Hỗ trợ gạo cho học sinh các trường ở khu vực kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn:
Chính sách đậm tính nhân văn của Đảng, Chính phủ
(Tài chính) Gần 50 vạn học sinh ở vùng sâu, vùng xa trên mọi miền Tổ quốc trong suốt hai năm học vừa qua (2013-2014 và 2014- 2015) là đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ gạo hàng tháng của Chính phủ từ nguồn lực dự trữ quốc gia. Với toàn xã hội thì niềm vui này không chỉ dừng lại ở đó vì mỗi lần nâng niu những hạt gạo trắng ngần được cán bộ công chức ngành Dự trữ quốc gia (DTQG) trao tận tay, ai ai cũng vững niềm tin về một chính sách đậm tính nhân văn của Đảng, Chính phủ đã góp phần nuôi dưỡng ước mơ trẻ thơ và phát triển sự nghiệp giáo dục.
Những ngày đầu gian khó
TS. Phạm Phan Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN
Những ngày đầu tiên của năm mới 2015, với bao niềm hy vọng về những thành công mới trong triển khai thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao, ông Phạm Phan Dũng, Tổng cục trưởng Tổng Cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã trầm ngâm nhớ lại thời điểm ra đời của chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn khi Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định 36/2013/QĐ-TTg. Đó là bao trăn trở đầy tâm huyết của những người đứng đầu ngành tài chính, ngành dự trữ quốc gia là làm thế nào để đưa chính sách vào cuộc sống khi chính sách vừa mới ra đời có một vài ý kiến: Chính sách này có chồng chéo với một số chính sách đã được ban hành trước đó về việc hỗ trợ học sinh bằng tiền? Chính sách này có sát với thực tế hay không khi việc đưa gạo đến tận thôn, bản cho học sinh không phải là dễ dàng?
Dẫu đầy quan ngại như thế nhưng Bộ Tài chính mà trực tiếp là Tổng cục DTNN đã vào cuộc một cách quyết liệt. Ngay sau khi Quyết định 36/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, đầu tháng9/2013, Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) đã chủ động phối hợp với Bộ Giáo dục và đào tạo và Ủy ban dân tộc xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện quyết định số 36/2013/QĐ-TTg; đồng thời bàn phương án phối hợp để triển khai thực hiện xuất gạo hỗ trợ học sinh trong đó có việc đề nghị UBND các tỉnh xác định số lượng học sinh thuộc đối tượng hưởng chính sách, số lượng gạo cần hỗ trợ cho năm học 2013 -2014. “Khi những chuyến hàng đầu tiên kịp đến tay các em học sinh chúng tôi mừng lắm Các Cục trưởng DTNN báo cáo là các trường, các em học sinh đón nhận gạo của Chính phủ trong niềm vui nồng ấm như thế nào. Đó là một thực tế quan trọng chứng minh tính thiết thực, hiệu quả của chính sách và quan trọng hơn,chúng tôi thấy xã hội đã ghi nhận và đánh giá cao khi chính sách này được triển khai”, với đôi mắt ánh lên bao niềm vui, ông Phạm Phan Dũng nói.
Câu chuyện ban đầu vận chuyển gạo hỗ trợ đến với các em học sinh có chậm hay không cũng được người đứng đầu Tổng cục DTNN nhắc đến. Ông Phạm Phan Dũng chia sẻ, hàng DTQG nói chung và lương thực DTQG nói riêng luôn sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Thực tế, triển khai Quyết định 36/2013, Bộ Tài chính ( Tổng cục DTNN) các Cục DTNN đã hết sức khẩn trương và luôn trong trạng thái chuẩn bi sẵn sàng các điều kiện cần thiết về nhân lực, về nguồn gạo và phương án vận chuyển để kịp thời cấp phát cho học sinh trên địa bàn vùng đặc biệt khó khăn.
Mặc dù Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chỉ đạo xuất cấp gạo nhưng việc triển khai công tác này tại các địa phương còn lúng túng, nhất là việc rà soát chính xác đối tượng được hưởng gạo hỗ trợ của Chính phủ. Gạo DTQG hỗ trợ cho học sinh do các đơn vị dự trữ quốc gia tổ chức vận chuyển và giao tại trung tâm quận, huyện, thị, thành phố của tỉnh được hỗ trợ. Mọi kinh phí vận chuyển, bốc xếp, bảo hiểm từ kho DTQG đến trung tâm huyện, Bộ Tài chính đảm nhiệm, còn việc phân phối, vân chuyển gạo từ trung tâm quận, huyện, thị, thành phố của tỉnh đến từng trường, từng học sinh thì địa phương có trách nhiệm triển khai.
Qúa trình giao nhận gạo cũng nhiều việc phải tính kỹ. Do đó, từ các khâu phân công đơn vị chủ trì, tiếp nhận, phân phối gạo DTQG…nếu địa phương không triển khai ngay thì có thể sẽ dẫn đến chậm trễ. Cũng phải nói thêm rằng, trong những ngày đầu thực hiện vẫn có viêc chậm trễ, bao hàm cả yếu tố khách quan và chủ quan.Do Năm 2013 là năm đầu tiên triển khai thực hiện chính sách nên sự phối hợp với chính quyền địa phương và ngành giáo dục không thể tránh khỏi những bỡ ngỡ, lúng túng ở tất cả các khâu từ việc tiếp nhận, bảo quản, sử dụng thế nào cho hợp lý. Thế nhưng đến nay, chỉ sau một thời gian ngắn, việc cấp phát gạo cho học sinh đã đảm bảo đúng hẹn và năm học 2014- 2015 thì hoàn toàn không có sự chậm chễ nào. Các địa phương đều đánh giá cao và ghi nhận chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh là chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, mang đầy tính nhân văn chứ không thuần túy là chính sách hỗ trợ về vật chất cho nhân dân và đánh giá cao tinh thần tận tình phục vụ của mỗi công chức, viên chức ngành DTQG.
Khát vọng bay lên…
Câu chuyện của Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Phạm Phan Dũng đã gợi nhớ về trong tôi những ngày được rong ruổi cùng các đoàn xe vận chuyển gạo dự trữ quốc gia đến các tỉnh, thành. Đúng là vậy, không có kiểm chứng nào tốt hơn là kiểm chứng được tận mắt thấy chính sách này đi vào cuộc sống. Thời điểm tiếng trống trường mới gióng giả vang lên hay vào những ngày áp Tết Nguyên đán, khi những đoàn xe vận tải gạo đến, những gương mặt trẻ thơ với bao niềm vui, bao nụ cười, bao ước mơ… ào ra chào đón và cứ sáng bừng lên giữa núi rừng Tây Bắc điệp trùng. Và đẹp làm sao dưới nắng vàng rực rỡ, trong sắc áo của người Tày, Nùng, Dao, Bana, Gia- rai, Khmer, Ê đê, Chăm... các em hân hoan đưa những bàn tay nhỏ xíu nhận phần gạo của mình. Những người cán bộ dự trữ dẫu lưng áo đẫm mồ hôi nhưng chẳng ngớt lời giục giã: Nào mời bạn tiếp theo! Niềm vui ấy lan tỏa đến cả những ông bố, bà mẹ đang đứng ở phía sau cứ bịn rịn không biết nói thế nào để diễn tả hết cảm xúc của mình khi thấy Đảng, Nhà nước đang trao cơ hội, trao ước mơ cho những đứa con của mình!
Khi nhìn sâu vào đôi mắt của các em học sinh, tôi đọc được những khát vọng của các em về một tương lai không xa đang được xây đắp lên từ những hạt gạo nghĩa tình này. Còn trong sâu thẳm đôi mắt của các bậc phụ huynh thì ánh lên những niềm tin: Đảng, Nhà nước không chỉ cho con cái họ cái chữ mà còn lo cho con cái họ cả cái ăn no bụng.
Vậy đấy, dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng họ luôn được Đảng, Chính phủ đồng hành, nâng đỡ… Chẳng thế mà, tôi không thể quên được lời tâm tình của một giáo viên ở trường dân tộc nội trú của tỉnh Lạng Sơn: “Không chỉ các em vui mà chúng tôi cũng vui, bố mẹ của các em vui. Chúng tôi vui vì từ năm học 2013-2014, khi có chính sách hỗ trợ gạo này các em được “ấm bụng” đến trường nên không còn tình trạng bỏ học. Còn các bậc phụ huynh vui vì họ thấy rõ lợi ích của việc cho con đi học được nhà nước ưu đãi thế nào”.
Trong miền ký ức đầy sắc hồng tươi mới ấy, tôi cũng chẳng thể quên được những chặng đường đầy gian khó cũng như sự hy sinh thầm lặng của các cán bộ dự trữ vận chuyển gạo đến với các điểm trường. Những địa phương được tiếp nhận gạo hỗ trợ chủ yếu ở những vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, quãng đường vận chuyển gạo phần lớn phải qua những khu vực núi non hiểm trở, thời tiết không phải lúc nào cũng hiền hòa. Vậy mà, khi xe lắc lư ầm ì bò dốc thì các anh ngâm nga: “Đường lên Tây Bắc quanh co, tiếng chim rừng đây đó. Đằng xa tiếng hát đồng xanh, lúa reo trên đồi cao...” làm cho chẳng ai thấy mệt, thấy xa xôi, thấy chông chênh...
Ngoài những điều trực tiếp được thấy, tôi còn được nghe những câu chuyện về các anh mà tưởng như của mấy mươi năm trước. Ấy là chuyện cả đoàn xe của Cục DTNN khu vực Hà Nam Ninh chở gạo bò dốc ì ạch bỗng đâu gặp đám người bám theo sau “khều” hàng. Hay như có lần đoàn xe trở về, một xe bị văng xuống vực. “May là anh em nhảy ra ngoài được. Tính mạng thoát trong gang tấc”- Cục trưởng Cục DTNN khu vực Hà Nam Ninh Hoàng Văn Quyết nhớ lại- “Đấy là chưa kể đến có lần vì đường đi quá xa xôi, gập ghềnh, đoàn vận chuyển đến điểm giao nhận thì trời vừa tối, phần lớn các điểm giao gạo đều ở vùng sâu vùng xa, có nơi vì cán bộ tiếp nhận không linh hoạt tiếp nhận nên đoàn phải tự lo chỗ nghỉ, chỗ ăn”...