Chính sách giảm nghèo ở tỉnh Saravanh, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào
Nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư, trong những năm qua, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào nói chung, tỉnh Saravanh nói riêng đã thực hiện nhiều chính sách giảm nghèo đa chiều. Chương trình giảm nghèo đã thu được nhiều kết quả khả quan, tạo tiền đề để tỉnh Saravanh tiếp tục đề ra những giải pháp giảm nghèo đa chiều bền vững trong thời gian tới.
Các chính sách giảm nghèo đang được thực hiện tại tỉnh Saravanh
Chuẩn nghèo đa chiều tại Lào được đánh giá dựa trên sự kết hợp giữa nghèo thu nhập và nghèo 05 chiều (tiếp cận các nhu cầu xã hội cơ bản) gồm: giáo dục, y tế, nhà ở, điều kiện sống, tiếp cận thông tin. Tại tỉnh Saravanh, trong những năm qua, gần nhất là giai đoạn 2013 –2017 một loạt chính sách, dự án giảm nghèo đã được thực hiện nhằm hoàn thành tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đa chiều bền vững. Theo Sở Lao động và Phúc lợi xã hội tỉnh Saravanh, những chính sách giảm nghèo đa chiều được thực hiện gồm:
Chính sách tín dụng ưu đãi hộ nghèo
Trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Saravanh đã có các giải pháp huy động vốn, phối hợp với các ngành, tổ chức, đoàn thể, các huyện, thành phố củng cố các tổ tiết kiệm vay vốn, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về chính sách vốn vay ưu đãi; Tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn, xác định đúng đối tượng cho vay.
Kết quả là, toàn Tỉnh đã cho 41.485 lượt hộ nghèo vay với tổng doanh số cho vay 1.066.967 triệu đồng (quy đổi từ Kip – tiền tệ của Lào sang VND – đồng tiền Việt Nam). Trong đó, cho vay học sinh, sinh viên 11.560 lượt, số tiền cho vay là 116.621 triệu đồng, tổng số dư nợ cho vay học sinh, sinh viên là 147.456 triệu đồng; cho vay hộ cận nghèo được 5.123 hộ với kinh phí là 246.584 triệu đồng.
Công tác cho vay qua các tổ tiết kiệm vay vốn được đánh giá hiệu quả, cơ bản đáp ứng các hoạt động tiết kiệm và vay vốn; nguồn vốn cho vay hộ nghèo đã thực sự đến được với hộ nghèo tạo điều kiện cho các hộ nghèo thiếu vốn có được vốn đầu tư cho phát triển kinh tế hộ gia đình.
Chính sách tạo việc làm, dạy nghề
Tỉnh Saravanh đã tổ chức dạy nghề và đưa đào tạo việc làm, dạy nghề trở thành một trong các chính sách quan trọng để giảm nghèo. Giai đoạn 2013 - 2017, Tỉnh tổ chức được 67 lớp, với trên 2.879 lao động nông thôn được học nghề, tổng số kinh phí thực hiện là 20.175 triệu đồng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 34% vào năm 2011 lên 41,2% năm 2014. Đến hết năm 2017, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 43,4% (trong đó lao động qua đào tạo nghề là 36,2%), đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Đối tượng học nghề chủ yếu là người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động, nhóm nghề đào tạo chủ yếu là nghề nông nghiệp: Chăn nuôi gia súc, gia cầm, kỹ thuật thú y, trồng trọt, sửa chữa máy nông nghiệp, mây tre đan, thêu ren, sửa chữa lắp đặt điện dân dụng, hàn, nấu ăn… Trên 70% lao động sau khi đào tạo có việc làm và biết áp dụng nghề được đào tạo vào sản suất, tiêu thụ sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững, một số hộ còn vươn thành hộ khá và giàu.
Không chỉ dạy nghề, tỉnh Saravanh còn tạo việc làm cho nhiều hộ gia đình nghèo. Giai đoạn 2013-2017, toàn Tỉnh tạo việc làm mới cho 2.696 người, trong đó, xuất khẩu lao động là 243 người...
Chính sách hỗ trợ về giáo dục cho người nghèo
Triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ giáo dục theo Nghị định 12/2015/NĐ-CP, ngày 12/03/2015 của Chính phủ Lào, tỉnh Saravanh đã thực hiện hỗ trợ cho 12.914 lượt học sinh, sinh viên (hỗ trợ chi phí học tập, cấp bù học phí tại các cấp học) với kinh phí thực hiện là 48.578 triệu đồng. Ngoài ra, Tỉnh còn thực hiện chính sách bán trú dân nuôi, xây dựng các điểm trường bán trú, hỗ trợ tiền ăn cho 1.525 học sinh trong các trường mầm non với tổng kinh phí 12.780 triệu đồng, góp phần duy trì tỷ lệ trẻ đến trường, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học.
Chính sách hỗ trợ y tế
Tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ về y tế cho người nghèo, trong đó phải kể đến việc phát miễn phí bảo hiểm y tế cho người nghèo. Qua 5 năm, toàn tỉnh Saravanh đã mua và cấp 723.249 lượt thẻ bảo hiểm y tế cho nguời nghèo, người dân tộc thiểu số, hộ cận nghèo với tổng số kinh phí mua thẻ 724.633 triệu đồng; Thực hiện khám chữa bệnh cho trên 6 triệu lượt người nghèo, cận nghèo và người dân tộc thiểu số với, tổng kinh phí chi cho khám, chữa bệnh là 6.000 triệu đồng.
Ngoài các chính sách được bảo hiểm y tế miễn phí, các quy định của bảo hiểm y tế đối với người nghèo cũng có sự thay đổi. Những hộ nghèo đa chiều thiếu hụt về bảo hiểm y tế sẽ được hỗ trợ 100% chi phí khám, chữa bệnh. Những hộ nghèo đa chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản khác (không bị thiếu hụt bảo hiểm y tế) được hỗ trợ 70% chi phí.
Chính sách hỗ trợ nhà ở, nước sinh hoạt, đất sản xuất cho hộ nghèo đặc biệt khó khăn dân tộc thiểu số
- Về nhà ở: Tỉnh Saravanh đã vận động sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh được 40.566 triệu đồng, sửa chữa và làm nhà cho 1.064 hộ nghèo. Đến hết năm 2015, toàn tỉnh Saravanh đã hỗ trợ nhà ở cho 809 hộ nghèo, kinh phí thực hiện là 10.475,6 triệu đồng với mức vay không lãi suất là 8,4 triệu đồng/hộ. Ngân hàng Lào là ngân hàng tài trợ thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở. Chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở của tỉnh Saravanh đã góp phần quan trọng trong việc phần xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo trên toàn tỉnh Saravanh, qua đó các hộ nghèo có nhà ở ổn định, yên tâm sản xuất vươn lên thoát nghèo.
- Nước sinh hoạt: Tỉnh đã xây dựng được 20 công trình nước sinh hoạt tập trung, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 3.257 hộ dân tộc thiểu số theo hình thức xây bể nước, giếng nước và cung cấp ống nước tự chảy với kinh phí là 13.140 triệu đồng.
- Đất sản xuất: Tỉnh Saravanh đã hỗ trợ đất sản xuất cho 104 hộ với tổng kinh phí 1.560 triệu đồng.
Chính sách hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý
Giai đoạn 2013 – 2017, để phục vụ cho công tác tăng cường tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý cho người nghèo, Tỉnh Saravanh đã tổ chức 15 lớp tập huấn kiến thức pháp luật về kiến thức trợ giúp pháp lý cho 685 đại biểu là cộng tác viên và thành viên Ban Chủ nhiệm các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý; tổ chức các buổi sinh hoạt trợ giúp pháp lý cho 5.520 người; tư vấn pháp lý 167 lượt cho 527 người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số với tổng kinh phí thực hiện là 816 triệu đồng.
Chính sách hỗ trợ người nghèo hưởng thụ văn hóa, thông tin
Thực hiện tốt chương trình đưa văn hóa thông tin về cơ sở, Đài Phát thanh – Truyền hình Tỉnh, Báo tỉnh Saravanh đã chuyển tải các thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Lào về công tác giảm nghèo; phổ biến các mô hình giảm nghèo hiệu quả tại địa phương; đưa tin các hoạt động hỗ trợ giúp đỡ các hộ nghèo… Đây là một trong những giải pháp thiết thực nhằm giảm thiểu mức độ thiếu hụt về thông tin cho người nghèo.
Các chính sách giảm nghèo đặc thù của tỉnh Saravanh
Saravanh thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nghèo dân tộc thiểu số bằng hiện vật: mua giống cây trồng, giống vật nuôi, phân bón và thức ăn chăn nuôi. Hỗ trợ cho người dân tộc thiểu số là rất cần thiết, bởi ở tỉnh Saravanh, số hộ dân tộc thiểu số chiếm đến 90% số hộ nghèo, lại tập trung ở những vùng còn nhiều khó khăn về cả tự nhiên lẫn kinh tế - xã hội.
Kết quả thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Saravanh
Theo Sở Lao động và Phúc lợi xã hội tỉnh Saravanh, đến cuối năm 2017, số hộ nghèo đã giảm so với thời kỳ đầu năm 2013, đó là kết quả của sự nỗ lực không ngừng của chính quyền tỉnh nói chung và cán bộ làm công tác giảm nghèo nói riêng. Cụ thể, số hộ nghèo toàn Tỉnh còn 42.490 hộ, chiếm 22,37% hộ dân cư và giảm 3,58% so với thời kỳ đầu năm, trong đó số hộ thoát nghèo là 7.788 hộ, chiếm 15,95% số hộ nghèo, số hộ tái nghèo là 42 hộ, chiếm 0,1% hộ nghèo cuối năm (chủ yếu là do những rủi ro, thiên tai, bệnh tật) số hộ nghèo phát sinh 1.409 hộ, chiếm 3,32% số hộ nghèo. Như vậy, mặc dù tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đã giảm, nhưng số hộ nghèo phát sinh vẫn còn cao, số hộ tái nghèo cũng lớn điều đó làm cho quá trình giảm nghèo thiếu bền vững.
Với sự nỗ lực của tỉnh Saravanh, không chỉ tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm mà cả tỷ lệ hộ cận nghèo cũng giảm (nhưng với tốc độ chậm hơn so với tỷ lệ hộ nghèo). Trong năm giai đoạn 2013 - 2017, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 0,64%, trong đó số hộ thoát hộ cận nghèo là 6.372 hộ, chiếm 26,68%. Tuy nhiên, số hộ tái cận nghèo và số hộ cận nghèo phát sinh còn lớn khiến kết quả giảm tỷ lệ hộ cận nghèo còn chậm so với yêu cầu.
Một số đề xuất
Để giảm nghèo đa chiều bền vững trong thời gian tới, theo tác giả, tỉnh Saravanh cần thực hiện có hiệu quả một số giải pháp sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhận thức về giảm nghèo đa chiều tới các cấp, các ngành và người dân.
Thứ hai, triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách về giảm nghèo; nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Cụ thể là:
- Tập trung phát triển sản xuất, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo.
- Tăng cường chỉ đạo và thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, thiên tai nhằm tránh và giảm thiểu thiệt hại do yếu tố khách quan mang lại.
- Thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các chính sách ưu đãi về giáo dục đối với các học sinh, sinh viên thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của Chính phủ.
- Thực hiện tốt việc cấp thẻ và khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình.
- Thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo theo hình thức cho vay tín dụng ưu đãi; tập trung huy động các nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hảo tâm hỗ trợ xây dựng, cải tạo nhà ở cho hộ nghèo đảm bảo diện tích, chất lượng nhà ở.
Thứ ba, xây dựng các cơ chế thực hiện về giảm nghèo đa chiều. Cần kịp thời sửa đổi, bổ sung những chính sách không còn phù hợp và hướng vào những chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững (Trước hết, tập trung vào những hộ mới thoát nghèo, những hộ cận nghèo để họ không tái nghèo và không rơi xuống diện nghèo).
Thứ tư, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ và nhận thức của người dân về thực hiện giảm nghèo đa chiều. Sắp xếp bố trí và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp nhất là ở cơ sở, đảm bảo có đủ trình độ, năng lực để lãnh đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình giảm nghèo; Tiếp tục thực hiện chính sách tăng cường, luân chuyển cán bộ cho các xã nghèo...
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào (2015), Đề án tổng thể chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều dựa vào thu nhập sang đa chiều, áp dụng trong giai đoạn 2016-2020, Viêng Chăn;
2. UBND tỉnh Saravanh (2017), Báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2013-2017;
3. Sở Lao động và Phúc lợi xã hội tỉnh Saravanh (2013-2017), Số liệu về tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều giai đoạn 2013-2017;
4. Feuangsy LAOFOUNG (2014), Hoàn thiện chính sách xóa đói giảm nghèo ở miền núi phía Bắc nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào qua thực tiễn tại tỉnh Xiêng Khoảng, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.