm 2002 giữa Trung Quốc và ASEAN về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông.      

- Các bên có tranh chấp theo đuổi các tuyên bố chủ quyền và các quyền kèm theo đối với vùng biển phải phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển(2).          

Như vậy, một mặt, Mỹ vẫn theo đuổi chính sách trung lập, không đứng về bên nào, mặt khác, đang ngày càng dính líu sâu vào quá trình giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á trên Biển Đông.

Với Trung Quốc, Mỹ vừa là một đối tác ngoài khu vực, hợp tác với Trung Quốc trong giải quyết tranh chấp trên Biển Đông một cách hòa bình, lại vừa là một nhân tố ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông. Mỹ vừa tranh thủ những cơ chế đối thoại, hợp tác với Trung Quốc nhằm xây dựng một giải pháp đa phương, lại vừa thực hiện các hoạt động do thám, nghiên cứu tại Biển Đông nhằm thăm dò sức mạnh quân sự của Trung Quốc.  

Với các quốc gia Đông Nam Á, Mỹ đóng vai trò  một quốc gia tạo đối trọng với Trung Quốc, duy trì sự cân bằng quyền lực và ổn định khu vực tại Biển Đông bằng cách tăng cường quan hệ với các quốc gia tranh chấp khác, đặc biệt về quân sự. Ngoài ra, Mỹ cũng để ngỏ khả năng can thiệp dưới danh nghĩa bảo đảm tự do hàng hải trong khu vực một khi có xung đột xảy ra, nghĩa là có thể đưa quân trở lại khu vực với mục đích đảm bảo an ninh cho các tuyến hàng hải. Theo đó, Mỹ xác định mục tiêu chiến lược ở Biển Đông như sau:         

Một là, Mỹ không thừa nhận cơ sở pháp lý của các đòi hỏi chủ quyền đối với Biển Đông của bất kỳ nước nào, kể cả Philippines (đồng minh truyền thống), nhằm tránh cho Mỹ khỏi dính líu vào cuộc chiến pháp lý phức tạp và chắc chắn sẽ kéo dài, làm hao tổn các nguồn lực của Mỹ. Tuy nhiên, lý do được xem là quan trọng hơn, đó là việc thừa nhận cơ sở pháp lý của các yêu sách chủ quyền của bất kỳ bên nào cũng sẽ bất lợi cho Mỹ. Nếu thừa nhận yêu sách chủ quyền của một bên, tức là Mỹ đã giúp cho bên đó có lợi thế hơn.

Về phương diện chiến lược, nếu một nước nào đó làm chủ Biển Đông, ưu thế chiến lược ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ nghiêng về họ, tuyến phòng thủ của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương có nguy cơ bị phá vỡ. Còn nếu Mỹ thừa nhận cơ sở pháp lý của các yêu sách chủ quyền của các nước Đông Nam Á có liên quan, Mỹ sẽ đối đầu trực tiếp với Trung Quốc. Trong bối cảnh còn phải đối phó với các vấn đề trong và ngoài nước, Mỹ không muốn tiếp tục bị lôi kéo vào một cuộc xung đột nữa, nhất là đối với Trung Quốc.           

Hai là, đảm bảo việc đi lại tự do trên các con đường quốc tế, ngăn cản việc giải quyết cuộc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông bằng vũ lực. Trong số các bên tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, Trung Quốc có ưu thế vượt trội về quân sự, có thể tiến hành độc chiếm Biển Đông bằng quân sự. Việc chủ trương giải quyết vấn đề Biển Đông thông qua thương lượng đa phương sẽ tạo cơ hội cho Mỹ có tiếng nói trong quá trình giải quyết cuộc tranh chấp này. Từ đó vai trò và vị trí của Mỹ ở Đông Nam Á sẽ được nâng cao.         

Ba là, Biển Đông là “quân cờ” quan trọng của Mỹ trong mục tiêu kiềm chế tham vọng của những nước muốn độc chiếm khu vực này, bởi nếu để xảy ra tình trạng đó, lợi ích chiến lược của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương sẽ bị tổn hại nghiêm trọng. Ngoài ra, Mỹ muốn qua Biển Đông để thể hiện vai trò của Mỹ đối với thế giới thời kỳ “hậu Irắc”.  

Bốn là, sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ sau khủng hoảng tài chính khiến cho nhiều nước cho rằng vai trò của Mỹ đối với thế giới đang yếu đi. Để lấy lại hình ảnh và cũng là để trấn an dư luận quốc tế về sức mạnh của mình, Mỹ rất cần một địa điểm để làm mới vai trò của mình và  Mỹ đã lựa chọn Biển Đông.       

Những năm gần đây, Mỹ đang muốn đóng vai trò một chủ thể bên ngoài có sức nặng trong giải quyết tranh chấp Biển Đông. Đồng thời, Mỹ gửi đi một thông điệp rằng, Mỹ sẵn sàng trở thành một lực lượng duy trì an ninh, ổn định tại Biển Đông cũng như toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có thể làm chỗ dựa cho các nước Đông Nam Á trước sự đe dọa từ Trung Quốc.      

Một số bước triển khai chính sách của Mỹ đối với các bên tranh chấp tại Biển Đông    

Với các quốc gia ASEAN: Những năm gần đây, vị thế chiến lược cũng như sức mạnh của ASEAN không ngừng tăng lên. Vì vậy, ASEAN có một vị trí ngày càng quan trọng hơn trong chính sách của Mỹ đối với Đông Nam Á. Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Obama đã thực hiện nhiều thay đổi trong chính sách đối ngoại, mà đối với Đông Nam Á là một trong những thay đổi đáng kể nhất.

Trong Báo cáo đánh giá quốc phòng bốn năm (2/2010), Lầu Năm Góc lần đầu tiên xác định cụ thể ba nhóm quốc gia chính ở khu vực “cần thiết phải tiếp tục nuôi dưỡng các quan hệ về quốc phòng” như sau: 1. Đồng minh chính thức (Thái Lan, Philippines); 2. Đối tác chiến lược (Xingapo); 3. Đối tác chiến lược tiềm năng (Malaixia, Inđônêxia, Việt Nam)(3). Đối với cả khối, Mỹ đã tiến một bước sâu hơn bằng việc ký kết Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) với các quốc gia ASEAN (7-2009); cử đại sứ đến ASEAN; cam kết thúc đẩy giải quyết hòa bình các tranh chấp khu vực,v.v.. Những động thái này đánh dấu bước tiến thực chất trong việc Mỹ tiến hành “tiếp xúc sâu sắc” đối với Đông Nam Á.    

Điều đáng chú ý là Mỹ nêu quan điểm rằng, giải quyết tranh chấp ở Biển Đông phải là công việc của cả ASEAN với Trung Quốc. Quan điểm này xuất phát từ những thực tế sau: Về địa lý, trừ Lào, Myanma, các nước còn lại đều tiếp giáp Biển Đông, vì vậy ASEAN hoàn toàn có lý do cùng hợp tác bảo vệ quyền lợi, an ninh ở Biển Đông.

Về tương quan lực lượng, không một nước tranh chấp nào có đủ sức mạnh để đạt được một giải pháp hợp lý trong đàm phán song phương với Trung Quốc, vì vậy sức mạnh của cả ASEAN sẽ tạo nên một mức độ cân bằng tương đối với Trung Quốc. Do vậy, Mỹ đề cao vai trò đi đầu của ASEAN trong giải quyết tranh chấp khu vực, giúp ASEAN ngày càng mạnh lên đủ khả năng giữ cân bằng quan hệ với các cường quốc trong khu vực.        

Về phần mình, các nước ASEAN muốn Mỹ đóng vai trò trong tranh chấp ở Biển Đông như một quốc gia đối trọng ảnh hưởng với Trung Quốc, có khả năng duy trì được sự cân bằng quyền lực và ổn định khu vực tại Biển Đông. Trên lĩnh vực ngoại giao, những tuyên bố của Mỹ cam kết đảm bảo tự do hàng hải và ổn định khu vực đã tạo được một mối an tâm nhất định cho các quốc gia ASEAN rằng Mỹ không đứng ngoài cuộc với tranh chấp.

Trên thực tế, Mỹ cũng luôn ủng hộ những nỗ lực giữa các bên nhằm giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng con đường hòa bình theo tinh thần của UNCLOS 1982 và Tuyên bố ứng xử Biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN (DOC) 2002. Đặc biệt là Mỹ đang tích cực ủng hộ đàm phán ASEAN - Trung Quốc về việc đi tới ký kết Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC), nhấn mạnh rằng Bộ quy tắc cần đưa ra “khuôn khổ dựa trên các quy định có tính ràng buộc để ngăn chặn và quản lý tranh chấp”(4). Đồng thời, thông qua các cơ chế khu vực như Diễn đàn an ninh khu vực ARF, Hiệp ước TAC, ADMM+,... Mỹ đã đóng góp tiếng nói đối với việc duy trì an ninh khu vực tại Biển Đông. Trên lĩnh vực quân sự, việc Mỹ triển khai các hợp tác an ninh - quốc phòng với các quốc gia ASEAN đã giúp tăng cường khả năng đối trọng với Trung Quốc của những nước này.

Cụ thể, trong 5 năm gần đây, Mỹ đã cùng các nước ASEAN tiến hành hơn 30 cuộc tập trận, tức hơn 2/3 các cuộc tập trận ở châu Á. Bên cạnh đó, Mỹ đã đạt được một số thỏa thuận về đảm bảo hoạt động của quân đội Mỹ ở khu vực như tiếp tục sử dụng hai căn cứ Clark và Subic ở Philippines; quyền sử dụng các công trình quân sự của Thái Lan; thực hiện giai đoạn một Hiệp định xây dựng cảng nước sâu cỡ lớn cho quân đội Mỹ tại Xingapo và cùng triển khai hoạt động diễn tập quân sự trên Biển Đông từ tháng 6-2009,...         

Với Trung Quốc: Những năm gần đây, Trung Quốc thực hiện hàng loạt các hành động cứng rắn, mang tính đơn phương, mở rộng quyền lực ra khắp vùng Thái Bình Dương, thách thức vai trò thống lĩnh Thái Bình Dương của Mỹ. Điều này đe dọa đến lợi ích của Mỹ cũng như hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Richard P.Cronin, Giám đốc chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Stimson (Mỹ) bày tỏ: “Việc Trung Quốc đơn phương khẳng định quyền về lãnh hải trái với các nguyên tắc trong Luật Biển, đồng thời, việc quốc gia này sẵn sàng dùng vũ lực và những lời đe dọa để đạt được mục tiêu của mình hiện đang gây ra những mối quan ngại vô cùng nghiêm trọng tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương”; “Chúng tôi lo ngại rằng một loạt vụ việc trên biển trong những tháng qua đã khiến căng thẳng trong khu vực leo thang”(6).  

Tuy nhiên, trong quan hệ với Trung Quốc, Mỹ đang đứng trước những lựa chọn khó khăn, khi cả hai đều thuộc hàng nước lớn nhiều tham vọng và đều cần đến nhau. Trung Quốc cần công nghệ, đầu tư, thị trường, sự ủng hộ của Mỹ trên trường quốc tế; Mỹ cần thị trường Trung Quốc, những thỏa thuận hay sự hỗ trợ của nước này trong giải quyết các vấn đề lớn trên thế giới. Những lợi ích song trùng đó có thể là động lực mạnh mẽ giúp hai nước giảm bớt một số bất đồng.

Vì vậy, trong vấn đề Biển Đông, Mỹ đặt ra mục tiêu hai mặt: vừa đòi hỏi Trung Quốc đóng vai trò xây dựng, đóng góp cho hòa bình, không gây ra mối đe dọa cho khu vực, vừa không để vấn đề Biển Đông trở thành nơi tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc, tác động đến các lĩnh vực khác trong quan hệ song phương. Để thực hiện mục tiêu này, Mỹ thực hiện chính sách hai mặt: vừa phối hợp vừa cạnh tranh, vừa hợp tác vừa kiềm chế Trung Quốc trên cơ sở mẫu số chung là không để quan hệ đi đến đổ vỡ.

Để kiềm chế, ngăn chặn sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Biển Đông, Mỹ tiếp tục điều tàu tới thăm dò hoạt động của Trung Quốc tại vùng biển này. Đã có những cuộc đụng độ xảy ra trên Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc trong những năm gần đây. Phía Mỹ luôn khẳng định rằng “Mỹ thực thi quyền tự do đi lại trên biển trong khi cũng quan tâm tới việc tránh để xảy ra những sự việc đáng tiếc”(7).

Ngoại trưởng  Mỹ H.Clinton thì nhấn mạnh “Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia ở Biển Đông”. Mỹ kiên quyết bảo vệ những lợi ích của mình tại Biển Đông, phản đối bất cứ hành động nào đe dọa tới các công ty Mỹ. Ngoài ra, để khống chế sự trỗi dậy và sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc tại Biển Đông, Mỹ đã triển khai kế hoạch điều động quân, tăng cường lực lượng không quân tại nhiều nơi thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tạo ra một thế cờ mới, có khả năng bao vây Trung Quốc từ phía biển, duy trì sự thống trị quân sự của Mỹ ở khu vực này.

GS. C.A.Thayer (Học viện Quốc phòng Australia) nhận xét: “Trung Quốc sẽ tiếp tục xác nhận chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải của họ, nhưng Mỹ đã phản ứng đủ để cho Trung Quốc thấy là việc bao vây và quấy rối một tàu khảo sát không trang bị vũ khí của Hải quân Mỹ là hành động “khinh suất”, “không thể tái phạm”... Trung Quốc không thể cứ tiếp tục “múa gậy vườn hoang”, mà sẽ hợp tác với Mỹ để tìm kiếm cơ chế giải quyết những va chạm, mâu thuẫn, xung đột lợi ích”(8). Với sự có mặt của Mỹ, tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng đồng thời cũng khiến Trung Quốc tăng cường hơn nữa áp lực quân sự để đạt được vị thế mong muốn.   

Để mở rộng đối thoại hơn với Trung Quốc nhằm tránh những rủi ro khi giải quyết các vấn đề trên biển, Mỹ sử dụng các cơ chế tham vấn quốc phòng Mỹ - Trung; cơ chế phối hợp chính sách quốc phòng Mỹ - Trung; thỏa thuận tham khảo các vấn đề quân sự trên biển Mỹ - Trung. Mới đây, ở vòng tham vấn thứ ba (3-2012) tại Học viện Hải quân Mỹ, Mỹ đã tái khẳng định cam kết sẽ nỗ lực xây dựng mối quan hệ đối tác hợp tác với Trung Quốc, hoan nghênh Trung Quốc đóng vai trò năng động và tích cực hơn trong các vấn đề quốc tế.

Mỹ cũng nhấn mạnh ủng hộ việc củng cố, tăng cường vai trò của các thể chế tại khu vực châu Á và mong muốn hợp tác với Trung Quốc để thúc đẩy mục tiêu đó. Nghĩa là khi hợp tác với Trung Quốc, Mỹ tiếp tục thu được lợi ích kinh tế, thúc đẩy các mục tiêu chính trị, lôi kéo Trung Quốc vào các khuôn khổ pháp lý, hạn chế các hành động đơn phương của Trung Quốc, đồng thời chia sẻ trách nhiệm với Trung Quốc trong giải quyết các vấn đề khu vực.

Thông qua đó, Mỹ còn khẳng định uy tín, ảnh hưởng đối với các nước khác trong khu vực. Cũng không ai đảm bảo rằng, một cuộc mặc cả, phân chia quyền lực Mỹ - Trung trên Biển Đông sẽ không xảy ra, và khi đó quyền lợi của các nước trong khu vực tất nhiên bị xếp hàng thứ yếu.      

Như vậy, mục tiêu và các bước triển khai chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông vẫn là kiềm chế, ngăn chặn Trung Quốc, không để nước này tăng cường sức mạnh đến mức có thể đe dọa các lợi ích của Mỹ, nhưng đồng thời vẫn coi trọng tính ổn định tương đối của mối quan hệ song phương, không để bất đồng trong vấn đề Biển Đông gây tổn hại đến quan hệ hai nước.           

Về phía mình, trong quan hệ với Mỹ, các quốc gia Đông Nam Á có thể tận dụng những ảnh hưởng có được từ vai trò của Mỹ tại Biển Đông để tạo thêm thế và lực trong đòi hỏi chủ quyền chính đáng của mình, trong đó có việc sử dụng Mỹ như một kênh ngoại giao quan trọng để đa phương hóa, quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, không ảo tưởng dựa vào Mỹ để đòi được chủ quyền ở Biển Đông.

___________________

Tài liệu tham khảo:

(1) Renato Cruz De Castro (2011): Tuyên bố Hà Nội của Clinton về Biển Đông: Khởi nguồn chiến lược kiềm chế Trung Quốc của Mỹ, http://nghiencuubiendong.vn.  

(2) Hillary Clinton: Remarks at Press Availability, http://www.state.gov.    

(3),(4) Xem: Vai trò của Việt Nam trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2011, tr. 310, 310.    

(6) Richard P. Cronin: Maritime Territorial Disputes and Sovereignty Issues in Asia, Testimony Before the Senate Subcommittee on East Asia and Pacific Affairs, July 15, 2009, http://vietnam.usembassy.gov.

(7) Kết quả cuộc đối thoại quốc phòng giữa Mỹ và Trung Quốc lần thứ 10, http://www.baomoi.com.       

(8) Carlyle A.Thayer: Maritime Security and the Role of Naval Diplomacy in the South China Sea, The Maritime Institute of Malaysia Conference on the South China Sea: Recent Developments and Implications for Peaceful Dispute Resolution, Royal Chulan Hotel, Kuala Lumpur, Malaysia, December 12-13, 2011.