Một số vấn đề về hoàn thiện kế toán hoàn thuế giá trị gia tăng tại doanh nghiệp nhỏ và vừa
Thời gian qua, nhiều chính sách ưu đãi về thuế, trong đó có chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng đã được ban hành để tháo gỡ khó khăn, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, kế toán ghi nhận nghiệp vụ hoàn thuế giá trị gia tăng trong chế độ kế toán vẫn còn một số bất cập. Đánh giá cụ thể thực trạng trên, bài viết trao đổi và đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện phương pháp hạch toán kế toán của một số nghiệp vụ kinh tế - tài chính phát sinh liên quan đến hoàn thuế giá trị gia tăng.
Kế toán nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh liên quan hoàn thuế giá trị gia tăng
Thông tin kế toán là nguồn thông tin quan trọng, cần thiết và hữu ích, cho nhiều đối tượng trong và ngoài doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động của cộng đồng DN cho thấy, để thông tin kế toán có được chất lượng phù hợp với mục tiêu và yêu cầu quản lý của nhiều đối tượng quản lý khác nhau quá trình thu thập, xử lý, tổng hợp và cung cấp thông tin cần phải được nghiên cứu và cải tiến thường xuyên cả về nội dung, phương pháp lẫn công cụ hỗ trợ.
Với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của các đối thủ trong nước và quốc tế, việc cung cấp thông tin kế toán để nhà quản trị DN đưa ra quyết định chính xác, kịp thời ngày càng quan trọng. Điều này đặt ra yêu cầu cần chú trọng đến việc nâng cao chất lượng cung cấp thông tin kế toán trong công tác kế toán.
Thời gian qua, nhiều chính sách ưu đãi về thuế đã được ban hành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và khuyến khích sự phát triển của cộng đồng DN, nhà đầu tư tập trung đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chính sách hoàn thuế GTGT tiếp tục tạo điều kiện và góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh của các DN. Qua khảo sát công tác kế toán tại các DN nhỏ và vừa hiện nay, công tác kế toán một số nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh liên quan hoàn thuế GTGT có thể được mô hình hóa như Hình 1.
Theo hướng dẫn của chế độ kế toán hiện hành và qua khảo sát thực tế các DN nhỏ và vừa có hoạt động hoàn thuế GTGT… DN có thể hạch toán như sau:
Tài khoản sử dụng:
Tài khoản 133 - Thuế GTGT được khấu trừ, có 2 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 1331 - Thuế GTGT được khấu trừ của hàng hóa, dịch vụ: Phản ánh thuế GTGT đầu vào được khấu trừ của vật tư, hàng hoá, dịch vụ mua ngoài dùng vào sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ thuế.
- Tài khoản 1332 - Thuế GTGT được khấu trừ của tài sản cố định: Phản ánh thuế GTGT đầu vào của quá trình đầu tư, mua sắm tài sản cố định, bất động sản đầu tư dùng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ thuế.
Tài khoản 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước, có 9 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 3331 - Thuế GTGT phải nộp. Trong đó, Tài khoản 3331 có 2 tài khoản cấp 3, gồm: Tài khoản 33311 - Thuế GTGT đầu ra; Tài khoản 33312 - Thuế GTGT hàng nhập khẩu.
- Tài khoản 3332 - Thuế tiêu thụ đặc biệt
- Tài khoản 3333 - Thuế xuất, nhập khẩu
- Tài khoản 3334 - Thuế Thu nhập doanh nghiệp
- Tài khoản 3335 - Thuế thu nhập cá nhân
- Tài khoản 3336 - Thuế tài nguyên
- Tài khoản 3337 - Thuế nhà đất, tiền thuê đất
- Tài khoản 3338 - Thuế bảo vệ môi trường và các loại thuế khác. Tài khoản 3338 có 2 tài khoản cấp 3: Tài khoản 33381 - Thuế bảo vệ môi trường và Tài khoản 33382 - Các loại thuế khác.
- Tài khoản 3339 - Phí, lệ phí và các khoản phải nộp khác.
Định khoản các nghiệp vụ kinh tế phát sinh:
1. Trường hợp mua hàng trong nước: Căn cứ vào các hoá đơn, chứng từ giao nhận, phiếu nhập hàng xác nhận giá trị hàng nhập và thuế GTGT, kế toán ghi sổ như sau:
Nợ TK 151, 152, 153, 156, 211, 213,…
Nợ TK 133 (1331, 1332)
Có TK 112, 331
2. Trường hợp mua hàng nhập khẩu:
2a. Căn cứ vào các hoá đơn, chứng từ giao nhận, phiếu nhập hàng xác nhận giá trị hàng nhập và thuế GTGT, kế toán ghi sổ:
Nợ TK 151, 152, 153, 156, 211, 213,…
Có TK 112, 331
Có 333 (3333 chi tiết thuế nhập khẩu)
2b. Đồng thời, ghi:
Nợ TK 133 (1331, 1332)
Có Tk 333 (33312-Thuế GTGT hàng nhập khẩu.)
2c. Khi nộp thuế GTGT hàng nhập khẩu vào NSNN, ghi:
Nợ 333 (33312-Thuế GTGT hàng nhập khẩu)
Có 111, 112
3. Thuế GTGT không được khấu trừ do doanh nghiệp tự tính, đưa vào chi phí, ghi:
Nợ 154, 632, 242
Có 133 (1331, 1332)
4. Khấu trừ với thuế GTGT đầu ra, ghi:
Nợ 333 (33311-Thuế GTGT đầu ra phải nộp)
Có 133 (1331, 1332)
5. Khi DN lập và nộp bộ hồ sơ xác định số thuế GTGT được hoàn đến cơ quan Thuế để đề nghị hoàn thuế: Không định khoản.
6. Khi DN nhận được quyết định của cơ quan Thuế (trường hợp được hoàn thuế): Không định khoản.
7- Chờ đến khi DN nhận được tiền hoàn thuế, ghi:
Nợ 111, 112
Có 133 (1331, 1332)
8- Khi DN nhận được quyết định của cơ quan Thuế (Nếu không được hoàn thuế), số thuế không được hoàn tính vào chí phí hoạt động, ghi:
Nợ 621, 641, 642, 632, 627, 142…
Có 133 (1331, 1332)
Những bất cập của kế toán nghiệp vụ hoàn thuế giá trị gia tăng
Thời gian qua, để giúp DN hoạt động ổn định sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã điều tiết kinh tế vĩ mô thông qua công cụ thuế. Theo đó, Nhà nước đã ban hành quy định cụ thể về ưu đãi, miễn, giảm, giãn nộp thuế, trong đó có việc hoàn thuế GTGT. Tuy nhiên, việc kế toán ghi nhận nghiệp vụ hoàn thuế GTGT trong chế độ kế toán Việt Nam còn một số bất cập.
Theo đó, quy trình nghiệp vụ hoàn thuế GTGT, từ khi DN lập bộ hồ sơ đề nghị hoàn thuế đến khi nhận được tiền hoàn thuế phải qua ba giai đoạn. Mỗi giai đoạn phải hoàn chỉnh một số thủ tục (hồ sơ) và sử dụng các hồ sơ này như là một bộ chứng từ kế toán ghi nhận một nghiệp vụ kinh tế đã phát sinh vì sau mỗi thủ tục hoàn thành, tính chất của số thuế GTGT đã thay đổi ý nghĩa. Cụ thể:
Thứ nhất, sau khi khấu trừ thuế GTGT đầu vào với thuế GTGT đầu ra còn dư: Nếu DN chưa đề nghị hoàn thuế (giai đoạn 1 chưa phát sinh) thì số thuế GTGT đầu vào này vẫn “còn được khấu trừ, hay hoàn lại”. Đến kỳ kế toán sau, DN tiếp tục được sử dụng để khấu trừ với thuế GTGT đầu ra phát sinh hay đề nghị hoàn (Luật Thuế GTGT, 2016).
Thứ hai, trường hợp DN đã nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT đến cơ quan Thuế (giai đoạn 1 đã phát sinh) thì tính chất của số thuế này hoàn toàn khác so với khi chưa nộp hồ sơ đề nghị hoàn. Khi đã nộp hồ sơ đề nghị hoàn cho dù DN chưa nhận được quyết định xử lý của cơ quan Thuế hay chưa nhận được tiền hoàn thuế thì số thuế đó cũng không được sử dụng để khấu trừ, hay đề nghị hoàn tiếp ở những kỳ sau.
Như vậy, số thuế sau khi đã đề nghị hoàn phải treo lại chờ cơ quan Thuế ra quyết định giải quyết mới tiếp tục xử lý. Sau khi nhận quyết định “được hoàn” hoặc “không được hoàn” của cơ quan Thuế thì DN mới được hạch toán số thuế này. Khi đó, phần không được hoàn thì hạch toán vào chi phí, phần được hoàn thì chờ đến khi DN nhận được tiền mới hạch toán (giai đoạn 3).
Theo hướng dẫn của chế độ kế toán hiện hành và thực tế tại các DN, trong quy trình hạch toán này, tồn tại 2 bất hợp lý:
Một là, khi DN nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT cho cơ quan Thuế nếu không định khoản thì trên Tài khoản 133(1331, 1332) còn tồn tại gộp cả “thuế GTGT còn được khấu trừ, được hoàn lại” và “thuế GTGT đã đề nghị hoàn không còn được khấu trừ hay được hoàn lại”. Thực tế này, dễ dẫn đến nhầm lẫn cho kế toán viên khi lập tờ khai thuế GTGT hoặc khi thực hiện khấu trừ thuế và đề nghị hoàn thuế ở những kỳ sau.
Về mối quan hệ quản lý, theo dõi số thuế đã đề nghị hoàn này cũng chuyển từ việc quản lý của “nội bộ DN” sang “DN - cơ quan Thuế”. Có nghĩa là, thay vì DN chỉ phải theo dõi số thuế này trong nội bộ DN nhưng khi đã nộp hồ sơ đề nghị hoàn thì DN thì phải theo dõi, đối chiếu với cơ quan Thuế bằng hồ sơ chứ không bằng tài khoản.
Hai là, khi DN nhận được quyết định xử lý của cơ quan thuế (trường hợp được hoàn) thì tính chất của số thuế được hoàn này đã thay đổi từ “số thuế GTGT đã đề nghị hoàn” thành “số thuế GTGT đã được hoàn nhưng chưa nhận được tiền”.
Xét về mối quan hệ quản lý, theo dõi của số thuế đã được hoàn nhưng chưa nhận được tiền này cũng chuyển từ mối quan hệ “DN - Cơ quan Thuế” sang “DN - Kho bạc Nhà nước”. Nghĩa là thay vì DN quản lý, theo dõi, đối chiếu số thuế này với cơ quan Thuế, thì chuyển sang quản lý, theo dõi và đối chiếu với Kho bạc Nhà nước.
Tuy nhiên, cả hai trường hợp trên, nếu DN không định khoản thì coi như kế toán đã bỏ sót chứng từ kế toán. Để giải quyết bất hợp lý này, DN phải coi “Bộ chứng từ xác nhận số thuế GTGT đề nghị hoàn” đã nộp cho cơ quan Thuế và “Quyết định xử lý về số thuế đã đề nghị hoàn” của cơ quan Thuế là các chứng từ kế toán ghi nhận một nghiệp vụ kinh tế, tài chính đã phát sinh của DN. Và đương nhiên DN phải sử dụng để hạch toán và ghi sổ kế toán liên quan.
Giải pháp hoàn thiện kế toán nghiệp vụ hoàn thuế giá trị gia tăng
Nhằm nâng cao chất lượng cung cấp thông tin kế toán trong công tác kế toán nói chung và khả năng ứng dụng của mô hình kế toán excel nói riêng dành cho các DN nhỏ và vừa Việt Nam, qua đó góp phần hoàn thiện kế toán hoàn thuế GTGT, tác giả đề xuất mở thêm hai tài khoản chi tiết cho tài khoản 133 - “Thuế GTGT được khấu trừ” như sau:
Thứ nhất, Tài khoản 1334 “Thuế GTGT đề nghị hoàn”. Theo đó, tài khoản này sử dụng để theo dõi số thuế GTGT đã đề nghị hoàn, cụ thể: Bên nợ: Phản ánh số thuế GTGT đã đề nghị hoàn; Bên có: Phản ánh số thuế GTGT đã nhận được quyết định được hoàn và không được hoàn phải tính vào chi phí; Số dư cuối kỳ: Phản ánh số thuế đã đề nghị hoàn nhưng chưa nhận được quyết định xử lý của cơ quan Thuế.
Thứ hai, Tài khoản 1335 “Thuế GTGT được hoàn phải thu”. Theo đó, tài khoản này sử dụng để theo dõi thuế GTGT đã nhận được quyết định được hoàn nhưng chưa nhận được tiền hoàn, cụ thể: Bên nợ: Phản ánh số thuế GTGT được hoàn theo quyết định; Bên có: Phản ánh số thuế GTGT đã nhận được tiền hoàn; Số dư cuối kỳ: Phản ánh số thuế được hoàn nhưng chưa nhận được tiền.
Định khoản:
1. Trường hợp mua hàng trong nước:
1a. Căn cứ vào các hoá đơn, chứng từ giao nhận, phiếu nhập hàng xác nhận giá trị hàng mua, kế toán ghi sổ:
Nợ TK 151, 152, 153, 156, 211, 213,…
Có TK 112, 331
1b. Căn cứ vào thuế GTGT của hàng mua, kế toán ghi sổ:
Nợ TK 133 (1331, 1332)
Có TK 112, 331
2. Trường hợp mua hàng nhập khẩu:
2a. Căn cứ vào các hoá đơn, chứng từ giao nhận, phiếu nhập hàng xác nhận giá trị hàng nhập, kế toán ghi sổ:
Nợ TK 151, 152, 153, 156, 211, 213,…
Có TK 112, 331
2b. Căn cứ vào thuế nhập khẩu, kế toán ghi sổ:
Nợ TK 151, 152, 153, 156, 211, 213,…
Có 333 (3333 chi tiết thuế nhập khẩu)
2c. Đồng thời thuế GTGT của hàng nhập khẩu, ghi:
Nợ TK 133 (1331, 1332)
Có TK 333 (33312-Thuế GTGT hàng nhập khẩu.)
3. Khi nộp thuế GTGT hàng nhập khẩu vào ngân sách, ghi:
Nợ 333 (33312-Thuế GTGT hàng nhập khẩu)
Có 111, 112
4. Thuế GTGT của hàng mua trả lại, giảm giá, ghi:
Nợ 111, 112, 331
Có 133 (1331, 1332)
5. Thuế GTGT không được khấu trừ, tính vào chi phí, ghi:
Nợ 154, 632, 242
Có 133 (1331, 1332)
6. Khấu trừ với thuế GTGT đầu ra, ghi:
Nợ 333 (33311-Thuế GTGT đầu ra phải nộp)
Có 133(1331, 1332)
7. DN lập bộ hồ sơ xác định số thuế GTGT đề nghị hòan và nộp cho cơ quan thuế: Kế toán chuyển số thuế đề nghị hoàn từ tài khoản 1331, 1332 sang tài khỏan 1334, ghi:
Nợ 1334 “Thuế GTGT đề nghị hòan”
Có 1331, 1332
8. Khi nhận được thông báo hồ sơ hoàn thuế của cơ quan thế, căn cứ thông báo:
8a. Phần không được hòan phải tính vào chi phí hoạt động, ghi:
Nợ 154, 632, 242, 641, ...
Có 1334 “Thuế GTGT đề nghị hoàn”
8b. Phần được hòan chuyển thành khỏan thuế GTGT được hoàn phải thu, ghi:
Nợ 1335 “thuế GTGT được hoàn phải thu”
Có 1334 “Thuế GTGT đề nghị hòan”
9. Khi nhận được tiền hoàn thuế, căn cứ giấy báo có của ngân hàng hoặc chứng từ thu tiền mặt, ghi:
Nợ 111, 112
Có 1335 “Thuế GTGT được hoàn phải thu”
Như vậy, việc mở thêm hai tài khoản chi tiết 1334 và 1335 vẫn đảm bảo các nguyên tắc của kế toán, cụ thể:
- Thứ nhất, về bản chất vì tài khoản 1334 và tài khoản 1335 đều là tài khoản chi tiết của tài khoản 133 nên vẫn phản ánh số thuế GTGT được khấu trừ, được hoàn lại.
- Thứ hai, việc mở hai tài khoản chi tiết 1334, 1335 đã phản ánh đúng ý nghĩa của từng khoản thuế ở từng thời điểm sau khi hoàn thành mỗi giai đoạn của quy trình hoàn thuế GTGT.
Trong khi đó, việc hạch toán theo đề xuất ở trên giúp phân định được các khoản: Thuế GTGT được khấu trừ, được hoàn lại; Thuế GTGT đã đề nghị hoàn không còn được khầu trừ hay đề nghị hoàn ở kỳ tiếp theo; Thuế GTGT được hoàn nhưng chưa nhận được tiền hoàn. Đồng thời, giúp cho công tác lập báo cáo thuế GTGT không bị nhầm lẫn giữa các khoản thuế GTGT với nhau.
Khi DN sử dụng các giải pháp này để hạch toán kế toán các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh liên quan đến hoàn thuế GTGT sẽ giúp công tác kế toán của DN dễ dàng hơn trong việc hạch toán, quản lý, theo dõi và lập báo cáo kế toán liên quan.
Theo đó, DN sẽ không phải theo dõi bằng hồ sơ lưu về các khoản: Thuế GTGT đã đề nghị hoàn nhưng chưa nhận được thông báo xử lý, khoản thuế GTGT được hoàn theo thông báo xử lý nhưng chưa nhận được tiền mà theo dõi trên tài khoản chi tiết liên quan (tài khoản 1334 và tài khoản 1335). Quan trọng là, nếu DN sử dụng mô hình kế toán Excel để tin học hoá công tác kế toán, thì việc hạch toán này sẽ góp phần hỗ trợ nâng cao khả năng ứng dụng của mô hình.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2015), Luật Kế toán số 88/2015/QH13 ngày 20/11/2015;
2. Bộ Tài chính (2014), Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 hướng dẫn chế độ kế toán DN;
3. Bộ Tài chính (2015), Thông tư số 193/2015/TT-BTC ngày 24/11/2015 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 hướng dẫn thi hành Luật Thuế GTGT và Nghị định số 209/2013/N-CP ngày 18/12/2013;
4. Bộ Tài chính (2016), Thông tư số 133/2016/TT-BTC ngày 26/8/2016 hướng dẫn chế độ kế toán DN vừa và nhỏ;
5. Đặng Văn Sáng, Bùi Văn Dương, Võ Văn Nhị (2013), Sách Thực hành sổ sách kế toán, Báo cáo tài chính và Báo cáo thuế GTGT trên Excel, NXB Thống kê;
6. Vũ Thị Thảo (2017), Nâng cao chất lượng thông tin kế toán trong quá trình hội nhập, Tạp chí Tài chính kỳ 1 - tháng 3/2017.